21/08/2024 20:53 GMT+7

Thủ tướng họp Tiểu ban Kinh tế xã hội: Cần đề xuất các cơ chế đột phá

Chiều 21-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đã chủ trì cuộc họp thường trực tiểu ban với thường trực Tổ biên tập của tiểu ban.

Thủ tướng họp Tiểu ban Kinh tế xã hội: Cần cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp - Ảnh: VGP

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng dự thảo báo cáo cần bám sát nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, có các số liệu cụ thể để chứng minh.

Đánh giá đầy đủ, khách quan về kết quả kinh tế xã hội

Trong đó cần khẩn trương rà soát nội dung theo chỉ đạo của Trung ương và nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên họp thường trực Tiểu ban Văn kiện ngày 14-8. 

Bổ sung nội dung, xây dựng dự thảo báo cáo đảm bảo đầy đủ, toàn diện, khách quan, nhất là về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đặt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều khó khăn, phức tạp. 

Trên cơ sở đó, dự thảo báo cáo cần xác định rõ mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát hiệu quả; các điểm nhấn trong phát triển hạ tầng, như đường bộ cao tốc, đường dây tải điện 500kV mạch 3, nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao…

Dự thảo cũng cần nêu bật các thành tựu về an sinh xã hội, nhất là trong đại dịch COVID-19; tăng lương cho người lao động, tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức; thực hiện không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; thành tựu giữ gìn, phát huy giá trị, phát triển văn hóa đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội…

Qua đó, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời nêu những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, ông yêu cầu dự thảo báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030 cần phân tích bối cảnh, tình hình xác định cơ hội, thuận lợi, khó khăn, thách thức.

Thực hiện các đột phá chiến lược, làm mới động lực tăng trưởng

Xác định các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu, các giải pháp, nhiệm vụ; rà soát, bổ sung phương châm hành động, cách tiếp cận mới, những quan điểm, định hướng mang tính đột phá. Mục tiêu là phát triển đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

Theo Thủ tướng, cùng với thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về phát triển hạ tầng, cần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, các lĩnh vực mới nổi, dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. 

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường kiểm tra, giám sát; cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí; coi trọng an sinh xã hội; xây dựng đô thị thông minh, hiện đại, văn minh…

Đặc biệt, cần đề xuất các cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… để phát triển đất nước, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng họp Tiểu ban Kinh tế xã hội: Cần cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực - Ảnh 3.Văn kiện Đại hội XIII: Có cơ chế khuyến khích để không muốn tham nhũng, bảo vệ cán bộ dám làm

TTO - Kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc, đường lối đổi mới và xây dựng Đảng, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc, huy động nguồn lực phát triển, trong đó nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên