Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại cuộc họp của một ủy ban Thượng viện Nhật Bản ngày 18-6, Thủ tướng Abe khẳng định "sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào" để giải quyết vấn đề bắt cóc công dân và sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Ông Abe tái khẳng định cuộc gặp dự kiến nói trên phải dẫn đến giải pháp cho vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, cũng như vấn đề phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đánh giá cao vai trò của ông Kim Jong Un để đi đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên trong lịch sử, Thủ tướng Abe bày tỏ mong muốn các mối quan hệ của Nhật Bản với Triều Tiên cũng sẽ có một khởi đầu mới, đồng thời cam kết giải quyết bất đồng bằng cách xóa bỏ sự nghi kỵ lẫn nhau.
Tuy vậy, Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật Bản sẽ không hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng và không bình thường hóa quan hệ song phương khi chưa giải quyết được vấn đề bắt cóc công dân kéo dài lâu nay, vốn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản.
Cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã giúp Nhật nhận ra một thực tế khác với mong đợi - Ảnh: REUTERS
Hôm 16-6, trả lời phỏng vấn một đài truyền hình Nhật Bản, thủ tướng Abe nhấn mạnh ông Kim Jong Un đã cam kết sẽ "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" trong cuộc gặp với ông Trump, đồng thời khẳng định tổng thống Mỹ đã truyền đạt quyết tâm của ông tới nhà lãnh đạo Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc.
Năm 2002, Triều Tiên thừa nhận đã bắt cóc 13 người Nhật trong những năm 1970 và 1980.
Nhật Bản, trong khi đó, khẳng định 17 người đã bị Triều Tiên bắt cóc, 5 trong số này đã được trở về nhà.
Chính phủ của thủ tướng Abe nhấn mạnh sẽ không từ bỏ cho tới khi tất cả công dân Nhật bị bắt cóc được hồi hương, bất chấp tuyên bố của Bình Nhưỡng rằng 8 người trong số này đã chết và 4 người chưa bao giờ đặt chân lên đất Triều Tiên.
Các tuyên bố của ông Abe được đưa ra trong bối cảnh có những thông tin cho biết Tokyo đang hướng đến tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc bên lề một diễn đàn kinh tế quốc tế tại Nga vào giữa tháng 9 tới, hoặc bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) nửa cuối tháng 9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận