Hàng ngàn cành đào rừn g được bày bán trên vỉa hè các tuyến phố tại Hà Nội dịp tết nguyên đán năm ngoái - Ảnh: B.NGỌC
Một lần đi cứu trợ lũ lụt ở một huyện miền núi Quảng Bình, tôi đã choáng váng khi bước vào nhà của một anh cán bộ huyện. Toàn gỗ và gỗ, từ phòng khách vào phòng bếp, từ trần nhà đến sàn nhà.
Một lần khác lên công tác Đắk Lắk, ghé thăm nhà một người quen là doanh nhân, được giới thiệu là "đại gia phố núi". Trong phòng khách treo đầy đầu thú rừng như hươu, nai, linh dương, trâu rừng, bò tót và nguyên cả con hổ nhồi bông nhe nanh oai vệ. Ngoài ra còn có những vật dụng làm bằng xương voi, ngà voi bày đầy trong tủ kính.
Tôi cảm thấy ngao ngán khi "đại gia" giải thích rằng chỉ vài con của rừng Tây Nguyên thôi, còn lại là mua từ châu Phi, Nam Mỹ. Trời ạ, vậy thì thú rừng châu Phi, Nam Mỹ không phải là động vật hoang dã hay sao?
Không ít người khi nhìn thấy những cây mai rừng bày bán ven đường ở Gia Lai, Kon Tum ngày giáp tết còn dừng lại đứng ngắm nghía. Nhiều người nhìn khu chợ lan rừng bày bán bên bờ sông Hương (TP Huế) vẫn thấy bình thường, thậm chí còn đứng xem người ta bình phẩm một cách hào hứng!
Đúng là nhiều người trong chúng ta đã xem việc mua một cành mai rừng, một giò lan hái từ rừng xanh là thú chơi tao nhã. Và có lẽ những người Hà Nội mỗi năm bỏ ra cả trăm triệu để tậu những gốc đào cổ thụ từ rừng Tây Bắc mang về cũng cùng suy nghĩ như thế. Mình thích thì mình mua chơi, lại giúp cho đồng bào trên ấy có tiền tiêu tết (?!).
Và vô số những người có nhiều tiền ở khắp nơi trên đất nước này cũng đang suy nghĩ như thế. Họ muốn sở hữu thiên nhiên cho riêng mình, muốn đưa cả núi rừng vào trong phòng khách, để thỏa mãn lạc thú "chiếm hữu của lạ".
Họ xem đó là "thú chơi tao nhã", thậm chí còn đắc ý với "tình yêu thiên nhiên" của mình. Đến cả cái cây đã bị đốn thân làm bàn ghế mà người ta còn đào bới luôn cả gốc rễ để làm bộ bàn uống trà thì còn gì là rừng?
Vì vậy, việc Thủ tướng nghiêm cấm chặt cây rừng về chơi tết là một yêu cầu quá cấp bách. Tại hội nghị của ngành nông nghiệp vào chiều 24-12, Thủ tướng đã nhắc đến cảnh ngày tết đi trên các bờ đê, đường phố Hà Nội thấy nhiều cây đào rừng Tây Bắc bị chặt mang về bày bán la liệt.
"Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm" - Thủ tướng nói và yêu cầu Văn phòng Chính phủ có văn bản chỉ đạo riêng cho việc này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay các hành vi chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng đã có quy định nghiêm cấm trong Luật bảo vệ rừng. Vậy sao lâu nay không thấy ai bị xử vì tội phá rừng theo kiểu chơi "tao nhã" này? Có phải vì bứng gốc đào, chặt cành mai, hái giò lan... không phải là phá rừng?
Những gì vừa diễn ra một cách khủng khiếp ở miền Trung trong mùa bão lũ vừa qua cho thấy cái giá phải trả quá đau đớn vì nạn phá rừng.
Khi bứng một gốc đào rừng về xuôi chơi tết, chắc ít ai nghĩ đó là hành vi phá rừng. Nhưng từ gốc đào nhỏ đến gốc cổ thụ to, ở trong rừng hoang vắng, vẫn là một khoảng cách không quá xa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận