09/04/2023 05:30 GMT+7

Thực hư lộ 'tin tuyệt mật' của Lầu Năm Góc

Ngày 7-4, loạt thứ hai các tài liệu tuyệt mật của Mỹ xuất hiện trên mạng xã hội. Trong khi Lầu Năm Góc còn đang ráo riết truy tìm thủ phạm loạt thông tin mật khác rò rỉ chỉ một ngày trước đó.

Một tài liệu được cho là của Lầu Năm Góc bị rò rỉ được tìm thấy trên mạng - Ảnh: DZEN.RU

Một tài liệu được cho là của Lầu Năm Góc bị rò rỉ được tìm thấy trên mạng - Ảnh: DZEN.RU

Mọi chuyện bắt đầu từ ngày 6-4, khi các bản đồ và ảnh chụp màn hình những tài liệu chứa thông tin "tuyệt mật" về kế hoạch của Lầu Năm Góc và NATO nhằm cung cấp vũ khí và thành lập các đơn vị quân đội Ukraine để chuẩn bị cho cuộc phản công sắp tới bị tung ra trên mạng xã hội Mỹ.

Việc tờ New York Times (NYT) của Mỹ công bố thông tin được cho là đã tạo thêm độ tin cậy cho các tài liệu rò rỉ này.

NYT nói Bộ Quốc phòng Mỹ thực sự lo ngại "các tập tin mật" đã bị công khai và bắt đầu điều tra riêng về vấn đề này.

Quy mô của vụ rò rỉ là khoảng 100 tài liệu, khiến các quan chức tình báo cấp cao gọi vụ lộ tin là "cơn ác mộng đối với Ngũ Nhãn" (Five Eyes - liên minh chia sẻ tin tình báo giữa Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada).

Các thông tin rò rỉ nói gì?

Đa số các tài liệu rò rỉ loạt đầu liên quan đến tình trạng quân đội Ukraine và công cuộc chuẩn bị cho "cuộc tấn công mùa xuân" mà Kiev đã hứa từ lâu.

Trong loạt này có cơ số quân và tình trạng vũ khí Ukraine, dữ liệu "về 12 lữ đoàn đang được thành lập (mỗi lữ đoàn có 3.000 - 4.000 quân nhân)", một số lữ đoàn được đào tạo và trang bị tại Mỹ và các quốc gia NATO khác. Chín trong số các lữ đoàn này phải sẵn sàng tấn công vào tháng 3 hoặc tháng 4-2023.

Loạt tài liệu này cũng gồm các tính toán như Kiev cần bao nhiêu đơn vị xe bọc thép để tiến hành chiến dịch thành công (250 xe tăng và 350 xe chiến đấu bộ binh).

Loạt tài liệu rò rỉ thứ hai ngày 7-4 trên bảng tin ẩn danh 4chan là các bản đồ mô tả cục diện chiến sự ở TP Bakhmut (đông Ukraine), nơi cuộc chiến khốc liệt kéo dài nhiều tháng qua.

Dữ liệu từ các cuộc giao ban của tình báo quốc gia Mỹ về Trung Quốc và Trung Đông cũng bị công khai trong loạt này.

Được lưu tâm nhất là phần đánh giá thương vong của các bên (gọi tắt là "KIA"). Các kênh Z đã đưa một phiên bản của tài liệu, trong đó tổn thất của Nga từ 16.000 - 17.000 so với 61.000 - 71.000 của Ukraine.

Nhưng cùng lúc trên mạng cũng xuất hiện một phiên bản khác của tài liệu này, ở độ phân giải tốt hơn, theo đó KIA bên Nga là 35.000 - 43.000 và phía Ukraine là 16.000 - 17.000. Từ đó xuất hiện nhiều nghi ngờ hơn về độ xác thực của các thông tin rò rỉ.

Ai có lợi?

Ngay sau khi có thông tin về vụ rò rỉ, Kiev đã nói các tài liệu trên là "giả mạo", rằng vụ rò rỉ dường như là "một âm mưu của Nga nhằm làm mất uy tín của cuộc phản công".

Hãng tin Ukraine, Unian.net, dẫn nguồn Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) nhấn mạnh bài báo của NYT "tiết lộ sự lo lắng lớn trong không gian thông tin của Nga", và "các phóng viên quân sự Nga đang ngày càng xem xét lại suy đoán của họ về các cuộc phản công tiềm năng của Ukraine".

Ông M. Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, nói vụ rò rỉ là "một sự vi phạm an ninh nghiêm trọng" có thể cản trở kế hoạch quân sự của Ukraine và "gây tổn hại cho các nỗ lực của Ukraine, Hoa Kỳ và NATO".

NYT đánh giá vụ việc "có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ tin cậy giữa các cơ quan tình báo của Ukraine và Mỹ". Tờ này thậm chí còn nhận định vụ rò rỉ là "bước đột phá tình báo đầu tiên của Nga được công khai kể từ khi chiến tranh bắt đầu".

Tuy nhiên, nhiều người Nga không tin vào tính xác thực của các thông tin rò rỉ. Nhà khoa học chính trị Alexei Kochetkov nói trên Riafan.ru rằng đây là "một hoạt động thông tin sai lệch đã được lên kế hoạch của Lầu Năm Góc".

Có lẽ cần đặt các thông tin này trên nền bối cảnh chiến sự ở Ukraine, khi quân đội Ukraine đang chuẩn bị phản công, căn cứ trả lời phỏng vấn của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho ấn bản Funke của Đức hôm 6-4.

Theo đó, Ukraine sẽ "tự quyết định về cuộc tấn công" và các đối tác của Ukraine "sẽ tuân thủ hai mục tiêu: hỗ trợ tổ chức phản công, đồng thời xây dựng tiềm năng trung và dài hạn cho quân đội Ukraine".

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, ông Alexei Reznikov, hồi cuối tháng 3 còn nêu thời điểm phản công là vào tháng 4-5 năm 2023. Việc Washington mong đợi một cuộc phản công từ Ukraine trong những tuần tới cũng được Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julian Smith tuyên bố gần đây.

Thế nên dễ hiểu vì sao những thông tin rò rỉ không bất ngờ với Matxcơva.

Một số nhà phân tích Nga cho rằng việc rò rỉ là nhằm gia tăng áp lực lên Kiev từ phía Washington, vốn muốn Kiev phải giành được những thắng lợi xứng đáng với sự ủng hộ tài lực của phương Tây, nhất là ở Bakhmut.

Nhiễu loạn thông tin

Hiện nay, vụ rò rỉ phần nào chìm trong sự nhiễu loạn của các thông tin liên quan chiến sự Ukraine.

Từ ngày 7-4, cùng lúc với tin tức vụ rò rỉ, truyền thông Nga dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo Kiev đang "chuẩn bị cho một vụ khiêu khích quy mô lớn" về việc dường như "Nga sử dụng chất độc hóa học" ở Akhtyrka (tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine).

Bối cảnh này khiến thông tin từ vụ rò rỉ nêu trên - nếu đúng là thật - cũng chỉ có giá trị như "một bằng chứng tài liệu khác về việc Hoa Kỳ nhúng tay quá sâu vào các vấn đề quân sự của Ukraine", theo Komsomolskaya Pravda ngày 7-4.

Ngoại trưởng Nga: Ukraine và phương Tây tìm mọi cách kéo dài chiến sựNgoại trưởng Nga: Ukraine và phương Tây tìm mọi cách kéo dài chiến sự

Ngày 4-4, website của Bộ Ngoại giao Nga đăng lại nội dung phỏng vấn của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với trang air.ru. Trong đó, ông Lavrov cho rằng Kiev và phương Tây đang tìm mọi cách kéo dài chiến sự ở Ukraine.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên