Học sinh đi xe máy phân khối lớn ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Ngồi trên xe buýt tuyến số 1 của Bình Dương (từ TP Thủ Dầu Một đi TX Bến Cát), đoạn qua quốc lộ 13, tôi cảm thấy "ớn lạnh" cho những trẻ em đang bon bon trên chiếc xe đạp điện. Có lẽ đây là những em không học bán trú nên tự chạy xe về nhà vào buổi trưa.
Có em còn cho bạn "quá giang", cả hai không đội mũ bảo hiểm và không ít những "tay lái" đã tăng hết ga, lao vun vút trên đường nhiều xe lớn.
Vận tốc tối đa của xe đạp điện cũng không thua kém mấy so với xe gắn máy đi tốc độ trung bình. Nhưng thật đáng lo nhất là bộ phanh (thắng) chưa đáp ứng được yêu cầu khi buộc phải dừng xe đột ngột.
Và tất nhiên, ở tuổi này, kỹ năng xử lý tình huống và kinh nghiệm điều khiển phương tiện tham gia giao thông của các em còn hạn chế, chưa theo kịp đà phóng nhanh của chiếc xe. Chẳng may gặp sự cố bất ngờ trên đường, trẻ sẽ không kịp và không biết cách xử lý, nguy hiểm khó tránh.
Tình trạng các em dàn hàng ngang, vừa chạy xe vừa đùa giỡn và rượt đuổi nhau, đột ngột lấn vào làn đường dành cho ô tô khá phổ biến. Xe buýt vốn không đi quá nhanh, nhưng thỉnh thoảng bác tài phải thắng gấp và đánh lái né tránh.
Các em vẫn hồn nhiên không hề hay biết rằng mình vừa thoát nạn. Ai thường xuyên qua lại những tuyến đường như thế này luôn trong tư thế chủ động ứng phó, nhưng không ít những pha thót tim với các cô cậu học trò độ tuổi 10 - 15 phóng xe điện ra đường lớn.
Không ít học trò mặc áo trung học cơ sở (tức dưới 15 tuổi) đã đi xe máy, và các em hầu như không biết sắp đến ngã tư phải giảm tốc độ và quan sát trước khi qua đường.
Tôi thầm hỏi "Không biết các bậc phụ huynh mua xe, giao xe để con tự đi học có kịp hướng dẫn các em kiến thức cơ bản nhất mỗi khi lăn bánh trên đường?". Chắc không có nhiều phụ huynh kiên nhẫn đi cùng con ra đường để xem tay lái và phản xạ của con ổn chưa, dù là đi xe đạp.
Thực tế có nhiều học trò đi xe cẩn thận khi một mình nhưng khi đi với bạn lại rất khác khi cuốn vào câu chuyện rôm rả ồn ào của cả nhóm, dàn hàng ngang, đánh võng trên đường. Và nguy hiểm hơn khi sẵn xe rồi con trẻ lại rủ nhau đi xa hơn quãng đường đến trường, đến những nơi mẹ cha không thể ngờ tới.
Cho đến khi tình cờ thấy ảnh con cùng bạn (14 - 15 tuổi) đăng trên mạng mới hay con đã đạp xe đi cách nhà 50 - 70 cây số đường quốc lộ.
Ở TP.HCM, nhiều học sinh bậc tiểu học đã được gia đình cho tự đi xe điện, bậc THCS và THPT sớm cầm lái chiếc xe gắn máy trên 100 phân khối.
Trường học sẽ không chấp thuận để những em này được mang xe phân khối lớn vào, song các em đã đối phó bằng cách gửi tại những địa điểm gần trường.
Rất dễ hiểu lý do và ủng hộ cơ quan chức năng khi thường xuyên kiểm tra những điểm giữ xe gắn máy quanh khu vực trường học. Lợi nhuận thu được từ phí giữ xe hằng tháng hẳn không thể so sánh với sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của con người.
Lực lượng chức năng đừng nới lỏng kiểm tra việc học trò vi phạm luật giao thông. Vẫn có những phương pháp mang tính phòng ngừa, giáo dục đã được người dân tán thành, khen ngợi. Sáng kiến cho các em học thuộc lòng tại chỗ hoặc "chép phạt" nhiều lần dựa vào lỗi vi phạm cùng lời hứa không tái phạm rất đáng được nhân rộng.
Người lớn đã tròn trách nhiệm?
Hầu hết trẻ em được "cấp" xe đều tự đi, tự lái và cũng "tự lo" lúc ra đường. Trách nhiệm của người lớn không đơn thuần chỉ là trả tiền mua xe. Phanh (thắng) xe đóng vai trò quan trọng nhất nhưng không được kiểm tra thường xuyên, lúc cần giảm tốc độ mới biết bị hỏng từ trước đó, "thắng không ăn" thì đã quá muộn.
Thông cảm với những phụ huynh vì mưu sinh nên đành để con em tự túc đi xe đến trường. Thế nhưng "tính mạng con người là trên hết", đừng để lợi bất cập hại, bởi vì với tai nạn giao thông sẽ không có cơ hội sửa sai, ân hận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận