Data cá nhân được rao bán tràn lan trên mạng Internet
Thông tin chứng minh nhân dân (CMND) của gần 10.000 người Việt bị đem rao bán, còn Công ty VNIT Tech thu thập và mua bán một kho dữ liệu cá nhân "khổng lồ". Đây là hai vụ mới bị phanh phui.
Thực tế, tình trạng mua bán thông tin cá nhân người dùng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Hoạt động mua bán càng diễn ra công khai, tràn lan khi thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam vài năm gần đây bởi doanh nghiệp nào cũng cần thông tin khách hàng để quảng cáo, tiếp thị sản phẩm.
Việc buôn bán diễn ra gọn nhẹ kiểu như đôi bên trao đổi nhau vài câu, bên chuyển tiền, bên chuyển dữ liệu, không cần gặp nhau. Nó chỉ như một hoạt động trao đổi công việc đơn thuần giữa hai cá nhân gần như không thể bị bắt quả tang, tìm dấu vết lưu lại cũng không dễ. Kẻ bán người mua không ngại ngần tham gia thị trường được gọi là "mỏ vàng" trong thế giới mạng này.
Vụ việc Công ty VNIT Tech có thể xem như một "phát súng" vào thị trường phạm pháp này. Chúng tôi đang mong chờ cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra mở rộng từ Công ty VNIT Tech sẽ lần ra những nơi đã thu thập, bán thông tin người dùng cho họ và những khách hàng đã mua lại dữ liệu người dùng từ họ. Từ đó, có những xử phạt và hình phạt thích đáng với người có hành vi vi phạm pháp luật.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho người dùng. Hiện có rất nhiều trò lừa đảo bủa vây người dùng, từ các dịch vụ trên mạng Internet cho đến mạng viễn thông di động. Nhiều người đã cả tin và bị lừa khi kẻ lừa đảo biết rất rõ gần như mọi thông tin cá nhân, thậm chí cả đời sống riêng tư của mình.
Có thể nhiều người dùng Việt không hề biết rằng thông tin cá nhân của mình đang nằm trong một "gói hàng hóa" được kẻ lừa đảo mua lại trên mạng, hoặc thu thập từ chính những thông tin, hình ảnh, sinh hoạt mà họ đã đưa lên mạng.
Kẻ xấu có thể sử dụng thông tin CMND của người khác để tạo các tài khoản có xác thực CMND trên mạng. Từ đó thực hiện các mục đích xấu như: vay tiền, mua bán, cờ bạc... hay sử dụng các hình thức lừa đảo khác.
Nhiều người đưa tất tần tật hình ảnh sinh hoạt hằng ngày lên mạng, từ công việc, tình trạng hôn nhân, hình ảnh con cái, địa chỉ nhà, đi lại hằng ngày, kể cả số điện thoại, tài khoản ngân hàng...
Chúng ta đang sống trong thời đại mạng xã hội xâm chiếm vào mọi ngóc ngách đời sống con người. Một khi bạn đem thông tin riêng tư lên "khoe" trên mạng xã hội, đừng ngạc nhiên nếu thấy chúng lọt vào tay các công ty quảng cáo và những kẻ lừa đảo.
Tự giám sát giao dịch tài chính
An ninh mạng là vấn đề cần được phối hợp từ nhiều phía, và ngăn chặn rò rỉ dữ liệu cũng yêu cầu nỗ lực từ chính mỗi người dùng.
Ngoài việc thay đổi mật khẩu và sử dụng giải pháp diệt virus hiệu quả, biết cách phản ứng khi thông tin cá nhân bị đánh cắp sẽ giúp người dùng ngăn chặn tội phạm mạng khai thác thông tin trong tương lai.
Ngay khi phát hiện truy cập đáng ngờ vào tài khoản, người dùng nên liên hệ ngay với nhà cung cấp dịch vụ.
Có thể phòng tránh những hậu quả về lâu dài (nếu thông tin cá nhân bị đánh cắp) bằng cách giám sát chặt hoạt động tài chính của bản thân vì đây vẫn là lĩnh vực tội phạm mạng quan tâm. - Ông Yeo Siang Tiong (tổng giám đốc Kaspersky Đông Nam Á)
Thông tin cá nhân biến thành thông tin công cộng
Chúng ta có thể khuyên nhau cẩn thận hơn, biết cách bảo vệ thông tin cá nhân. Nhưng cụ thể bằng cách nào lại là chuyện khác vì rất khó...
Giờ đây, ai cũng có thể thành nạn nhân việc mua bán thông tin cá nhân. Từ việc sơ suất bị hack tài khoản mạng cho tới những việc buộc phải khai thông tin. Những người mua hàng qua mạng rất dễ bị lộ thông tin riêng khi người bán cố ý chia sẻ cho những người khác.
Khi thông tin cá nhân được thu thập thành số lượng lớn sẽ là món béo bở cho công việc của họ. Họ bất chấp pháp luật khi "hô biến" thông tin cá nhân của người khác trở thành "thông tin công cộng". Hậu quả là không ít người bị làm phiền vô tội vạ vì thông tin cá nhân được dùng cho cuộc gọi, nhắn tin quảng cáo. Và kiểu làm phiền này là bất chấp, cố tình chứ không phải không hiểu luật.
Bảo vệ thông tin cá nhân thực sự không chỉ là việc của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm trước pháp luật của mỗi cá nhân, tổ chức khác, của cùng tất cả mọi người. Phải là nhận thức chung. Những kiểu tận dụng thông tin người khác cần được xử phạt thật nghiêm minh. Đây chính là cách răn đe hữu hiệu nhất. Dễ thấy nhất là tin nhắn rác, cuộc gọi, email làm phiền hằng ngày, không mạnh tay xử phạt sẽ không thể ngăn chặn được việc lạm dụng thông tin người khác.
Pháp luật đang mạnh tay hơn với người bán thông tin cá nhân. Và cần mạnh tay hơn với những người muốn mua và sử dụng trái phép thông tin người khác. - KHÔI NGUYÊN (bạn đọc từ An Giang)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận