10/05/2018 13:52 GMT+7

Thuế tài sản và 'chúng ta đang bán đất để ăn'

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Đại diện ngành thuế cho rằng Luật thuế tài sản nhằm điều tiết nguồn thu, hạn chế tình trạng “bán đất để ăn”, chuyên gia nói mục tiêu này khó thực hiện và người nghèo sẽ bị ảnh hưởng.

Thuế tài sản và chúng ta đang bán đất để ăn - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, thuế tài sản phải đảm bảo có nhiều tài sản nộp thuế nhiều hơn và không để người nghèo bị ảnh hưởng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia tranh luận tại hội thảo về dự án sửa đổi một loạt các luật thuế của Bộ Tài chính, do Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phối hợp với Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức ngày 9-5.

"Ăn hết phần con cháu"

Phát biểu tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Phụng - vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) - cho biết mức động viên thuế còn cách xa mục tiêu mà chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đặt ra. 

Trong giai đoạn 2011-2015, theo chiến lược đề ra, tỉ lệ động viên thuế trên GDP là 23-24%, trong đó thu từ thuế phí, lệ phí đạt 22-23% GDP.

Tuy nhiên, mức động viên thu ngân sách trong giai đoạn này đạt 23,7% GDP, trong đó thu từ thuế chỉ đạt 18,1% GDP. 

"Nếu tính thu cả đất thì đạt 23,7% GDP, còn bỏ đất ra thì chỉ được hơn 18% GDP, cho thấy mấy năm qua chúng ta đang dựa vào đất rất nhiều. Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai" - ông Phụng nói.

Do vậy, theo ông Phụng, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi, bổ sung một số luật thuế, trong đó có nghiên cứu đề xuất Luật thuế tài sản. Vấn đề quan trọng là đánh thuế tài sản để quản lý hay để thu ngân sách.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng việc Bộ Tài chính dẫn thông tin "hiện có 174 trong số 193 nước, vùng lãnh thổ thu thuế tài sản" để đề xuất áp dụng Luật thuế tài sản là chưa chuẩn xác, có sự nhầm lẫn của cơ quan soạn thảo.

Theo ông Phạm Thế Anh, các nước có nền kinh tế phát triển đã bỏ gần hết thuế tài sản do không hiệu quả, thay vào đó là thu thuế bất động sản.

Về bản chất, theo ông Phạm Thế Anh, đối tượng thu của thuế tài sản là người sở hữu tài sản trong khi sở hữu và người sử dụng bất động sản là đối tượng của thuế bất động sản.

Cũng theo vị chuyên gia này, chính quyền trung ương sẽ thu thuế tài sản nhằm điều tiết giữa người giàu và người nghèo. 

Trong khi đó, chính quyền địa phương thu thuế bất động sản để phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo đường sá, trường học, bệnh viện... ở địa phương nhằm tăng giá trị cho bất động sản khu vực đó.

Như vậy, dự án Luật thuế tài sản mà Bộ Tài chính vừa đưa ra thiên về thuế tài sản vì đối tượng thu là đánh vào người sở hữu, chỉ nhằm mục đích tăng thu. 

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng những sắc thuế mà Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi bổ sung trong thời gian gần đây, trong đó có Luật thuế tài sản, đều nhằm tăng thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn, thu không đủ chi.

Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai

Ông Nguyễn Văn Phụng (vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế)

Cũng tại buổi hội thảo, ông Hoàng Văn Cường - ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - đề nghị phải làm rõ mục tiêu chính của sắc thuế tài sản này là gì.

Đừng để người nghèo bị ảnh hưởng

Theo ông Cường, việc thu thuế bất động sản phải thực hiện được mục tiêu đảm bảo quản lý nhà nước về bất động sản tốt hơn, hiệu quả và tạo cơ hội tiếp cận cho tất cả mọi người chứ không phải là tăng thu ngân sách.

Về chính sách thuế đối với đất, ông Cường cho rằng nên kế thừa chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay nhưng cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân và đảm bảo đất được sử dụng hiệu quả.

Với thuế nhà, ông Cường cho rằng việc căn cứ tính thuế dựa vào giá trị xây dựng, với ngưỡng 700 triệu đồng như Bộ Tài chính đề xuất là chưa hợp lý.

"Không quốc gia nào lấy giá trị xây dựng căn nhà để tính thuế nhà mà phải lấy giá trị thị trường của bất động sản" - ông Cường nói, đồng thời đề nghị giá trị nhà để chịu thuế phải trên 5 tỉ đồng để đảm bảo những người nghèo, người thu nhập trung bình không bị ảnh hưởng. 

Ngoài ra, theo ông Cường, nên tính thuế theo biểu lũy tiến để đảm bảo người có tài sản giá trị lớn sẽ nộp nhiều tiền thuế.

"Đặc biệt, nhà và đất để không phải áp thuế suất cao hơn nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm vào chờ lên giá để bán kiếm lợi" - ông Cường khuyến nghị.

Cũng ủng hộ quan điểm này, TS Phan Hữu Nghị (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng sau khi trừ ngưỡng chịu thuế, thuế suất áp thuế ở bậc 1, bậc 2 nên ở mức rất thấp, mang tính tượng trưng.

"Với mức thuế thấp và khoảng cách giữa các bậc thuế khá xa, chắc chắn người dân sẽ vui vẻ đồng thuận" - ông Nghị nói.

Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu Chúng ta bán đất để ăn và đang ăn hết phần của con cháu

TTO - “Chúng ta đang sống bằng đất. Bán đất để ăn. Ăn hết phần của con cháu trong tương lai”, ông Nguyễn Văn Phụng, vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn - Tổng cục thuế, nhận định.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên