Cuộc họp của Thủ tướng - Ảnh: VGP
Tham dự có Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành và TP Hà Nội.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc với Hà Nội, trái tim của cả nước, để chuẩn bị cho phát triển kinh tế - xã hội sau khi dịch bệnh cơ bản được giải quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu Hà Nội phải làm công tác phòng chống dịch COVID-19 tốt nhất, gương mẫu nhất.
Bên cạnh đó, phải cố gắng hoàn thành các mục tiêu quan trọng cơ bản của năm 2020, đóng góp quan trọng cho cả nước hoàn thành nhiệm vụ, "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".
"Các đồng chí đạt con số tăng trưởng gần 4% GDP trong quý I là cố gắng nhưng so với cùng kỳ thì còn thấp do dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh, cần quyết liệt hơn nữa, xốc tới hơn nữa, giải quyết "mạch nguồn" của các ách tắc.
Nêu rõ luôn lắng nghe các kiến nghị của Hà Nội để cố gắng xử lý, tạo điều kiện cho thủ đô, Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải vươn lên, làm gương về phát triển.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quý I-2020, tăng trưởng của Hà Nội giữ được mức tăng 3,72% nhờ duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%) và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,20% do trong tháng 1 và tháng 2 chưa bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19.
Thu ngân sách chưa bị ảnh hưởng do nhiều khoản thu chuyển từ quý IV-2019 sang quý I-2020. Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhiều lĩnh vực giảm mạnh như du lịch; vận tải; xuất, nhập khẩu. Riêng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vẫn có cơ hội phát triển trong năm 2020.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài
Kết luận cuộc làm việc với TP. Hà Nội kéo dài gần 4 tiếng rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi và lưu ý Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài.
Ghi nhận cam kết của lãnh đạo TP. Hà Nội là Thủ đô sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước trong năm 2020, Thủ tướng đề nghị Hà Nội giải quyết 10 tồn tại mà lãnh đạo Thành phố đã nêu, trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vào 4 tồn tại.
Một là, ở Đồng Tâm, cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư, cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.
Đối với công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông, cần phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6-2020.
Tồn tại nữa cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm là vấn đề mương Phan Kế Bính.
Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: "Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".
Do đó, Thủ tướng chia sẻ và thống nhất với tầm nhìn phát triển Hà Nội trong thời gian tới là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập...
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn.
Hà Nội cần tiếp tục làm tốt việc bảo đảm cung ứng hàng hóa, tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, triển khai nhanh, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và an sinh xã hội, các đối tượng bị ảnh hưởng.
Thực hiện mục tiêu kép quyết liệt, chủ động, sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, "Hà Nội như một chiếc lò xo bật ra". Cho nên những phương án phát triển dịch vụ, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân, phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, chế tạo… là những việc cần thiết.
Sáng tạo trong huy động nguồn lực, phù hợp với việc đón bắt thời cơ, Thủ tướng nêu rõ phương châm hành động là phải nhanh, chính xác và kịp thời.
Lưu ý việc bảo đảm nước sạch cho người dân với giá phù hợp, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Chủ tịch các tỉnh có văn bản giảm giá nước để hỗ trợ người dân, giống như ngành viễn thông đã hỗ trợ giảm giá với tổng số tiền 15.000 tỉ đồng, ngành điện là 12.000 tỉ đồng.
Vấn đề bảo vệ môi trường đô thị, chất lượng cuộc sống người dân rất quan trọng. Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội giải quyết vấn đề môi trường sông Đáy, sông Nhuệ.
Tiếp tục xây dựng nền hành chính của Hà Nội là nền hành chính phục vụ, văn minh và thanh lịch, làm sao giải quyết tình trạng không còn khiếu kiện đông người, tiềm ẩn mất an ninh trật tự. Không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Về các kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo giải quyết với tinh thần là các bộ cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội, có điều gì vướng mắc vượt thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận