22/08/2015 15:49 GMT+7

​Thủ tướng Nga thăm quần đảo Kuril, Nhật phản đối

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 22-8, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev bất ngờ đến thăm quần đảo Kuril và lập tức bị phía Nhật phản đối dữ dội.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tham quan đảo Iturup hôm nay - Ảnh: Reuters

Theo RIA, ông Medvedev đến đảo Iturup (phía Nhật gọi là đảo Etorufu). “Tất cả mọi thứ ở đây đều hiện đại một cách hoàn hảo - Thủ tướng Nga tuyên bố - Đây là kết quả của chương trình phát triển mà chúng tôi thực hiện ở quần đảo Kuril”.

Theo dự kiến, ông Medvedev sẽ dự một diễn đàn giáo dục dành cho thanh niên Nga ở đảo Iturup và thăm một số dự án kinh tế trên quần đảo Kuril, bao gồm sân bay Iturup. Ông Medvedev từng đến quần đảo Kuril năm 2012 và quân đội Nga tổ chức các cuộc tập trận tại đây vào năm 2014.

Phản ứng lại, ông Hajime Hayashi, người đứng đầu bộ phận châu Âu của Bộ Ngoại giao Nhật, lập tức gọi điện cho Đại sứ Nga ở Tokyo để phản đối.

“Chuyến đi của ông Medvedev trái ngược với quan điểm của Nhật về lãnh thổ phương Bắc và làm tổn thương tình cảm của người dân Nhật. Đó là hành vi cực kỳ đáng tiếc” - ông Hayashi nhấn mạnh.

Ở quần đảo Kuril, Nhật đòi chủ quyền bốn đảo là Iturup (Etorufu), Kunashir (Kunashiri), Shikotan (Shikotan) và Habomai (Habomai). Nhật kiểm soát các đảo này cho đến khi kết thúc Thế chiến hai và gọi chúng là lãnh thổ phương Bắc.

Sau năm 1945, lực lượng Liên Xô chiếm đóng các đảo, trục xuất cư dân Nhật khỏi đây. Theo Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 giữa Nhật và các nước đồng minh, Tokyo phải từ bỏ chủ quyền quần đảo Kuril.

Tuy nhiên hiệp ước không công nhận chủ quyền của Liên Xô đối với quần đảo Kuril. Quan điểm của Nhật là bốn đảo trên không thuộc quần đảo Kuril, do đó không chịu ảnh hưởng của hiệp ước.

Tuy nhiên phía Nga khẳng định chủ quyền của Liên Xô với các đảo này đã được công nhận bằng các thỏa thuận quốc tế sau Thế chiến hai.

Do tranh chấp các đảo thuộc quần đảo Kuril, Nhật và Nga vẫn chưa ký hiệp ước hòa bình sau Thế chiến hai. Quần đảo Kuril trở thành một rào cản Nhật và Nga thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong nhiều năm qua.

Dù vậy, cả Điện Kremlin và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng nhiều lần bày tỏ hi vọng cải thiện quan hệ để kích thích thương mại song phương. Phía Nhật muốn tiếp cận nguồn cung dầu và khí đốt cực kỳ dồi dào của Nga.

 

 

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên