Vắc xin COVID-19 có sẵn tại sân bay cho du khách, nhân viên sân bay và người dân từ sau ngày 10-5. Trong ảnh: tiêm vắc xin tại sân bay quốc tế Miami, bang Florida, ngày 10-5 - Ảnh: AFP
Trung tâm Cải tiến sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Duke (Bắc Carolina) khuyến cáo chính phủ nên lập kế hoạch cho số vắc xin thừa càng sớm càng tốt, trong bối cảnh nhiều bang của Mỹ đang trong tình trạng "khủng hoảng thừa" và buộc phải từ chối nhận vắc xin từ chính phủ liên bang.
Nhu cầu giảm
Cô Joyce Ann Kraner sống tại bang Tennessee đang rất háo hức chờ đại dịch kết thúc để đi thăm mẹ trong viện dưỡng lão. Tuy nhiên, Kraner nói rằng cô không có kế hoạch tiêm vắc xin dù được phân phối rộng rãi. "Tôi thấy mình rất khỏe mạnh", Kraner nói với Đài NPR.
Bất chấp thực tế hàng triệu người Mỹ đã tiêm vắc xin an toàn, Kraner bày tỏ lo lắng về các biến chứng: "Chúng ta không biết về tác động lâu dài của vắc xin".
Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), 52% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin và 34% dân số được tiêm phòng đủ 2 liều. Mục tiêu của Tổng thống Mỹ Joe Biden là tiêm chủng ít nhất 1 liều cho 70% dân số trưởng thành trước ngày Quốc khánh 4-7.
Theo báo Guardian, tỉ lệ tiêm chủng trên khắp nước Mỹ đã chậm lại do người dân chần chừ đi tiêm vắc xin. Kể từ 8-5, lượng tiêm vắc xin của Mỹ chỉ còn 2 triệu liều/ngày, giảm 20% so với tuần trước đó. Với đà này, mục tiêu 70% người trưởng thành được tiêm vắc xin vào ngày 4-7 xem ra khó đạt được.
Theo tờ báo Anh này, bang Iowa chỉ đăng ký nhận 29% lượng vắc xin được phân phối; bang Kansas (9%), Connecticut (26%), South Carolina (21%), North Carolina và Washington mỗi bang chỉ muốn nhận 40% lượng phân phối.
Nhu cầu giảm dẫn tới việc các bang phải từ chối bớt vắc xin được phân phối và nghĩ ra các biện pháp khuyến khích người đi tiêm. Ở North Carolina, nhà chức trách đang cân nhắc trả tiền để khuyến khích những người trẻ tuổi đi tiêm vắc xin. Bang West Virginia đề nghị chi 100USD cho người từ 16-35 tuổi để họ đi tiêm vắc xin. Thành phố Detroit của bang Michigan đề xuất trả 50USD cho mỗi người dân đồng ý tiêm vắc xin.
Trong khi đó, theo Đài CBS, bang Philadelphia đang thừa rất nhiều vắc xin trong kho lạnh nhưng thời gian sử dụng lại rất ngắn, buộc thành phố phải tranh thủ vận chuyển vắc xin tới nơi khác để tránh phải hủy bỏ. Các quan chức của Philadelphia đang hi vọng nhiều người dân tới tiêm phòng hơn bằng cách đóng cửa các điểm tiêm phòng trễ hơn bình thường, nhằm thu hút khách vãng lai chưa có lịch đặt hẹn tiêm chủng.
Số liệu: Our World in Data - Đồ họa: TUẤN ANH
Phân phối cho nước khác
Việc thừa vắc xin ở Mỹ tạo thành sự tương phản rõ rệt với tình hình ở nhiều nước nghèo trên thế giới, nơi chương trình tiêm chủng bắt đầu trễ do "khan hiếm" nguồn cung.
Theo ước tính từ Đại học Duke, khoảng 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không thể đạt tỉ lệ tiêm chủng 60% dân số cho đến năm 2023 hoặc xa hơn, nếu việc phân phối vắc xin diễn biến ì ạch như hiện tại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11-5 cho biết gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông, đề nghị Mỹ giúp đỡ mua vắc xin COVID-19.
Cuối tháng 4, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ chia sẻ 60 triệu liều vắc xin của AstraZeneca với các quốc gia khác. Đây không phải là loại vắc xin do Mỹ sản xuất.
Theo Hãng tin AFP, dư luận quốc tế chỉ trích Mỹ vì chưa chịu chia sẻ số vắc xin khổng lồ mà Mỹ đang thừa cho các nước thiếu hụt vắc xin, trong bối cảnh Ấn Độ đang bị dịch bệnh tàn phá thảm khốc và hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.
Báo Washington Post cho rằng sở dĩ cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh là do vắc xin AstraZeneca không phải là một phần quan trọng trong kế hoạch tiêm chủng cho người Mỹ, nên chính phủ khó biện minh cho việc không gửi loại vắc xin này đến các quốc gia đang cần.
Cụ thể, vắc xin AstraZeneca chưa được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng tại Mỹ. Loại vắc xin này sẽ được phân phối ra nước ngoài sau khi FDA hoàn thành các đánh giá an toàn và điều này có thể mất tới vài tháng.
Nhà Trắng nhấn mạnh việc gửi số vắc xin AstraZeneca không dùng đến sẽ không ảnh hưởng đến việc tiêm chủng nội bộ. Hiện Mỹ cũng đã gửi các nguyên liệu thô để Ấn Độ tự sản xuất vắc xin, theo Washington Post.
Một số quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ giải thích rằng việc phân phối vắc xin cho nước khác thực tế khá phức tạp. Mỹ có thể sẽ cần phải dự trữ để đề phòng nhiều người cần tiêm vắc xin hơn.
Ngoài ra, từ ngày 10-5, Mỹ đã cấp phép tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ em 12-15 tuổi nên cần thêm một lượng lớn vắc xin. Chưa kể những sự cố phải tạm dừng tiêm như vắc xin của Johnson & Johnson xảy ra tình trạng đông máu. Tất cả những điều này đều có thể sẽ tiêu hao nhiều vắc xin hơn trong kho dự trữ.
Mỹ rao tour du lịch tiêm vắc xin
Theo báo Wall Street Journal, không chờ Mỹ phân phối vắc xin, nhiều người có điều kiện tài chính tốt ở các nước đang phát triển đã tự mua "tour du lịch vắc xin COVID-19" để được tới Mỹ tiêm chủng.
Hiện đã có hàng chục ngàn khách du lịch từ Mexico và một số nơi khác như Thái Lan đổ về các bang như Texas, Florida, New York... để được tiêm vắc xin COVID-19. Các bang này không yêu cầu người đến tiêm chủng xuất trình giấy tờ xác nhận tình trạng cư trú, do đó du khách có thể dễ dàng tiêm chủng.
New York cũng tự quảng cáo họ là điểm du lịch lý tưởng cho những ai muốn tiêm vắc xin COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận