"Có bằng đại học" không còn là một gạch đầu dòng trong yêu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp, thuộc đa lĩnh vực ở Mỹ. Áp lực giải quyết tình trạng "việc tìm người" có phải là nguyên do duy nhất?

Theo số liệu từ Bộ Lao động, tỉ lệ nhập học đại học đối với những học sinh mới tốt nghiệp trung học ở Mỹ đang giảm dần, từ mức cao nhất khoảng 70% vào năm 2009 xuống còn 62% vào năm 2022.

Cùng lúc, tỉ lệ các vị trí tuyển dụng yêu cầu bằng đại học cũng giảm từ 51% (2017) xuống còn 44% vào năm 2022.

Đại gia ngành bán lẻ Walmart, Tập đoàn bảo hiểm Liberty Mutual, các hãng công nghệ Dell, IBM và ngân hàng Bank of America là những cái tên lớn tham gia xu hướng không đòi hỏi bằng đại học cho một số vị trí.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 1.

Theo thông báo tuyển dụng của Walmart, ứng viên nộp hồ sơ nếu có bằng cấp thì tốt, còn không thì chỉ cần có các kỹ năng cần thiết cho vị trí công việc.

Những kỹ năng cần thiết đó không nhất thiết đến từ trường lớp, mà có thể thông qua kinh nghiệm trước đây hoặc bất kỳ hình thức học tập nào khác. Lorraine Stomski, phó chủ chủ tịch cấp cao phụ trách đào tạo của Walmart, khẳng định đây là một bước "phá rào" cho những cơ hội mới trong tuyển dụng.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 2.

Một quản lý cửa hàng của Walmart. Ảnh: Reuters

Liberty Mutual, tập đoàn bảo hiểm có giá trị tài sản lớn thứ 3 tại Mỹ, đã bãi bỏ yêu cầu phải có bằng đại học cho các vị trí tuyển dụng từ năm 2017 nhằm mở cánh cửa cho những người có xuất thân khác nhau.

Maura Quinn, phó chủ tịch phụ trách tuyển dụng của tập đoàn, cho biết bằng đại học vẫn có giá trị nhưng không phải ai cũng đang tiếp cận được. Tập đoàn có hơn 35.000 nhân viên này muốn đảm bảo sự công bằng trong quá trình tìm kiếm các ứng viên.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 3.

Báo Wall Street Journal ngày 16-2 dẫn dữ liệu năm 2022 của Cục Điều tra dân số cho biết chỉ 38% người Mỹ trên 25 tuổi có ít nhất một bằng cử nhân.

"Chuyện các doanh nghiệp chịu tuyển người không có bằng cấp không chỉ là một nghĩa cử "nhân văn", mà còn xuất phát từ một thực tế là tình trạng thiếu lao động.

Trong bối cảnh thiếu lao động, để thu hút được nhiều nhân sự hơn, chí ít thu được nhiều đơn ứng tuyển hơn, các nhà tuyển dụng buộc phải giảm yêu cầu đầu vào" - Rucha Vankudre, nhà kinh tế học cấp cao từ doanh nghiệp phân tích thị trường lao động Lightcast, nói với trang Axios.

Chẳng hạn, trong ngành chăm sóc sức khỏe, trước đây nhiều công ty khá khắt khe với nguồn tuyển, buộc ứng viên phải có bằng đại học nhưng khi nguồn nhân sự này bị thu hẹp, không ít doanh nghiệp buộc phải cởi mở hơn.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 4.

Vậy doanh nghiệp giờ đây đòi hỏi gì ở các ứng viên? Kim Jones, phó chủ tịch phụ trách nhân sự của Toshiba America Business Solutions (Mỹ), với hơn 2.000 công nhân, cho biết luôn ưu tiên tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm phù hợp cho công việc.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 5.

Nói trên CBS News, giáo sư truyền thông chiến lược Diane Gayeski tại Trường Ithaca College (Mỹ), cho biết ông thường khuyên nhiều bạn trẻ không nên xem đại học như một tấm vé thông hành, "bao" có việc làm sau khi tốt nghiệp. Các nhà tuyển dụng ngày càng soi kỹ các kỹ năng của ứng viên, tương ứng với từng cấp độ sự nghiệp.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 6.

Năm 2022, trang JobSage Research khảo sát 629 người Mỹ về mức độ ngạc nhiên của họ đối với 100 công việc được Cục thống kê lao động nước này phân loại vào nhóm không đòi hỏi bằng đại học. Lưu ý, Cục thống kê lao động Mỹ có định nghĩa riêng cho từng ngành nghề được đề cập. Đây là danh sách 10 ngành gây ngạc nhiên nhất.

Nói cách khác, học đại học nên là nơi để các bạn trẻ tận dụng để học các kỹ năng mềm, như kỹ năng làm việc nhóm, phản biện, tư duy, giao tiếp… rất cần cho những vị trí công việc đầu tiên.

Khi lên đến cấp lãnh đạo, sẽ lại tiếp tục có những yêu cầu khác về kỹ năng buộc bạn phải đáp ứng, chứ không cần bổ sung một loại bằng cấp cao hơn.

Một số doanh nghiệp lớn như Walmart tổ chức các hình thức học tập nội bộ hỗ trợ ứng viên dù xuất phát điểm như thế nào đều có thể tham gia các khóa học ngắn hạn để nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 7.

Elyse Rosenblum, nhà sáng lập Grads of Life, một nhóm thúc đẩy tuyển dụng dựa trên kỹ năng, nhận định cơ chế đào tạo nội bộ tạo được sự bình đẳng cho các ứng viên trên con đường thăng tiến.

Bất kể bạn xuất thân từ đâu, được học trường lớp danh giá thế nào, bạn vẫn có thể tiếp cận những khóa học nội bộ của doanh nghiệp.

Và nếu bạn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm, bạn sẽ được thăng chức phù hợp. Sự nghiệp của bạn không mãi giậm chân chỉ vì thiếu bằng.

Chuyên gia nguồn nhân lực Leyda Lazo luôn đề cao khả năng thích ứng và linh hoạt trong học tập của ứng viên khi tuyển dụng.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 8.
Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 9.

Nhìn từ một góc độ khác, dù có thể không đòi hỏi bằng cấp cao nhưng những công việc mang lại sự bứt phá dài hơi đều yêu cầu ứng viên phải thêm chất xám nhiều hơn.

Chẳng hạn, số liệu thống kê đưa ra tại Diễn đàn chính sách Wisconsin (Mỹ) cho thấy trong 6 năm tới, 3/4 số việc làm được tạo ra ở tiểu bang này sẽ không yêu cầu bằng đại học.

Nhưng với những công việc được trả ít nhất 50.000 USD/năm, hơn 50% vẫn yêu cầu bằng đại học. Và trong số những nghề trả lương từ 75.000 USD/năm trở lên, 91% sẽ vẫn chuộng ứng viên trình độ đại học.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 10.

Hay vào những năm 2030, một thợ sửa ống nước có thể kiếm trung bình 60.000 USD/năm, còn một giám đốc vận hành ở Wisconsin có thể kiếm 117.000 USD/năm. "Nhiều công việc mới được trả lương cao hơn thậm chí còn có nhiều khả năng yêu cầu bằng cấp hơn những công việc đã tồn tại" - nghiên cứu viết.

Thời trọng kỹ năng hơn bằng cấp đã đến? - Ảnh 11.
TRỌNG NHÂN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0