Nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Trong ảnh: không ít sạp bán hàng tại cửa Bắc chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) vẫn đóng cửa - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Diễn biến dịch còn phức tạp, doanh nghiệp (DN) đối mặt khó khăn thậm chí còn hơn trước nên cần tính toán tới gói hỗ trợ tín dụng trung, dài hạn. Giãn, giảm thuế, phí 5 tháng được nhiều ý kiến cho rằng quá ngắn.
Tính toán gói hỗ trợ mới
Cho rằng các gói hỗ trợ cho cộng đồng DN phải được kéo dài, đặc biệt là hỗ trợ tài khóa miễn, giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - nhấn mạnh ngay lúc này cần tính toán thêm các khoản giảm thuế cho DN để phục hồi sản xuất.
Trong hỗ trợ tín dụng, không chỉ hướng đến giải quyết các khó khăn trước mắt của DN, ông Lộc cho rằng cần tính tới một gói hỗ trợ tín dụng mới, đặc biệt cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng đang gặp khó khăn tạm thời như hàng không, du lịch.
Các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ thời gian qua thực hiện trên diện rộng, nhiều DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh được hưởng hỗ trợ. Nhưng ngoài gói hỗ trợ "đại trà" như thế này, đã đến lúc cần tính toán gói hỗ trợ trọng điểm, cứu những ngành quan trọng có tiềm năng, sức bật lớn.
"Bối cảnh hiện nay, cần tính tới một gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho các DN thuộc các ngành nghề cốt lõi trong nền kinh tế" - ông Lộc nói. Đồng thời cho rằng trường hợp dịch bệnh kéo dài cần xem xét việc duy trì gói chính sách miễn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) với các DN nhỏ và vừa, mở rộng đối tượng được giảm gồm cả các DN lớn.
Các nước thực hiện gói hỗ trợ tài khóa 10% GDP. Quy mô GDP của VN khoảng 300 tỉ USD, 10% là khoảng 30 tỉ USD, trong khi gói tài khóa của chúng ta thấp hơn mức này rất nhiều. Nên Chính phủ đồng ý cho Bộ Tài chính đàm phán, tiếp nhận các khoản hỗ trợ của WB, IMF để có nguồn kích hoạt kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Cần "giải pháp thời chiến"
Ông Nguyễn Văn Bé - chủ tịch Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM (HBA) - cho biết tình hình các DN hiện nay hết sức khó khăn bởi cả đầu ra và đầu vào đều khốn khó. Theo ông Bé, nhiều DN duy trì sản xuất thì không thể xuất khẩu, tồn kho rất nhiều. Các mặt hàng chủ lực như may mặc, da giày của VN lại càng khó tiêu thụ. Ngoài ra, nguyên liệu, phụ kiện bắt đầu cạn kiệt.
Do đó, nhiều DN ở các khu công nghiệp vẫn phải duy trì giãn ca, cho công nhân nghỉ 3 ngày cuối tuần. Cho rằng tình hình các DN hiện nay còn cấp bách hơn thời điểm trước, ông Bé nhận định việc tiếp tục xây dựng gói hỗ trợ DN tiếp theo là thực sự cần thiết.
Tuy vậy, ông Bé đề xuất gói hỗ trợ thứ 2 này phải xây dựng thật kỹ lưỡng để làm sao các DN đang khó khăn có thể tiếp cận thay vì phải đi chứng minh thiệt hại 50%, cắt giảm 50% lao động như trước.
Ông Chu Tiến Dũng - chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) - cho hay rất nhiều DN sản xuất gắn với thị trường nước ngoài, do đó dự đoán trong quý 3 vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh cần thiết xây dựng gói hỗ trợ DN lần thứ 2, song ông Dũng nhận định nên xem xét gói hỗ trợ trực tiếp, đặc thù riêng cho nhóm DN chủ chốt của nền kinh tế, cứu các DN này trước nguy cơ phá sản bởi đây là những DN mang tính động lực.
"Tuy vậy, DN hiện loay hoay vì thị trường teo lại. Các giải pháp làm sao để mở được thị trường mới có thể cứu được DN" - ông Dũng cảnh báo.
Năm 2019 chỉ khoảng 38% DN có lãi, có phát sinh thuế TNDN. Dịch bệnh, số DN có lợi nhuận sẽ giảm nên số được hưởng ưu đãi thuế TNDN sẽ không nhiều. Cần mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi để nuôi dưỡng nguồn thu.
Ông Vũ Tiến Lộc
Kéo dài thời gian giãn, giảm thuế, phí
Với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, đến nay các địa phương mới phê duyệt danh sách 15,8 triệu người, thuộc các nhóm thụ hưởng, với kinh phí hỗ trợ khoảng 20.000 tỉ đồng, vẫn còn 40.000 tỉ đồng. Trong đó có 16.000 tỉ đồng hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch bệnh vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động đến nay mới giải ngân được khoảng 50 tỉ đồng.
Với gói tài khóa quy mô 180.000 tỉ đồng (giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho DN trong 5 tháng và miễn 30% thuế TNDN cho các DN nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh có doanh thu dưới 200 tỉ đồng trong năm 2019) do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho DN quá ngắn nên nhiều chuyên gia cho rằng các DN sẽ không được hưởng lợi nhiều.
TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao BIDV, cho rằng nên gia hạn thêm thời gian giãn thuế, phí, tiền thuê đất cho DN đến hết năm 2020. Thời hạn giãn, hoãn trong 5 tháng theo nghị định 41 của Chính phủ khá ngắn. Trong khi đến giờ vẫn chưa biết thời điểm nào Chính phủ sẽ công bố hết dịch trên cả nước. Sau khi hết dịch thì DN cũng cần khôi phục sản xuất, tạo doanh thu thì mới có khả năng nộp thuế, phí, tiền thuê đất.
Cùng quan điểm này, một chuyên gia kinh tế đề nghị cần triển khai ngay việc giảm 30% thuế TNDN cho hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, cần nghiên cứu, xem xét giảm thêm các loại phí công đoàn, tiền đóng bảo hiểm cho DN...
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho biết thời gian qua VCCI đã đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho DN. Nếu thời hạn giãn, hoãn chỉ vài tháng sẽ không có nhiều ý nghĩa, sau mấy tháng dịch bệnh giờ DN mới "ngấm đòn". Đến nay, theo ông Lộc, các thị trường trọng điểm, đối tác chiến lược của VN đang rất khó khăn vì dịch bệnh. Thị trường đầu ra tắc, không có hợp đồng mới thì sản xuất sẽ đình trệ, nguy cơ thất nghiệp thời gian tới sẽ lớn nếu không khai thông được thị trường xuất khẩu.
Giám đốc một doanh nghiệp nộp hồ sơ “giãn thuế cho doanh nghiệp” bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 tại Q.3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Đào Ngọc Dung (bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội):
Gia hạn giải ngân gói hỗ trợ
Trong gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng, bộ đã đề xuất nới lỏng tiêu chí được nhận hỗ trợ từ gói 16.000 tỉ đồng sau 2 tháng triển khai chưa có DN nào vay được lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ đề xuất bỏ tiêu chí DN không có nguồn thu mới được vay vốn bởi nếu không có nguồn thu thì DN gần như phá sản, giải thể rồi, không có nhu cầu vay vốn để trả lương cho người lao động nữa. Đồng thời, bộ cũng đề xuất Chính phủ kéo dài chính sách hỗ trợ DN vay vốn đến hết tháng 12 năm nay thay vì hạn cuối ngày 31-7.
Ngoài đề xuất này, bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ là giáo viên trường tư thục - những người đã mất việc làm, thu nhập giảm sâu nhưng chưa được hỗ trợ. Đề nghị Chính phủ cho bổ sung các giáo viên trường tư thục thuộc đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, phần kinh phí hỗ trợ vẫn nằm trong gói 62.000 tỉ đồng mà Chính phủ đã phê duyệt.
B.NGỌC
Ông Nguyễn Quốc Anh (chủ tịch Hội Nhựa cao su TP.HCM):
Thêm gói hỗ trợ, không chỉ dân mừng
Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là Chính phủ có giải pháp hữu hiệu để kích cầu tiêu dùng nội địa. Khi sức mua của người dân tăng lên thì DN mới bán được sản phẩm hàng hóa làm ra. Cho nên, các gói hỗ trợ trực tiếp đến người dân, chẳng hạn như gói 62.000 tỉ đồng trước đây, nếu có thêm một gói tương tự như vậy thì không chỉ người dân mừng mà cả DN cũng vui theo.
Mặt khác, điều mà cộng đồng DN chúng tôi hết sức kỳ vọng làm được ngay chính là các tổ chức tín dụng giãn nợ và hạ lãi suất để cho DN bớt chi phí. Khi gánh nặng chi phí bớt đi thì họ mới tính toán đến chuyện tái sản xuất, mở lại xí nghiệp nhà xưởng cho công nhân làm việc trở lại, từ đó hàng hóa mới lưu thông trôi chảy. Còn giãn, giảm thuế DN cũng rất cần, nhưng với DN hoạt động không hiệu quả, không có lãi thì tiền đâu để mà đóng?
Thêm nữa, DN cũng rất mong Bộ LĐ-TB&XH thực hiện ngay việc sửa đổi các tiêu chí để DN tiếp cận nhanh chóng nhất nguồn vốn vay 16.000 tỉ đồng, với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo như yêu cầu của Thủ tướng trong cuộc họp mới đây, nhằm giúp DN còn có cơ hội giữ chân người lao động trong tình cảnh quá khó khăn như hiện nay.
TRẦN VŨ NGHI ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận