09/05/2014 07:46 GMT+7

Thủ tướng Abe được gì từ Tây Âu?

HỒNG MAI
HỒNG MAI

TT - Tái định vị các mối quan hệ quốc tế, thúc đẩy thỏa thuận quan hệ đối tác kinh tế giữa Nhật và Liên minh châu Âu (EU) - sẽ chiếm 40% thương mại thế giới - là những mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến công du dài ngày.

Chuyến thăm châu Âu bảy năm về trước của ông Abe được xem là chuyến Tây du đặt nền móng cho mối quan hệ Nhật - EU. Còn lần này, chín ngày đến sáu nước (Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ), chuyến thăm marathon mới kết thúc hôm qua, diễn ra trong một cảnh quan chiến lược đang thay đổi mạnh mẽ ở cả Âu lẫn Á.

Là một thành viên thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển G7, việc công khai ủng hộ các đối tác châu Âu trong khủng hoảng Ukraine cũng như phản ứng cứng rắn của Nhật đối với Nga khiến vai trò của Nhật được coi trọng. Nhật đã giành được sự đồng cảm, chia sẻ của EU trước những hành động khiêu khích tái diễn của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Trong một thế giới nhiều bất ổn, Nhật định vị lại các mối quan hệ quốc tế, không chỉ để mở rộng cánh cửa với các đối tác, mà còn tăng cường nhiều mặt cho vị thế vốn có của đất nước mặt trời mọc tại châu lục quan trọng này của thế giới.

Diễn văn về chính sách an ninh của Nhật do ông Abe trình bày ngày 6-5 tại đại bản doanh của khối NATO ở Brussels đã giải thích những định hướng mới trong đường lối - chủ trương nhằm góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh thế giới của Nhật, cho phép Nhật thực hiện quyền tự vệ tập thể và có thể xuất khẩu vũ khí.

Tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp thượng đỉnh EU - Nhật lần thứ 22 giữa ông Abe và các nhà lãnh đạo EU tái khẳng định “những bất đồng (biển đảo) phải được giải quyết một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế, chứ không thể bằng vũ lực”. Tuyên bố trên cũng kêu gọi “quyền tự do hàng hải” phải được bảo đảm. Điều này được coi như một chỉ trích công khai, chống lại tuyên bố đơn phương của Trung Quốc hồi tháng 11-2013 về việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Bên cạnh việc khẳng định Mỹ vẫn là thực thể quan trọng đối với an ninh thế giới, Nhật và châu Âu khẳng định vai trò chủ động của cả hai phía trong lĩnh vực này. Nhật muốn châu Âu giữ một vị trí ngày càng tăng ở châu Á về an ninh và đến lượt mình, Nhật cam kết giữ vai trò lớn hơn bên cạnh châu Âu ở ngoài châu Á (cam kết về trách nhiệm đối với thế giới).

Nhật và EU đạt được các thỏa thuận cụ thể sẽ tiến hành các cuộc đối thoại thường niên để xúc tiến các phối hợp về an ninh. Hẳn nhiên, kinh tế và thương mại cũng là an ninh - an ninh phi truyền thống. Xét từ ý nghĩa này, những tiến bộ trong các cuộc thương lượng giữa Nhật và EU để tiến tới ký kết Hiệp định đối tác chiến lược và Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU - Nhật Bản là vô cùng quan trọng. Một khi FTA giữa EU và Nhật được ký kết, tăng trưởng của châu Âu sẽ tăng 8,8%. Xuất khẩu của EU vào Nhật tăng gần 33% và xuất khẩu của Nhật vào EU cũng tăng 23,5%.

Đánh giá chung cuộc của chuyến đi châu Âu, ngoài mục đích để đối phó với “mối đe dọa Trung Quốc”, giới quan sát quốc tế gắn các mục tiêu của Tokyo tìm kiếm đồng minh ngoài vành đai Thái Bình Dương với một lý do quan trọng khác: Thủ tướng Abe không chỉ là một nhà kinh tế có đầu óc thực dụng mà còn là một chính khách có tinh thần dân tộc rất cao.

HỒNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên