Ông Đặng Thanh Hải trong "bảo tàng mini" xe đạp của mình - Ảnh: MY LĂNG
Còn cuarơ đi phượt thì không xa lạ gì cái tên Đặng Thanh Hải của ông. Năm nay ông đã 67 tuổi. Đến giờ ông đã bốn lần đạp xe xuyên Việt, một lần chinh phục tứ đại đỉnh đèo.
"Tháng 10-2019 tôi sẽ chinh phục tứ đại đỉnh đèo lần thứ hai từ Đông sang Tây, hành trình 21 ngày" - ông Hải cho hay.
Chỉ cần bỏ một ngày là lười, không muốn tập nữa. Một ngày ít nhất phải đi 90-100km mới đạp xe xuyên Việt được.
Ông Đặng Thanh Hải
Người xuyên Việt
Ông Đặng Thanh Hải hiện là thành viên CLB Xe đạp thành phố Sơn La, CLB Nối vòng tay lớn miền Bắc, CLB Nối vòng tay lớn Bắc Trung Nam, CLB Phượt 3 miền Bắc Trung Nam. Trong bốn năm liên tiếp từ 2016-2019, mỗi năm ông Hải đều đạp xe xuyên Việt một lần.
Gần đây nhất, tháng 2-2019, ông đạp xe xuyên Việt từ TP.HCM đến Hà Nội theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Trường Sơn dài 2.000km. Trước đó, năm 2018, ông từng đạp xe xuyên Việt từ Móng Cái vào mũi Cà Mau theo đường ven biển dài 3.260km.
Năm 2017, "phượt thủ" U70 ấy đã đạp xe xuyên Việt từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) vào Cà Mau theo đường Hồ Chí Minh dài 2.875km.
Nhắc lại chuyến xuyên Việt đầu tiên, tháng 6-2016 đạp xe từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ông Hải cho hay đoàn đi vào đúng mùa hè nắng nóng. Đến ngày thứ ba, nắng nóng đến nỗi mới 10h trưa đã không thể đi được, đoàn phải vào khách sạn nghỉ đến 15h mới đi tiếp.
Ngày thứ tư, mọi người phải dậy từ 2h sáng đi. Đến Quảng Bình, trời vừa nắng nóng lại vừa gió ngang, thổi bạt xe! Đi sáu ngày thì vào đến Đà Nẵng. Vất vả là vậy nhưng ông Hải lại vui vì đã thực hiện được ước mơ đi khắp nơi ngắm cảnh đẹp đất nước.
"Lần đầu tiên tôi đạp xe chinh phục đèo Hải Vân. Chúng tôi lên đỉnh đèo sáng sớm nên mây còn bồng bềnh dưới chân mình. Đèo ôm quanh biển, phong cảnh đẹp tuyệt vời. Đó là niềm vui mà thời trẻ mình không có cơ hội được đi, được nhìn thấy" - ông Hải nói.
Ông Đặng Thanh Hải trên đường xuyên Việt - Ảnh: NVCC
Đầu năm 2017, đi xuyên Việt về không lâu, đến tháng 9-2017 ông Hải lại chinh phục tứ đại đỉnh đèo. Chuyến đi ấy băng qua 12 tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc rồi về Hà Nội, cung đường dài 2.300km. "Lần đầu tiên trong đời tôi chinh phục tứ đại đỉnh đèo" - ông Hải cho biết.
Tứ đại đỉnh đèo chính là đèo Khau Phạ (Yên Bái) dài hơn 30km, đèo Pha Đin giáp Điện Biên và Sơn La dài 32km, cao 1.648m, đèo Ô Quy Hồ - con đèo giữ kỷ lục về độ dài ở Tây Bắc, nối Lào Cai với Lai Châu và đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) là cung đường đèo hiểm trở dài khoảng 20km, cao 2.000m.
"Người yếu bóng vía đứng trên đỉnh đèo không dám nhìn xuống. Sông Nho Quế ôm bên dưới đèo có đoạn sâu hơn 1km, cứ thăm thẳm. Khi đổ dốc tôi cứ nhằm đường mà nhìn, không dám nhìn xuống sông. Chúng tôi đi 15 ngày. Chinh phục xong tứ đại đỉnh đèo thấy sướng lắm, khám phá khả năng bản thân mình có thể làm được nhiều điều hơn mình nghĩ" - ông Hải hào hứng nói.
Ông Hải nói thời trẻ ông đã vào Đà Lạt công tác nhiều lần. Nhưng không lần nào có thời gian thảnh thơi mà thưởng ngoạn. Sau này ở cái tuổi tóc đã bạc phơ, ông đạp xe 4-5 lần vào Đà Lạt để tự thưởng cho mình không khí mát lạnh, yên tĩnh của thành phố ngàn hoa.
"Lần đầu lên Đà Lạt tôi rất ngỡ ngàng, thắc mắc tại sao trời nắng mà người ta vẫn mặc áo ấm. Thì ra trời nắng vậy nhưng vô gốc cây là mát lạnh. Thú vị lắm" - ông Hải nói.
Quyết tâm cao, việc gì cũng thành
Ông Hải nhập ngũ năm 1971 đến năm 1975 thì ra quân. Ông thi đậu Đại học Thương mại Hà Nội. Năm 1980 ra trường, ông được điều lên Ty thương nghiệp Sơn La.
"Khi còn trẻ tôi mê đi lại lắm - ông Hải bảo - Tôi cứ nghĩ giá mà mình được đi tham quan cảnh đẹp đất nước từ Bắc vào Nam và thăm lại những nơi trước đây mình hành quân qua. Thời đó xe cộ, giao thông đi lại rất khó khăn. Chỉ có công ty, cơ quan nhà nước mới có xe. Năm 1981 tôi lập gia đình rồi có con. Kinh tế khó khăn, cơm áo gạo tiền, tôi không còn nhớ đến ước mong của mình nữa".
30 năm công tác ở Công ty Thương mại tỉnh Sơn La, đến năm 2010 ông Hải nghỉ hưu ở tuổi 57. Khi đó đầu óc không còn phải nặng gánh nghĩ suy nữa, ông mới chợt nhớ lại ước mong năm nào.
"30 năm tuổi trẻ tôi dành cho sự nghiệp, gia đình và con cái. Bây giờ quỹ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu mới có điều kiện quan tâm đến bản thân mình, việc nào muốn làm thì làm. Làm được điều mình thích mới là ý nghĩa của cuộc sống, không phải là tiền bạc hay địa vị" - ông Hải nói.
Ông Đặng Thanh Hải - Ảnh: MY LĂNG
Nhưng tuổi 57 không cho phép ông thực hiện ngay ước mong của mình. Ông lên kế hoạch rèn luyện thể lực thật nghiêm túc. "Lúc đầu đạp xe mệt lắm. Tôi phải phấn đấu từng ngày. Ngày đầu tiên đạp 15km rồi dần dần nâng lên" - ông Hải nói.
Suốt 10 năm nay, một năm 365 ngày, cả ngày lễ, chủ nhật, ngày tết hay mưa gió rét buốt, ông không bỏ ngày nào. Những lúc mưa gió kéo dài cả tuần, rét buốt chỉ có 2 độ, ông vẫn mặc áo mưa đạp xe mấy chục kilômet. Trung bình một ngày ông đạp khoảng 90km. Buổi sáng ông bắt mình phải hoàn thành đạp 60km, buổi chiều 30km.
"Chỉ cần bỏ một ngày là lười, không muốn tập nữa. Một ngày ít nhất phải đi 90-100km mới đạp xe xuyên Việt được. Đi xuyên Việt có ngày đạp mười mấy tiếng đồng hồ, kể cả thanh niên 18-20 tuổi mà không rèn luyện là không đi nổi. Để thực hiện được ước mơ của mình, tôi phải chuẩn bị thật tốt, phải cực kỳ quyết tâm, kiên trì rèn luyện" - ông Hải giải thích.
Kế hoạch 6 tháng
Năm 2016, lần đầu tiên ông Đặng Thanh Hải đi xuyên Việt. Khi đó ông 63 tuổi. Ông bảo: "63 tuổi mới bắt đầu nhưng vẫn chưa phải là muộn vì tôi vẫn thực hiện được ước mơ của mình. Nguyện vọng chinh phục đoạn đường bằng năm vòng trái đất tôi cũng hoàn thành rồi. Khó nhất ở cái tuổi này là tư tưởng của mình. Quan trọng là có quyết tâm hay không. Quyết tâm cao, việc gì cũng thành". Ông Hải cho biết đang ấp ủ ý định đạp xe cùng đồng đội đến 63 tỉnh thành trong sáu tháng.
"Mình vừa đi thăm lại chiến trường xưa vừa đi du lịch. 63 tỉnh thành tôi đi qua nhiều rồi nhưng toàn đi theo đoàn. Giờ tôi muốn đi một mình cùng 1-2 người đồng đội đến từng tỉnh, mỗi tỉnh ở hai ngày để tìm hiểu kỹ hơn phong tục tập quán, ngắm cảnh đẹp" - ông Đặng Thanh Hải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận