18/07/2021 11:06 GMT+7

Thôi lo thiếu thực phẩm: chờ hai bộ trưởng

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - "Không thiếu thực phẩm, giá cả ổn định". "Nông sản đổ ngoài đồng". "Khó mua thực phẩm, giá leo thang ". Những ngày này, nói thế nào cũng đúng.

Nhưng đúng với người này lại trật với người kia. Người ở vùng giãn cách lao đao vì thiếu thực phẩm. Nông dân khóc ròng vì không biết bán hàng cho ai. 

Trước mắt người dân 19 tỉnh thành phía Nam là 14 ngày giãn cách, bớt được gánh lo "thiếu - thừa" đỡ cho dân biết mấy. Hóa giải vấn đề này chỉ có Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Chuyện nơi thừa chỗ thiếu đã diễn ra từ nhiều ngày nay ở TP.HCM và cũng không mới vì đã từng diễn ra khi giãn cách ở các tỉnh phía Bắc vài tháng trước, nhưng bệnh cũ vẫn tái phát. 

Tình hình còn "nóng" khi các tỉnh miền Tây - nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho TP.HCM - cũng giãn cách xã hội. Như vậy lưu thông hàng hóa khó khăn hơn, vì thế rất cần hai bộ trưởng phải khẩn cấp ra tay.

Dân mong chờ gì ở bộ trưởng GTVT? Đó là làm sao để giãn cách nhưng không giãn hàng. Bộ GTVT phải mở "luồng xanh" cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh - thành. Rau, thịt, gạo từ các tỉnh về đến cửa ngõ TP.HCM thuận tiện, chi phí không tăng quá cao do xét nghiệm, cách ly. 

Ngược lại, hàng hóa tiêu dùng, nguyên liệu từ TP.HCM vẫn chảy về cửa ngõ các tỉnh. Phải tìm ra những mô hình giao hàng thời giãn cách, chẳng hạn "hai điểm đến - một con đường"; mở bãi tập kết hàng hóa ở cửa ngõ; nếu vào nội tỉnh - thành phải thống nhất điều kiện về giấy xét nghiệm, cách ly... 

Dù là mô hình gì, vẫn cần quy trình thống nhất giữa các địa phương, Bộ Y tế... Không thể mỗi nơi mỗi kiểu như thời gian qua. Có thể bộ trưởng GTVT đã chỉ đạo để mở "luồng xanh" nhưng hàng hóa vẫn ách tắc, nhiều tài xế nản lòng buông tay lái, hàng ít về thành phố. Đó là lời nhắc bộ trưởng phải quyết liệt hơn nữa.

Với bộ trưởng Công thương, dân chỉ mong làm sao được ở nhà chống dịch nhưng vẫn mua được thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Thiếu hàng, gom hàng, chờ đợi, giá tăng... là những điều người dân không muốn phải gặp lại. 

Bình thường, khâu phân phối thực phẩm do hàng trăm ngàn tiểu thương thực hiện. Nay đa phần họ nghỉ bán để chống dịch, vì thế hệ thống siêu thị và bán qua mạng không thể đáp ứng được. 

Thay vì tung quản lý thị trường đi kiểm tra các đơn vị phân phối về niêm yết giá, cung cấp hàng hóa..., hãy tìm cách để có thêm điểm phân phối hàng. Hàng không thiếu, chỉ tắc khâu lưu thông nên giá tăng. 

Nếu ngành công thương "thiên biến vạn hóa", sáng tạo, phát triển thêm mô hình phân phối hàng hóa thì có lẽ người dân không quá vất vả như những ngày qua. Có người nói vui rằng cứ tắc thế này, có ngày sẽ có "buôn lậu"... rau. 

Thực tế đã có những vụ "bán chui" rau ở nơi giãn cách chỉ vì hàng ở cửa ngõ thành phố nhưng không thể đến tay người tiêu dùng. Có lẽ bộ trưởng sẽ không để xảy ra tình trạng "buôn lậu"... rau, thực phẩm ngay ở đô thị.

Cuối cùng, tại sao chúng ta không chăm sóc cho các bác tài xế, người giao hàng đang giúp hàng chục triệu con người duy trì nhu cầu tối thiểu ngày giãn cách. Sao bắt họ phải gánh chịu cách ly, chi phí xét nghiệm? 

Nếu có "luồng xanh", thêm mô hình phân phối lẻ mà hai bộ trưởng GTVT và Công thương có trách nhiệm thực hiện sẽ giảm bớt áp lực lên những người được giao nhiệm vụ là máu huyết lưu thông của xã hội. 

Trong 14 ngày tới, cuộc sống của hàng chục triệu dân vùng giãn cách phụ thuộc lớn vào các giải pháp điều hành của bộ GTVT và Công thương. Tất cả đang dõi theo hành động của hai bộ trưởng.

Hớt hải Hớt hải 'chạy đua' mua thực phẩm trong 10 phút theo quy định của cửa hàng

TTO - Lượng khách kéo đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm đột ngột tăng cao. Nhiều người phải xếp hàng hơn 1 tiếng nhưng chỉ được mua trong 10 phút. Có nơi khách ghi phiếu, không được vào bên trong,

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên