Người lao động mong muốn được giảm thuế TNCN. Trong ảnh: nộp tờ khai thuế tại TP.HCM - Ảnh: N.PHƯỢNG
1 Tôi rất mừng vì năm 2006 đã chuyển được vào một cơ quan hành chính sự nghiệp có thu nhập khá tốt. Lần đầu tiên biết mình được đóng thuế TNCN, tôi mừng quá, gọi điện báo, bố mẹ cũng mừng vì tôi có thu nhập khá cao so với mức chung.
Dần dần, sau khi hỗ trợ gia đình một chút, tôi cũng có tích lũy. Nhưng sau ba năm, tôi nhận ra rằng với mức thu nhập này, sau khi trừ thuế và sinh hoạt hằng ngày, còn lâu tôi mới mua được nhà để thực sự an cư.
Lối sống hiện đại, đi thuê cũng được. Nhưng đây là Việt Nam, và tôi phải cố gắng có nhà. Cuối cùng, tôi hiểu rằng, tôi mua được nhà không phải nhờ thu nhập của mình, mà nhờ hỗ trợ của bố mẹ.
2 Tôi bị bệnh viêm gan B. Gánh nặng khủng khiếp. Lúc này, tôi nghĩ mua nhà là chuyện cả đời, vẫn phải đóng thuế cũng được thôi.
Nhưng khi bị bệnh thì thuế chắc phải chia sẻ với tôi chứ nhỉ. Nhưng người ta giải thích với tôi rằng chỉ có những loại bệnh nan y, tức chết chắc rồi, mới được khấu trừ chi phí chữa bệnh. Tôi vẫn phải đóng thuế TNCN bình thường.
Có lúc, mỗi tuần tôi phải chi 5 triệu đồng cho chữa bệnh. Với thu nhập hơn 20 triệu/tháng nhưng vẫn phải đóng thuế, gần như tôi kiệt quệ. Suốt hai năm như thế.
Có lúc nhìn hai con, tôi ứa nước mắt vì các con cũng phải cắn răng giảm sữa, gia đình giảm chi tiêu. Có lúc vợ tôi đi ra chợ mua nắm cá diếc loại nhỏ xíu, bà bán hàng hỏi mua cho mèo à. Vợ tôi nói đúng rồi, nhưng thực chất về cả nhà ăn. Và tôi vẫn phải đóng thuế.
Tôi có người anh ruột bị trầm cảm nặng, không đi làm được. Muốn đưa vào diện người phụ thuộc để hỗ trợ và được khấu trừ thuế. Nhưng khi ra làm giấy tờ, thấy biểu mẫu có câu rất cay đắng, đại loại phải "không nơi nương tựa" mới được đưa vào diện người phụ thuộc.
Tôi thấy nếu đưa tờ giấy đó cho anh tôi hoặc bất cứ người nào ở diện người phụ thuộc, họ sẽ bị tổn thương nặng. Nên đành thôi.
3 Trong đợt dịch bệnh vừa qua, cơ quan tôi khó khăn, mọi người động viên nhau cố gắng. Nghe nói có nhiều gói hỗ trợ, ngay các doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỉ sẽ được hỗ trợ. Tôi nghĩ chắc rồi sẽ đến những người làm công ăn lương, sau thời gian miệt mài nộp thuế TNCN sẽ được miễn giảm kha khá.
Nhưng chờ mãi chưa thấy. Nghe nói ngành thuế năm nay thu khá, chắc cũng được thưởng nhờ số tiền tăng thu so với dự toán. 11 tháng đã đạt dự toán cả năm. Nếu người nộp thuế được giảm thuế như mong muốn, chúng tôi sẽ san sẻ với những người thân.
4 Thấy báo chí nói đến Chính phủ đang trình và Quốc hội thúc đẩy gói hỗ trợ lớn. Tôi không rõ những trải nghiệm của tôi có đại diện cho nhiều người không, những lời giải thích tôi từng được nghe về lý do không miễn giảm thuế có đúng không, nhưng tôi thấy những người quanh mình đều khá mệt mỏi, nhất là với thuế TNCN vì nó đánh trực tiếp vào thu nhập.
Biết là có thu nhập là phải chịu thuế. Nhưng chính sách thuế cần "vị nhân sinh", nhân văn hơn. Ít ra khi ốm đau, bệnh hoạn cũng cần giảm thuế cho dân, nếu họ có hóa đơn với mức chi cho chữa bệnh trong tháng từ 1/3 tổng thu nhập trở lên. Hay người ta gặp tai nạn cũng cần có cơ chế giảm thuế nhanh, gọn.
Khi người nộp thuế lâm vào tình trạng khó khăn, Nhà nước nên chia sẻ. Trong dịch bệnh, mọi người đều khổ, tôi rất mong cuối cùng người nộp thuế như tôi cũng được chia sẻ.
Thuế cao hay thấp cũng cần có chia sẻ
Theo tôi, mỗi nước có một đặc thù. Thuế TNCN của chúng ta có tỉ lệ đánh thuế ở các bậc thang sau tăng khá mạnh, mức cao nhất 35%.
Tôi nghĩ nếu thuế có cao so với nhiều nước cũng được, nhưng tình người thì như nhau, lúc khó khăn cần chia sẻ, có việc cộng đồng cùng gánh vác. Nếu được giảm thuế, Nhà nước huy động đóng quỹ COVID-19, tôi vẫn sẵn lòng.
Giảm thuế TNCN không chỉ là giảm tiền đóng cho những người như tôi, mà thể hiện Nhà nước có chia sẻ, đồng cam cộng khổ với những người đóng thuế, động viên họ vượt qua. Khi đó họ sẽ sẵn lòng đóng thuế với sự chia sẻ ấy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận