Sáng 19-5, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát động "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi".
Chương trình do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người.
Nguồn tạng hiến còn rất khiêm tốn
Phát biểu tại lễ phát động, bà Đào Hồng Lan, bộ trưởng Bộ Y tế, gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình, người thân người hiến tạng đã đồng ý trao tặng sự sống cho người bệnh cần ghép tạng.
Bà Lan nói sau 32 năm kể từ khi thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên trên người vào năm 1992, đến nay ngành y tế nước ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng.
Hiện nay trên toàn quốc đã có 26 bệnh viện thực hiện ghép tạng thành công, ghép được hầu hết các tạng trên người như ghép thận, gan, tim, phổi, tụy. Với hơn 1.000 ca ghép tạng mỗi năm, Việt Nam trở thành nước có số ca ghép tạng hàng đầu Đông Nam Á.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng để 'cho đi là còn mãi'
Trong những năm qua, Việt Nam có những tiến bộ trong việc vận động hiến tạng. Năm 2023, tỉ lệ người chết não hiến mô tạng đã tăng 15% so với năm trước. Đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng ca ghép tạng hằng năm.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu ghép tạng của người bệnh khi hơn 94% số tạng ghép đến từ nguồn hiến sống. Hiện nay nguồn mô, tạng của người hiến ở nước ta còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Hàng chục nghìn người bệnh vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ được ghép tạng.
Theo Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, hiện nay cả nước có hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỉ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
"Trong khi đó một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc, tỉ lệ tạng hiến từ người sau chết, chết não rất cao, từ 40-80%. Đây là những nước có nền văn hóa, tín ngưỡng giống với Việt Nam.
Việt Nam cần tăng nguồn hiến tạng sau chết, chết não, giống như các nước phát triển có từ 50 - 90% nguồn hiến tạng từ người hiến sau chết, chết não", ông Đồng Văn Hệ, giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chia sẻ.
"Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống được 8 người, giúp cải thiện sức khỏe chữa khỏi bệnh cho vài chục người khác. Những tấm lòng nhân ái như thế đã góp phần mang lại niềm tin yêu trong cuộc sống, lan tỏa giá trị nhân văn tốt đẹp, với phẩm chất con người Việt Nam giàu lòng yêu thương nhân ái; xã hội trân trọng, biết ơn những việc làm bình dị mà cao cả ấy", bà Lan nói.
Thủ tướng đăng ký hiến tặng mô, tạng
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hiến mô, tạng là món quà cao quý nhất của một người trao tặng cho người khác. Hàng ngàn người đã được cứu sống từ tấm lòng cao cả ấy. Ông gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng đã trao sự sống cho nhiều người khác.
"Tôi rất xúc động khi dự và phát động sự kiện ý nghĩa, nhân văn này. Sự kiện hôm nay còn đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19-5", Thủ tướng nói.
Ông chia sẻ câu ca dao, tục ngữ thân thuộc: "Thương người như thể thương thân". Ông nói đó là câu ca dao đã ngấm vào dòng máu của mỗi người Việt. Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ người khác là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là những yếu tố làm nên vẻ đẹp, sức mạnh của người Việt.
Về sự phát triển của ngành y tế trong lĩnh vực ghép tạng, Thủ tướng cho hay Việt Nam tự hào khi dù đi sau nhiều nước trong khu vực về ghép tạng, nhưng đến nay đã trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á.
Ông đề nghị các đơn vị cần tiếp tục phát triển ngành ghép tạng, mở rộng nguồn mô tạng hiến từ người chết, chết não. Nghiên cứu chính sách ưu tiên, cơ chế đặc thù, khuyến khích cho lĩnh vực hiến, ghép mô tạng.
"Tôi kêu gọi mỗi người Việt Nam không phân biệt vùng miền, ngành nghề... hãy đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để tiếp nối hy vọng, gieo mầm sự sống cho người bệnh. Với tinh thần "cho đi là còn mãi", đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, là sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", ông nói.
Thủ tướng cũng đề xuất cần có một ngày để tôn vinh, vận động đăng ký hiến mô tạng. "Có thể lấy ngay ngày hôm nay 19-5, ngày sinh Bác Hồ, làm Ngày hiến tặng mô, tạng", ông nói.
Tại buổi lễ, Thủ tướng cũng chia sẻ ông đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não để "cho đi là còn mãi".
Tại sự kiện, các đại biểu tham dự, lãnh đạo các bộ ngành cũng ký vào đơn đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận