08/04/2018 10:22 GMT+7

Thu nhập cao vẫn tham, nghèo mà trong sạch, vì sao?

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Hai câu chuyện với hai cách xử sự đăng trên Tuổi Trẻ ngày 6-4 khiến tôi có những cảm xúc buồn vui khác nhau. Lương cao vẫn tham, nghèo mà trong sạch:có phải do nhân cách?

Thu nhập cao vẫn tham, nghèo mà trong sạch, vì sao? - Ảnh 1.

Tổ tàu SE6 trả lại tiền cho hành khách - Ảnh: tổ tàu SE6 cung cấp

Là nhân viên mặt đất làm việc tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, T.Q.D. đã lấy trộm hai chiếc điện thoại di động từ vali của hành khách. 

Đó lại là chuyến bay của một hãng hàng không nước ngoài, nên hành động xấu xí của D. rõ ràng tổn hại đến hình ảnh của nước nhà.

Cũng là nhân viên phục vụ nhưng anh Trần Đức Kha, làm việc trên đoàn tàu SE6, lúc dọn vệ sinh phát hiện một túi xách bên trong có hơn 37 triệu đồng do hành khách để quên đã xử sự khác. Khi ấy, khách đã xuống tàu hết, chỉ mình anh Kha với số tài sản nói trên. 

Việc quyết định số phận của túi tiền hoàn toàn phụ thuộc vào anh. Thế nhưng anh đã không một chút do dự mà nộp cho trưởng tàu để trả lại chủ sở hữu.

Giữa anh Kha và D., tôi không so sánh thu nhập của ai cao hơn, tôi chỉ muốn nói cách xử trí khác nhau một trời một vực. 

Một bên biết đề cao lẽ sống "đói cho sạch, rách cho thơm", bên còn lại chưa "bần cùng" mà đã "sinh đạo tặc".

Anh Kha khiến tôi nhớ lại trưa mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018, lúc đón xe buýt tuyến số 8 tại đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), tôi được chứng kiến hình ảnh đẹp khi anh nhân viên soát vé chạy xuống xe, gọi một cô gái quay lại vì cô này bỏ quên chiếc ví bên trong có điện thoại và nhiều tiền trên ghế ngồi. 

Những người thật thà ấy đều chẳng khá giả gì, chỉ có tấm lòng của họ thật đáng để khâm phục.

Cho nên đạo đức nghề nghiệp là vấn đề mọi ngành, mọi lĩnh vực cần phải lưu tâm không kém khía cạnh chuyên môn. Đào tạo cán bộ, nhân viên không chỉ có kiến thức, mà điều cần thiết hơn là văn hóa ứng xử trước mỗi tình huống phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ.

Báo chí đăng nhiều trường hợp người đi máy bay lúc nhận lại hành lý ký gửi đã phát hiện bị mất vài món đồ bên trong. 

Có vụ việc được làm rõ, nhưng không ít vụ khách phải chịu ấm ức vì không tìm được nguyên nhân. 

Dẫu biết rằng chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng hành khách chẳng thể yên tâm khi không biết còn bao nhiêu "con sâu" khác chưa bị lộ và như vậy, vấn đề đảm bảo an toàn tài sản cho khách vẫn là điều ngành hàng không luôn phải lưu ý. 

Bay đúng giờ, bay với giá rẻ đương nhiên hấp dẫn khách, song việc giữ được chữ "tín" mới quan trọng hơn.

Chẩn chỉnh trộm cắp ở sân bay, bằng cách nào? Chẩn chỉnh trộm cắp ở sân bay, bằng cách nào?

TTO - Cửa khẩu sân bay quốc tế được xem là bộ mặt quốc gia. Vì vậy, việc một nhân viên làm việc tại sân bay quốc tế bị phát hiện có hành vi trộm cắp tài sản trong vali của khách, rất đáng chê trách. Những ngày qua, nhiều bạn đọc đòi chấn chỉnh.

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên