Phong trào sính bằng cấp vài năm qua có vẻ như đã lắng xuống sau khi dư luận có nhiều ý kiến phê phán về chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ta, nay dường như lại nở rộ ở nhiều nơi khiến dư luận băn khoăn về động cơ, mục tiêu học thạc sĩ và tiến sĩ của không ít người.
Thực trạng "Trường trung cấp rầm rộ tuyển sinh thạc sĩ" mà báo Tuổi Trẻ vừa phản ánh cho thấy vấn nạn này vẫn còn đó.
Mục đích của một bộ phận người học vì muốn nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công việc hằng ngày hoặc muốn gia tăng sự hiểu biết, nâng cao kỹ năng về chuyên môn và hy vọng tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp.
Nhưng khá nhiều người mục đích có được tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ vì "sĩ diện" coi bằng cấp là biểu tượng vị trí trong xã hội, là thước đo trí tuệ của họ.
Chạy theo bằng cấp bất chấp nhu cầu của xã hội sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy về lãng phí tài chính, thời gian, công sức, đặc biệt mục tiêu không phải vì nâng cao học vấn và kỹ năng cho việc làm sẽ dẫn đến sự học giả và bằng cấp không đi cùng với chất lượng của danh xưng học vị như thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều người.
Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đội ngũ giáo sư người hướng dẫn chất lượng không cao, quản lý chất lượng đào tạo lỏng lẻo, tìm ra những đề tài mang tính nguyên bản để đóng góp những cái mới cho khoa học rất hạn chế. Không ít các đề tài trở nên vô duyên cả về tên gọi lẫn nội dung, phương pháp nghiên cứu và ý nghĩa khoa học.
Nhiều đề tài bắt chước copy lẫn nhau về tổng quan, các phương pháp nghiên cứu chỉ cần thay tên đổi họ đôi chút là "gà" hóa thành "công" tại hội đồng chấm luận án.
Thói quen sính bằng cấp mang tính hai mặt.
Một mặt ở chiều hướng tích cực có thể thúc đẩy cá nhân theo đuổi học vấn thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng điều đáng nói là mặt thứ hai quá say sưa với bằng cấp, nhấn mạnh quá nhiều đến bằng cấp sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đối với chính cá nhân không đủ khả năng học.
Với xã hội, bệnh sính bằng cấp dẫn đến nhu cầu "giả" quá cao kéo theo tăng "cung" và khi nguồn lực không đảm bảo, tất xảy ra những chuyện liên kết bát nháo, mua bán bằng cấp làm ảnh hưởng tới những người học thật cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống giáo dục nước nhà.
Sính bằng cấp trong xã hội có thể xem như một loại dịch bệnh, lệch lạc về giá trị, nhất là trong bối cảnh có cầu ắt có cung đã góp phần làm tha hóa cả một bộ phận người "cầm cân nảy mực" trong việc đo lường, đánh giá giá trị học vấn của người học.
Thị trường lao động thiếu người lao động có kỹ năng để tuyển dụng cùng với tâm lý sính bằng cấp sẽ là những tác nhân gây ra gian dối trong tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.
Câu chuyện liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với cơ sở giáo dục đại học để đào tạo thạc sĩ đã và sẽ gây ra những hệ lụy lâu dài với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì đã bỏ quên sứ mạng đào tạo nghề nghiệp của mình để rồi kéo dài cuộc sống tạm bợ nhờ liên kết, để rồi trong vài năm sau đội ngũ giáo viên rời bỏ trường, tuyển sinh học nghề không được, con đường giải thể là tất yếu khi nhà nước siết chặt chất lượng đào tạo sau đại học và thị trường lao động không thừa nhận chất lượng của các tấm bằng có được do liên kết.
Thực trạng này cần phải chấn chỉnh sớm vì nó để lại di chứng nặng nề cho xã hội và làm cho người dân mất lòng tin vào hệ thống giáo dục.
Một khi hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo chưa hiệu quả, người học chưa thật sự "lao tâm khổ tứ" học hỏi, nghiên cứu nghiêm túc để có trình độ và năng lực thật sự, cơ sở đào tạo buông lỏng quản lý chất lượng, dễ dãi trong đánh giá thì cơ quan tuyển dụng hoặc nhân sự cần tuyển chọn nhân tài nên chú trọng nhiều hơn đến phẩm chất và kỹ năng hoàn thành nhiệm vụ trước bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ đang diễn ra nhanh chóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận