Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp cơ khí bên lề hội nghị - Ảnh: QUANG HIẾU
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam vào ngày 24-9. Khẳng định đây là ngành sản xuất nền tảng, từng "vang bóng một thời" với nhiều doanh nghiệp có tầm cỡ, nhưng Thủ tướng thừa nhận ngành cơ khí vẫn chưa được coi trọng, chính sách hỗ trợ cho phát triển còn chậm đổi mới, cả tư duy chính sách đầu vào và đầu ra...
Chưa được quan tâm đúng mức
Thủ tướng nhấn mạnh những bất cập của ngành cơ khí hiện nay như vẫn ít doanh nghiệp đầu tàu, nhân lực còn thiếu và yếu, năng lực thấp, giá thành sản xuất cao, tổ chức thị trường chưa xứng tầm với nhu cầu thị trường của 100 triệu dân...
"Tại sao các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến ngành cơ khí?" - Thủ tướng đặt câu hỏi và khẳng định Chính phủ và Thủ tướng quyết chiến để đưa cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.
Ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - cũng cho biết cả nước hiện có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, có rất ít thương hiệu trong nước, chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh, mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu trong nước.
Ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ôtô và phụ tùng ôtô, chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. Tuy nhiên, giá trị doanh thu thuần của các doanh nghiệp ngành cơ khí so với toàn ngành chế biến, chế tạo khá thấp và có xu hướng giảm qua các năm, chỉ đạt hơn 18%.
Theo TS Nguyễn Chỉ Sáng - phó chủ tịch, tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỉ USD trong một, hai chục năm tới, nhất là khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước.
Chẳng hạn với nông nghiệp, dù dung lượng thị trường cho máy và thiết bị phục vụ chỉ khoảng 500 triệu USD/năm, nhưng giá trị gia tăng cho các nông sản, thực phẩm do cơ giới hóa ngành có thể đạt 5 tỉ USD/năm.
Tuy nhiên, theo ông Sáng, ngành cơ khí Việt Nam vẫn chưa làm chủ việc thiết kế các máy móc, thiết bị hoặc các nhà máy công nghiệp, nên chưa có khả năng thiết kế, chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không ổn định, giá thành sản phẩm cao, các doanh nghiệp không tham gia được vào chuỗi cung toàn cầu...
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Ông Nguyễn Thể Hà - giám đốc Công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ - cho rằng sản xuất nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn do tổn thất sau thu hoạch còn lớn khiến giá trị giảm sút, chất lượng không đảm bảo. Do đó, nông nghiệp Việt Nam rất cần tăng cơ giới hóa sản xuất, hiện đại hóa công nghiệp chế biến.
Tuy nhiên, theo ông Hà, đến nay vẫn chưa nhiều chính sách khuyến khích ngành cơ khí phát triển. Đơn cử như ngân sách khoa học công nghệ (quy định 2%) vẫn ở mức thấp, chủ yếu để duy trì bộ máy trong khi các đề tài nghiên cứu trùng lắp, thiếu tính thực tiễn. Chính sách đất đai còn bất hợp lý...
Ông Lê Văn Tuấn - tổng giám đốc Lilama - cho rằng sản phẩm cơ khí đang chịu sức ép cạnh tranh nhập khẩu gay gắt, nên việc mở rộng thị trường khó khăn do thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh. Thực tế, ngay tại sân nhà, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó có thể tham gia được vào các dự án đầu tư trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng, dầu khí...
Do đó, theo ông Tuấn, cần quy định rõ ràng và giám sát thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam, không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân, FDI... Nếu các phần việc chế tạo cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được bắt buộc phải để cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện. Ngoài ra, phải kiểm soát chặt chẽ quản lý lao động nhập cảnh, chỉ cho những lao động trình độ cao được vào Việt Nam làm việc.
Theo ông Trần Bá Dương - chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Trường Hải, chính sách thuế nhập khẩu đang tồn tại bất cập rất lớn, đó là thuế suất nhập khẩu nguyên liệu, vật tư đang cao hơn thuế suất nhập khẩu linh kiện và thành phẩm, dẫn đến sản phẩm sản xuất trong nước chưa thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, ông Dương đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được để giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp ôtô và cơ khí, không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng ôtô sản xuất trong nước, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Sẽ có nghị quyết thúc đẩy phát triển ngành cơ khí
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định sau cuộc họp này sẽ xây dựng nghị quyết thúc đẩy phát triển ngành cơ khí. Các vấn đề sẽ được tập trung tháo gỡ như vốn, thị trường, lãi suất, chính sách thuế; tạo dựng thị trường cho doanh nghiệp cơ khí phát triển, Nhà nước đóng vai trò là bà đỡ; chú ý sản phẩm cơ khí có tiềm năng phát triển như ôtô, thiết bị công nghiệp.
Đặc biệt, sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn các công trình dự án trong nước, chính sách đấu thầu tạo thị trường trong doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, tăng liên kết trong nước và thế giới...
"Cần có chính sách đi tắt đón đầu trong cơ khí, thành công của thế giới và lợi thế Việt Nam, phát huy lợi thế người đi sau. Làm sao để có tính hiệu quả, hiện đại, tinh xảo trong một số lĩnh vực cần được nâng cao như ôtô, nông nghiệp, cơ khí chính xác, lắp ráp..." - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời giao cho Bộ Công thương chủ trì xây dựng nghị quyết về thúc đẩy phát triển ngành cơ khí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận