07/07/2020 14:36 GMT+7

Thủ tướng: Ngành tài chính phải tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ kinh tế

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Ngành tài chính phải đề xuất các giải pháp tiếp tục hoãn, giảm, miễn thuế, huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng và sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng: Ngành tài chính phải tiếp tục đề xuất gói hỗ trợ kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính phải tiếp tục đề xuất cụ thể về gói kích thích tài khóa, các giải pháp hoãn, giảm, miễn thuế, huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - Ảnh: BTC

Đó là nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính phải tập trung trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác ngành tổ chức sáng 7-7.

Tiếp tục đề xuất hoãn, giảm, miễn thuế

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế. Do đó, hầu hết các nước đều nới lỏng chính sách tài khóa với mức rất lớn lên đến 11.000 tỉ USD. Và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngoài ra, nhiều nước thay đổi luật lệ, thể chế để phù hợp với dịch bệnh vì chuỗi cung ứng đứt gãy. Nhiều nước mua lại các khoản nợ để ngăn chặn các đổ vỡ trong khi hiếm khi nhà nước mua lại của tư nhân.

"Trong điều kiện hiện nay, chúng ta tiếp tục phải làm gì? Ngành tài chính cần phải tiếp tục đề xuất cụ thể về gói kích thích tài khóa, các giải pháp gồm tiếp tục hoãn, giảm, miễn thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng và báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định", Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng cho rằng có thể nâng bội chi và nợ công lên 3-4% GDP mà không ảnh hưởng đến thâm hụt tài chính quốc gia trước mắt và lâu dài.

Người đứng đầu Chính phủ còn cho biết các nước thời gian qua đưa ra mức hỗ trợ nền kinh tế khoảng 10% GDP.

"Quy mô GDP của chúng ta hiện khoảng 300 tỉ USD. Theo thông lệ như các nước, Việt Nam sẽ hỗ trợ khoảng 30 tỉ USD. Đến nay chúng ta mới hỗ trợ 15.000 tỉ đồng. Do đó, các đồng chí phải tính toán các biện pháp mạnh mẽ hơn để tiếp tục kích thích phát triển sản xuất", ông nhấn mạnh.

Phải nuôi dưỡng nguồn thu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không để mất cân đối lớn trong thu ngân sách nhà nước năm nay và cần giảm nhưng không làm dự toán thu ngân sách bị đổ bể.

Do đó, bên cạnh việc triển khai các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ ôtô... để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tham mưu cho các địa phương các giải pháp về thuế, phí hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.

Theo ông, các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát để cắt giảm các loại lệ phí nhất là thủ tục hành chính, dịch vụ công, xây dựng, giao thông… Cái gì cần giảm thì phải giảm, cái gì phải thu thì phải quyết liệt để bù lại.

Về chi ngân sách nhà nước, theo Thủ tướng, chúng ta có câu "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Theo đó, các ngành, địa phương phải thực hiện hiệu quả tiết kiệm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết cấp bách.

Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính phối hợp xây dựng phương án cân đối nguồn để tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền.

Như việc giảm 70% chi phí đi công tác nước ngoài thì tiết kiệm được 700 tỉ đồng ở các cơ quan trung ương, nếu địa phương cũng thực hiện theo tinh thần này thì số tiền tiết kiệm sẽ gấp mấy lần con số này.

Ngành tài chính cần làm tốt việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi miễn phí công đoàn. Tổng liên đoàn, Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu, kiến nghị để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính phải nghiên cứu cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng ta phải tính toán để thu hút các dòng vốn có công nghệ mới.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngăn chặn nhũng nhiễu tiêu cực, đưa ứng dụng công nghệ để giảm bớt tiếp xúc giữa công chức và doanh nghiệp.

"Đặc biệt cắt giảm các cuộc thanh tra kiểm tra, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Vụ Bắc Ninh là điển hình của sự lạm dụng công vụ, tiêu cực cần xử lý nghiêm và rút kinh nghiệm sâu sắc trong toàn ngành thuế và hải quan", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngay trong tháng 8 điều chuyển vốn đầu tư công nếu giải ngân chậm

Theo Thủ tướng, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp của Bộ Tài chính trong 6 tháng cuối năm. Quan điểm là phải đẩy mạnh giải ngân hết toàn bộ vốn năm 2020. Giải pháp quyết liệt là sẽ điều chuyển vốn đầu tư công ngay trong tháng 8 tới nếu địa phương, bộ ngành giải ngân chậm.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương trong năm nay.

"Các đồng chí bí thư, chủ tịch, giám đốc Sở Tài chính, chủ dự án... phải xuống tận nơi xem xét vướng mắc và tháo gỡ để thúc giải ngân. Còn nửa tháng 1 lần, Thủ tướng và các phó Thủ tướng sẽ họp kiểm tra về tiến độ giải ngân đầu tư chứ không thể để ì xèo như lâu nay", Thủ tướng nói.

Việt Nam cần gói hỗ trợ lần 2? Việt Nam cần gói hỗ trợ lần 2?

TTO - Hai gói hỗ trợ, một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỉ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, đã phần nào phát huy tác dụng. Nhiều đề xuất cho rằng cần tính đến gói hỗ trợ lần 2.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên