08/07/2020 07:51 GMT+7

Ra đường, đừng quên bảo hộ cho con

TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức)
TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức)

TTO - Dự thảo Luật giao thông đường bộ có thêm những quy định hướng đến sự an toàn của trẻ em trên đường. Tôi muốn góp thêm ý kiến về mũ bảo hiểm, đai an toàn cho trẻ em.

Ra đường, đừng quên bảo hộ cho con - Ảnh 1.

Cha mẹ nên có biện pháp an toàn khi chở trẻ bằng xe máy trên đường - Ảnh: T.T.D.

Trẻ dưới 18 tuổi thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất khi xảy ra tai nạn giao thông. Nhiều người lớn ra đường chỉ lo bảo hiểm cho mình mà bỏ qua những an toàn cho trẻ.

Đâu chỉ vì tiền phạt!

Một bà mẹ trẻ chở hai con trai đi học, các bé chỉ tầm 2-4 tuổi. Người mẹ đội mũ bảo hiểm cho mình mà quên mất hai con cũng cần được bảo hộ. Chị chen chúc giữa dòng người xe đông đúc. 

Hai đứa con, một đứa đứng phía trước mặt ngang với tay lái, một đứa ngồi phía sau đều không mũ bảo hiểm, không dây đai an toàn. Gặp tình huống thắng (phanh) gấp, đứa trẻ phía trước không có điểm tựa có thể đập mặt ngay vào tay lái, đứa phía sau có thể văng khỏi xe.

Mỗi ngày tôi chứng kiến rất nhiều phụ huynh đi xe máy chở trẻ em dưới 6 tuổi ra đường và vô tư không đội mũ bảo hiểm cho con. Có người còn nói luật không quy định trẻ dưới 6 tuổi phải đội mũ bảo hiểm nên không lo bị phạt. 

Có một thực tế tồn tại ở Việt Nam là trong khi các bộ ngành nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông, số trẻ em tử vong do tai nạn giao thông vẫn còn khá cao. Một báo cáo của Bộ Y tế thống kê hằng năm có khoảng 2.000 trẻ em chết vì tai nạn giao thông, cùng với đó là gần 4.000 trẻ bị thương.

Không ít phụ huynh rất lơ là trong việc trang bị đồ bảo hộ giao thông cho con em khi ra đường. Khi xảy ra va chạm trên đường dù nặng hay nhẹ, các bé dễ dàng văng ra khỏi xe, có va chạm vùng đầu, đây là dạng tổn thương thường gặp nhất, dẫn đến tử vong và thương tật ở trẻ. 

Nhiều người chở con ra đường bằng xe ôtô lại không thắt dây an toàn cho trẻ, trẻ có thể va đập vào các bộ phận trên xe khi thắng gấp. Những rủi ro có thể xảy ra mà tôi nêu ra ở trên đây đều do lỗi chủ quan của người lớn.

Đường sá đã khác, con người phải khác

Theo tôi, cần quan tâm nhiều hơn tới đối tượng trẻ em trong các quy định, luật lệ về an toàn giao thông. Không chỉ đi cùng cha mẹ, nhiều trẻ tự điều khiển xe đạp, xe máy điện, xe máy dưới 50cc đến trường, nhiều em đi xe phân khối lớn khi chưa đủ tuổi. Rất nhiều học sinh chở 3, không em nào đội mũ bảo hiểm. 

Ở tuổi này, các em thiếu kiến thức an toàn giao thông nhưng lại thừa liều lĩnh, mạo hiểm, dễ gặp tai nạn hoặc gây tai nạn cho người khác. Nhiều trường hợp trẻ đi xe đạp (không mũ bảo hiểm) tử vong khi va chạm xe máy. 

Cũng do chưa đủ hiểu biết về giao thông, chưa đủ nhận thức để lường được nguy hiểm nên trẻ thường chạy xe sai luật, rẽ bất ngờ, cắt ngang xe ôtô...

Bảo hộ cho trẻ trên đường, các em đều cần được trang bị mũ bảo hiểm, tiếp theo đó là ý thức cho trẻ ngồi an toàn trên xe (dù là xe máy hay ôtô). Tùy vào từng độ tuổi sẽ có loại mũ bảo hiểm phù hợp, đảm bảo tính an toàn và không hạn chế sự phát triển cơ thể của trẻ. 

Nếu phụ huynh không chấp hành thì có quy định xử phạt, không du di như trước nay nữa. Giả sử cha mẹ đi ôtô thì cần thắt dây an toàn cho trẻ, yêu cầu trẻ ngồi đúng quy cách. 

Và theo tôi, Luật giao thông đường bộ cần thiết phải bổ sung quy định yêu cầu trẻ dưới 6 tuổi cũng phải đội mũ bảo hiểm.

Thực tế giao thông hiện nay (nhất là ở các đô thị) đã phức tạp hơn xưa rất nhiều nên người đi xe ngoài đường cũng phải có hiểu biết và kỹ năng phù hợp. Xe đông hơn, đường sá chật chội hơn, thói quen đi ngang về tắt, không đội mũ bảo hiểm, chủ quan các kiểu... luôn tiềm ẩn tai họa trên đường, nhất là đối với trẻ. 

Trách nhiệm không chỉ ở phụ huynh mà còn ở những quy định pháp luật. Cần có thêm quy định, chế tài để tăng cường bảo hộ an toàn cho trẻ.

Không phân biệt trẻ em ở lứa tuổi nào, cứ lên xe ra đường phụ huynh phải trang bị bảo hộ giao thông cho con như đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn khi lên xe, có dây đai an toàn đối với xe máy với trẻ nhỏ. Nhà nước cần bổ sung những quy định này vào luật và có chế tài nghiêm khắc. Bởi vì việc đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn có thể giúp giảm 50% khả năng trẻ em tử vong khi xảy ra tai nạn giao thông.

"Nợ" con một chiếc mũ bảo hiểm

mbh tre em 2 3(read-only)

Trẻ em đầu trần đến trường (ảnh chụp trên đường Hòa Bình, Q.11, TP.HCM) - Ảnh: T.HOÀNG

Cha mẹ với mũ nón áo quần chỉnh tề chở con áo đồng phục để đầu trần, đó là hình ảnh thường gặp trên đường tôi đi hằng ngày từ TP Biên Hòa (Đồng Nai), TP Dĩ An (Bình Dương) và nhiều quận nội thành TP.HCM.

Học sinh không đội mũ bảo hiểm khá dễ thấy, nhiều nhất là học sinh bậc tiểu học. Điều này lỗi từ người lớn, những người coi thường luật giao thông, xem nhẹ an toàn cho chính con mình. Đội mũ bảo hiểm cho con, giữ mũ trên xe hoặc tập cho con thói quen tự cất giữ mũ có gì là khó? Nếu chẳng may rủi ro xảy đến, lúc đó hối tiếc cũng muộn màng.

Mong phụ huynh cùng con chấp hành luật giao thông. Mũ bảo hiểm hầu hết trẻ đều có, đâu có khó mua. Mong rằng những ông bố, bà mẹ bấy lâu nay đang "nợ" con một chiếc mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn thì hãy "trả nợ" cho con. Đó chính là yêu thương con, bảo vệ an toàn cho con trên đường đến trường.

THÁI HOÀNG

Khoảng 77% học sinh TP.HCM đội mũ bảo hiểm trên đường Khoảng 77% học sinh TP.HCM đội mũ bảo hiểm trên đường

TTO - Tỉ lệ học sinh tại nhiều trường học của TP.HCM đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đã tăng từ 23% lên 77% sau 3 năm, nhờ các chiến dịch nâng cao nhận thức an toàn giao thông của dự án "Hành trang an toàn".

TS VŨ ANH TUẤN (giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức - Trường ĐH Việt Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên