Ngày 5-1, hội nghị Chính phủ với địa phương sẽ được tổ chức nhằm bàn thảo những giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Xu hướng phục hồi rõ nét
Kết quả tăng trưởng 5,05% trong năm 2023 dù không đạt được mục tiêu đề ra, song theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn, kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng phục hồi.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Dù đánh giá việc thu hút FDI là điểm sáng, nhưng TS. Nguyễn Trần Minh Trí - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới - cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng, khi năng lực sản xuất sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn, chi phí cao…
Do đó, với định hướng thu hút các dự án công nghệ cao, cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kết nối chuỗi cung ứng. Gắn với hoàn thiện thể chế, pháp luật, nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, hiện đại hóa hạ tầng và đẩy mạnh cải cách hành chính.
"Cần có chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt…", ông Trí đề xuất.
Ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đã được Chính phủ tập trung chỉ đạo trong năm qua cho thấy rõ kết quả. Như với lĩnh vực sản xuất - xuất khẩu, nhiều ngành hàng khó khăn nhưng theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây vẫn là động lực chính cho tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm phục hồi tích cực.
Đặc biệt, cán cân thương mại năm thứ 8 liên tiếp đạt mức xuất siêu kỷ lục với gần 27 tỉ USD, gấp gần 3 lần so với năm trước. Với kết quả tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỉ USD, dù chưa đạt mục tiêu nhưng đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tổng cầu sụt giảm, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm.
Trong khi đó, không còn chỉ như một giải pháp thay thế khi xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường nội địa còn góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Dẫn chứng, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành là 8-9%.
Là một trong những ngành xuất khẩu có kim ngạch hàng chục tỉ USD, ông Cao Hữu Hiếu - tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhìn nhận năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn khi diễn biến thị trường bất lợi, cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đều khó vì nhu cầu thấp. Trong đó, nhiều đơn vị liên tục thiếu hàng, đơn hàng, đơn giá đều giảm từ 20-30%, cá biệt có đơn hàng giảm 40%.
Một số ngành như sợi thị trường ảm đạm, kinh doanh dưới giá thành… Với ưu tiên giữ chân người lao động, các doanh nghiệp đã áp dụng hàng loạt giải pháp như chấp nhận đơn hàng giá thấp, không có lãi hoặc giảm lợi nhuận, doanh nghiệp giảm giờ làm, làm việc luân phiên, không tăng ca…
Gỡ nút thắt thể chế, nhân lực
Dù đánh giá nhiều triển vọng phục hồi kinh tế cho năm 2024, song nhiều chuyên gia cũng nhận định, cùng với thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các động lực tăng trưởng, Việt Nam cần khai thác tốt các cơ hội tăng trưởng mới, đặc biệt là đầu tư vào các ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng hàng hóa sản phẩm xuất khẩu.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, việc áp dụng công nghệ mới, đổi mới mô hình tăng trưởng đặt ra yêu cầu cho dệt may khi đây là ngành sử dụng tài nguyên và tác động đến môi trường. Do vậy, cùng với ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết bị sản xuất, lắp đặt điện áp mái tại nhà xưởng để sử dụng năng lượng sạch, ứng dụng công nghệ AI, Vinatex cũng cơ cấu tỉ lệ sản phẩm tái chế trong chuỗi sản xuất, một số đơn vị đạt tới 80-90%.
"Ngành dệt may có tỉ lệ lớn lao động qua đào tạo, là thách thức lớn khi chuyển sang các phương thức sản xuất tiên tiến, đòi hỏi trình độ cao. Vì vậy, nhà nước cần có cơ chế khuyến khích với đào tạo chuyên ngành dệt may, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo lại, chuyển đổi việc làm với lao động dôi dư khi ứng dụng công nghệ" - ông Hiếu nói.
TS. Trần Văn - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mà thiếu đi sự chủ động trong đầu tư, nghiên cứu phát triển (R&D) dẫn tới việc chuyển đổi số gặp khó khăn. Chẳng hạn, những địa phương như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Vĩnh Phúc có tỉ trọng kinh tế số/tổng sản phẩm (GRDP) năm 2022 đứng đầu
Tuy nhiên, đến năm 2023, ngoại trừ Bắc Giang và Hải Phòng giữ vị trí về tăng trưởng kinh tế, các tỉnh còn lại đều giảm, trong khi đây được xem là những "thủ phủ công nghiệp" của miền Bắc, thu hút FDI lớn trong cả nước.
"Cần thực hiện đề án cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi số để phát triển kinh tế số một cách chủ động, bền vững. Trong đó, năm 2024, Chính phủ cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan. Trọng tâm là số hóa các hoạt động quản lý nhà nước, kinh tế số, xã hội số, thu hút và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này" - ông Văn nêu các hướng giải pháp.
PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Kinh tế VN)
Cần khơi thông nhanh các điểm nghẽn
Để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế VN trong 2024 và các năm về sau, phải giải tỏa, khơi thông các nguồn lực phát triển cho nền kinh tế mà đầu tiên là nguồn vốn. Cần khơi thông thị trường tài chính, thị trường vốn, đặc biệt tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2023, Việt Nam đã rất nỗ lực để giải quyết những ách tắc trên, song năm 2024 phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa, bởi khu vực nội địa đang yếu, không phục hồi nhanh sẽ đối mặt với nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Cần trao quyền để các địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, điều này giúp các địa phương chủ động, sáng tạo. Nhiều vấn đề địa phương không có quyền, không được và cũng không dám chịu trách nhiệm nên không tạo ra những sự khác biệt, đi lên.
Kinh nghiệm cho thấy những sự sáng tạo, bùng nổ kéo theo tăng trưởng kinh tế đều dựa trên cơ sở các địa phương xin thêm được các quyền chủ động, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền.
Bên cạnh những động lực tăng trưởng ngắn hạn, cần quan tâm đến những động lực tăng trưởng dài hạn, đặc biệt quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cho lĩnh vực nhân lực chất lượng. Đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, cần nghiên cứu cách làm để không đụng chạm, gây tổn thương đến nền kinh tế thị trường quá nhiều, đảm bảo công cuộc này thúc đẩy chứ không làm suy giảm động lực.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright):
Phải tăng kích cầu tiêu dùng nội địa
Trong các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Chính phủ đã có chính sách thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng nội địa trong 2024 bằng biện pháp giảm thuế, trong đó giảm VAT từ 10 xuống 8% đối với một số lĩnh vực nhưng. Tuy nhiên, thay vì giảm 6 tháng một lần rồi mới cân nhắc có giảm tiếp hay không, cần mạnh dạn kéo dài ít nhất đến hết 2024.
Điều này giúp tăng kích cầu nội địa, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn, còn nếu giảm thuế trong ngắn hạn, người dân sẽ có tâm lý e dè, thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu.
Vấn đề không phải giảm 1, 2 hay 3% VAT, mà điều quan trọng đây là động lực "mồi", giúp người dân, doanh nghiệp hình thành nên triển vọng tích cực đối với nền kinh tế.
Khi lạc quan về triển vọng việc làm, thu nhập trong tương lai, người dân sẽ mạnh dạn tăng chi tiêu, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kéo theo kinh tế phát triển tích cực, đóng góp cho tăng trưởng đất nước.
Có thể nói đây là giai đoạn phù hợp để chi tăng lương, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công. Để việc giảm thuế hiệu quả, cần ưu tiên các mặt hàng sản xuất trong nước, các mặt hàng có tỉ lệ nội địa cao và phải gắn với chiến lược chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam nhằm giúp sự lan tỏa lớn hơn tránh tạo ra mặt trái của chính sách đó là chỉ khuyến khích nhập khẩu như đã từng xảy ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận