04/07/2024 09:59 GMT+7

Thống kê đáng sợ về người chết do ô nhiễm không khí ở Ấn Độ

Một nghiên cứu lớn vừa công bố cho biết hơn 7% tổng số ca tử vong tại 10 thành phố lớn nhất của Ấn Độ có liên quan đến ô nhiễm không khí.

Người dân di chuyển trên cầu Signature trong điều kiện sương mù dày đặc ở thủ đô New Delhi vào ngày 9-11-2023. Thủ đô của Ấn Độ thường xuyên được xếp hạng là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới, do "hỗn hợp" khí thải từ nhà máy và xe cộ, cùng khói từ các đám cháy nông nghiệp vào đầu mỗi mùa đông - Ảnh: AFP

Người dân di chuyển trên cầu Signature trong điều kiện sương mù dày đặc ở thủ đô New Delhi vào ngày 9-11-2023. Thủ đô của Ấn Độ thường xuyên được xếp hạng là một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới, do "hỗn hợp" khí thải từ nhà máy và xe cộ, cùng khói từ các đám cháy nông nghiệp vào đầu mỗi mùa đông - Ảnh: AFP

Nghiên cứu mới vừa được đăng trên tạp chí The Lancet Planetary Health và được Hãng tin AFP dẫn lại vào ngày 4-7.

Một nhóm nhà nghiên cứu do Ấn Độ dẫn đầu đã xem xét nồng độ bụi mịn PM2.5 tại các thành phố Ahmedabad, Bengaluru, Chennai, Delhi, Hyderabad, Kolkata, Mumbai, Pune, Shimla và Varanasi.

Nghiên cứu chỉ ra từ năm 2008 đến 2019, có hơn 33.000 ca tử vong mỗi năm có thể do tiếp xúc với bụi mịn PM2.5 vượt quá mức khuyến cáo 15 microgam/m3 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Con số này chiếm 7,2% tổng số ca tử vong được ghi nhận tại các thành phố nói trên trong cùng giai đoạn.

Thành phố Delhi của Ấn Độ là nơi có tỉ lệ tử vong cao nhất, với 12.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí (chiếm 11,5% tổng số ca tử vong).

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý ngay cả những thành phố mà ô nhiễm không khí không quá tệ như Mumbai, Kolkata và Chennai cũng có tỉ lệ tử vong cao.

Họ kêu gọi thắt chặt tiêu chuẩn chất lượng không khí của Ấn Độ.

Mức khuyến cáo bụi mịn PM2.5 trong không khí hiện tại của quốc gia này là 60 microgam/m3, cao gấp 4 lần so với mức khuyến cáo của WHO.

Ông Joel Schwartz (Đại học Harvard), đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định việc hạ thấp và thực thi giới hạn "sẽ cứu được hàng chục ngàn sinh mạng mỗi năm".

"Các phương pháp kiểm soát ô nhiễm đã tồn tại và được sử dụng ở những nơi khác. Chúng cần được áp dụng khẩn cấp ở Ấn Độ" - ông nói.

WHO cho biết hầu hết mọi người trên Trái đất đều hít phải lượng không khí ô nhiễm vượt quá mức khuyến cáo, vốn có thể gây ra đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi và các bệnh về hô hấp khác.

Các thành phố đầy khói bụi của Ấn Độ, gồm cả Delhi, nằm trong danh sách những nơi có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sức khỏe người dân.

Nhiệt độ tại Ấn Độ vượt 50 độ C, gần nóng nhất mọi thời đạiNhiệt độ tại Ấn Độ vượt 50 độ C, gần nóng nhất mọi thời đại

Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất vượt quá 50 độ C trong năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người tại quốc gia này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên