05/02/2021 20:05 GMT+7

Thủ tướng Malaysia bình luận vụ Myanmar, phá vỡ nguyên tắc ASEAN?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Thủ tướng Malaysia đã gọi cuộc đảo chính ở Myanmar là "một bước lùi đối với tiến trình dân chủ Myanmar". Nhiều vấn đề nóng khác đã được đề cập trong cuộc gặp trực tiếp giữa mùa dịch COVID-19, bao gồm chuyện quân sự hóa Biển Đông.

Thủ tướng Malaysia bình luận vụ Myanmar, phá vỡ nguyên tắc ASEAN? - Ảnh 1.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin (trái) duyệt đội danh dự với Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 5-2 tại Jakarta - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã gặp nhau trực tiếp ở thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 5-2. Việc hai nhà lãnh đạo gặp trực tiếp giữa lúc dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp đã là động thái đáng chú ý.

Điều đáng chú ý hơn nữa là bình luận của Thủ tướng Muhyiddin, người đang nắm quyền ở một quốc gia có đông người Hồi giáo. Nguồn tin của Hãng tin Reuters cho biết ông Muhyiddin đã mô tả cuộc đảo chính ngày 1-2 ở Myanmar là "một bước lùi đối với tiến trình dân chủ của Myanmar".

Theo giới quan sát, các lãnh đạo ASEAN thường tránh bình luận về tình hình chính trị của nhau. Việc ông Muhyiddin đưa ra bình luận trên có thể tạo rào cản cho mối quan hệ sắp tới giữa Malaysia và Myanmar, vốn đã căng thẳng vì vấn đề tị nạn của người thiểu số Rohingya từ Myanmar chạy sang.

Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Widodo cho biết ông và ông Muhyiddin đã yêu cầu ngoại trưởng hai nước cố gắng kết nối với người đồng cấp Brunei để tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN về tình hình Myanmar. Hiện Brunei đang giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021.

Hãng tin Reuters nhận định nếu Brunei đồng ý tổ chức, đây sẽ là một trong những động thái hiếm trong lịch sử ASEAN. Do cam kết giữ nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau", các nước ASEAN thường tránh đưa ra các phản ứng gay gắt đối với các vấn đề chính trị ở những nước thành viên khác.

Theo Reuters, đề nghị của Malaysia và Indonesia do đó có thể sẽ vấp phải sự phản đối của một số nước ASEAN khác. Kuala Lumpur và Jakarta được cho là có cảm tình đối với người Rohingya, xuất phát từ việc nhóm người này cũng theo đạo Hồi.

Hàng trăm ngàn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh và một số ít hơn đến Malaysia khi quân đội Myanmar mở các chiến dịch truy quét phiến quân vũ trang ở bang Rakhine.

Ngoài cuộc đảo chính ở Myanmar và vấn đề người Rohingya, Thủ tướng Muhyiddin và Tổng thống Widodo cũng nhắc đến tranh chấp Biển Đông.

Cả hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật quốc tế ở Biển Đông, trong đó ông Muhyiddin kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế và không quân sự hóa các thực thể trong khu vực.

Trung Quốc lên tiếng bác bỏ nhúng tay vào đảo chính Myanmar Trung Quốc lên tiếng bác bỏ nhúng tay vào đảo chính Myanmar

TTO - "Với tư cách là quốc gia láng giềng thân thiện với Myanmar, chúng tôi luôn muốn các bên ở Myanmar giải quyết những khác biệt một cách phù hợp", phát ngôn viên Vương Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu quan điểm ngày 3-2.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên