27/04/2018 14:43 GMT+7

Thời đại thay đổi, nhà giáo cũng phải thay đổi

H.HƯƠNG - P.NGUYỄN
H.HƯƠNG - P.NGUYỄN

TTO - 'Trong thời đại công nghệ thông tin, kiến thức rất đa chiều. Vậy vị trí của người thầy bây giờ ở đâu? Có phải chúng ta tới lớp dạy và học trò chỉ học từ ta không?'.

Thời đại thay đổi, nhà giáo cũng phải thay đổi - Ảnh 1.

Sinh viên năm 2 khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh ít nói, xa lánh bạn bè có thể được đánh đồng là ngoan, hiền; hiếu động dễ bị quy thành nghịch phá... Ngay trong nhận thức của người lớn về trẻ em đã hàm chứa sai lầm thì sự phân xử, ứng xử, dạy dỗ cũng dễ phạm sai lầm

TS Đặng Đức Hoàng

Câu hỏi được đưa ra tại buổi tọa đàm "Kỹ sư tâm hồn - Giữ vững niềm tin" do Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức sáng 26-4.

Đây là chương trình được nhiều người kỳ vọng bởi nó được tổ chức giữa hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành GD-ĐT.

Chú trọng giao tiếp sư phạm hơn nữa

Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tác động giáo dục của người thầy sẽ có sức cảm hóa lớn nhờ phong cách giao tiếp ứng xử đầy thuyết phục của thầy đối với trò trong tình huống cụ thể. Vì vậy, quá trình đào tạo giáo viên cần chú trọng đến việc trang bị năng lực giao tiếp ứng xử cho giáo sinh.

Tuy nhiên, ThS Đào Thị Duy Duyên, giảng viên khoa tâm lý học ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Chương trình đào tạo của sinh viên ngành sư phạm của trường những năm gần đây mới đưa vào học phần giao tiếp sư phạm, chứ trước kia nội dung này chưa được đào tạo một cách bài bản và khoa học.

Vì vậy, nhà trường và các cơ sở đào tạo giáo viên cần phối hợp với nhau để thường xuyên mở những khóa tập huấn hoặc những chuyên đề bồi dưỡng về giao tiếp sư phạm cho giáo viên.

Ngoài ra, các trường cần xây dựng một bộ chuẩn quy định về cách thức giao tiếp ứng xử trong môi trường sư phạm để giáo viên và học sinh đều được tiếp cận. Bên cạnh đó, nhà trường nên thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn để hỗ trợ, đồng hành với giáo viên trong việc giải quyết những tình huống sư phạm khó".

Trong khi đó, TS Đặng Đức Hoàng, trưởng Phòng GD-ĐT quận 11 (TP.HCM), chia sẻ: "Câu chuyện cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng khiến tôi hoảng sợ vì nhận ra: chúng ta còn thiếu sót trong việc giáo dục trẻ ý thức phản kháng trước cái xấu. Nếu không được giáo dục kỹ năng sống, các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực, thực dụng".

Bài học GDCD của học sinh THCS nặng nề về mặt câu chữ, khái niệm nhưng lại quá thiếu sự sinh động để học sinh cảm và hiểu. Rất cần phải dạy cho các em những điều thiết thực như lòng tự trọng, tính tự giác, tình thương, tinh thần trách nhiệm... để học sinh có những nguyên tắc phù hợp, tự chọn lựa cách thức ứng xử phù hợp.

Người thầy đừng đặt cái tôi của mình quá cao

Thời đại thay đổi, nhà giáo cũng phải thay đổi - Ảnh 3.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - Ảnh: H.HG

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường phát triển tính cách và tài năng John Robert Powers, Việt Nam, cho rằng học sinh ngày nay là thế hệ của công nghệ thông tin. Các em là thế hệ trưởng thành trong một thế giới "không bình yên": khủng bố, tội phạm công nghệ, biến đổi khí hậu... các giá trị truyền thống đang bị thách thức nhiều nhất.

Trong khi đó thầy cô giáo trưởng thành từ một thế hệ bùng nổ dân số, hơi e ngại khi học và tiếp cận công nghệ mới như công nghệ thông tin trong khi công nghệ thông tin buộc chúng ta phải bước ra khỏi "vùng an toàn" trong giảng dạy, nó khiến ta chịu nhiều áp lực hơn khi bước vào lớp học.

Thời đại công nghệ thông tin cũng buộc người thầy phải chuyển từ vai trò một giáo viên quyền lực, độc đoán sang vai trò người giáo viên hỗ trợ, tương tác và điều khiển quá trình học. Như vậy, bản thân người giáo viên phải thay đổi.

Thầy Trần Văn Đức - cựu giáo viên môn toán,Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ câu chuyện mà đến nay ông vẫn còn day dứt: "Tôi có thói quen trong những tiết đầu năm, khi tôi lên lớp, bao giờ tôi cũng dành một tiết để sinh hoạt về phương pháp dạy của mình.

Tôi quy ước rằng các em phải đến lớp đúng giờ, tôi vào lớp rồi thì tôi không cho phép bất cứ học sinh nào vào lớp. Và để thực thi quy ước đó, tôi luôn lên lớp đúng giờ.

Thời đại thay đổi, nhà giáo cũng phải thay đổi - Ảnh 4.

Thầy Trần Văn Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: P.NGUYỄN

Lần ấy, tôi vừa bước vào lớp thì có một em học sinh thuộc dạng cá biệt hớt hải chạy vào. Tôi chưa kịp ngồi xuống bàn thì em đã vào lớp, xin phép tôi. Tất nhiên, tôi không cho và yêu cầu em xuống phòng giám thị xin giấy vào lớp.

Em đó thưa rằng: "Con có xuống phòng giám thị xin giấy trước nhưng không có ai ở đó cả".

Sau đó, tôi được biết tất cả giám thị đang họp với ban giám hiệu. Tôi vẫn cứng nhắc không cho em vào lớp và bắt em xuống phòng giám thị. Em đi xuống lần nữa nhưng cũng không xin được. Tôi bực mình nói: "Anh phải có giấy vào lớp!".

Tới mức này, em đó mới nói lại rằng: "Thầy rất cứng nhắc! Em cũng là học sinh nhưng thầy rất khó với em". Tôi coi đó là hành động hỗn hào, giận run người và gằn giọng: "Em đừng hỗn láo, tôi sẽ tát em đấy!".

Khi em xuống phòng giám thị lần nữa để xin giấy, tôi lạnh hết cả người. Nếu lúc đó, em học sinh thách thức tôi tát em thì tôi phải làm sao? Không tát thì sao tôi còn cái uy đứng lớp, nhưng nếu ra tay thì sự nghiệp giáo dục của tôi đã chấm dứt.

Sau lần đó, tôi nghiệm ra: trong công tác giáo dục, người thầy đừng đặt cái tôi của mình quá cao, hãy tìm hiểu và sẻ chia hoàn cảnh, tình cảm với học sinh".

Hơn một nửa giáo viên "hoang mang" khi công tác ngành sư phạm Hơn một nửa giáo viên 'hoang mang' khi công tác ngành sư phạm

TTO - Nhiều giáo viên thừa nhận họ thấy hoang mang khi công tác trong ngành, trong khi sinh viên sư phạm tâm sự 'không dám tự giới thiệu là đang học trường sư phạm'.

H.HƯƠNG - P.NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên