Phóng to |
* Thầy đánh giá thế nào về "giáo đức" hiện nay?
- Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng cơ chế thị trường đã làm thầy cô không còn được trong sáng như trước kia. Họ lấy hiện tượng dạy thêm, học thêm, xin điểm, cho điểm, trù dập hoặc thiên vị học sinh... làm dẫn chứng. Tôi thấy đây là vấn đề quan trọng, cần có nhận định, đánh giá chính xác, công bằng và có sức thuyết phục. Như tôi đã nói, đạo đức cụ thể của người thầy là hiểu rõ trách nhiệm của mình và làm tốt trách nhiệm đó. Đất nước chúng ta có gần 1 triệu thầy cô giáo từ nhà trẻ đến đại học và sau đại học. Không phải chỉ tập trung ở những thành phố lớn, đầy đủ tiện nghi mà lực lượng thầy cô giáo được rải ra khắp mọi miền đất nước, cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người...
Nếu những chiến sĩ ở hải đảo, chiến sĩ biên phòng khó khăn như thế nào thì các cô giáo vùng cao, vùng biên giới còn khó khăn gấp bội, không phải chỉ là vấn đề sức khoẻ, lương bổng, phụ cấp, mà còn vấn đề tình cảm gia đình, cuộc sống mai sau khi về già... Đã có ai thống kê thử xem có bao nhiêu cô giáo miền xuôi lên vùng cao dạy chữ và không thể lập được gia đình? Nếu không biết rõ trách nhiệm của mình với nhân dân, họ đã bỏ về từ lâu rồi.
* Vẫn có không ít ý kiến cho rằng, thầy cô giáo đang đứng ngoài "dòng chảy" giáo dục?
- Đứng trước tình hình giáo dục hiện nay, hầu như mọi thầy cô giáo đều lo lắng, băn khoăn. Đừng vội cho rằng họ vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm. Nếu chỉ cần 25% giáo viên vô cảm và thờ ơ thì có tài thánh cũng không xoay chuyển được tình hình. Nhưng họ biết trách nhiệm lớn nhất hiện nay của mình là phải phấn đấu nâng cao chất lượng bài giảng theo định hướng mới, từ bỏ lối thầy giảng, trò ghi, thầy nói, trò chép đang bị phê phán. Nhưng công việc này đâu có dễ và đâu có phải một lúc đã thay đổi được ngay cái tập quán đã lâu đời. Đáng lý ra xã hội phải quan tâm, động viên, hỗ trợ để giúp họ.
* Người ta cũng đang nói đến tính gian dối tràn ngập ngành giáo dục, thể hiện ở những báo cáo chạy theo thành tích, nạn bằng giả, bằng rởm...ý kiến của thầy như thế nào?
- Quả thật gian dối là một biểu hiện của vô đạo đức. Đáng lý ngành giáo dục phải nêu một tấm gương về việc chống lại thói gian dối đang ngày càng thâm nhập vào mọi mặt của xã hội ta, nhưng hình như nó bất lực! Một chỉ thị của cấp tỉnh để chỉ đạo tỉ lệ tốt nghiệp của học sinh phổ thông trong tỉnh là điều không hiếm có, mà trong trường hợp đó, Giám đốc sở giáo dục không thể không nghe. Cũng không ít thư tay của các quan chức gửi hiệu trưởng đề nghị chiếu cố em này em khác... và hiệu trưởng cũng không thể không "nghiên cứu cẩn thận"... Đó là cơ chế hiện nay dạy người ta nói dối! Lecmôntốp đã nói rất hay, đại ý: Lúc nhỏ tôi chỉ nói thật, nhưng nói thật không ai nghe thành ra phải nói dối.
* Thầy đánh giá thế nào về hình ảnh người thầy trong cơ chế thị trường?
- Trước đây ông thầy như ông thánh trong làng xã, đạo cao, đức trọng, có việc gì trong làng mọi người đều đến hỏi. Vì là một người rất có uy tín nên thầy giáo phải rèn mình cho xứng đáng với uy tín đó. Trong cơ chế mới không thể bắt buộc người thầy phải thanh cao đến như thế được. Ông thầy vẫn có thể đi hát karaoke, đi uống bia... nghĩa là cũng phải sống với đời sống thường nhật của cuộc sống hiện đại. Thầy giáo cũng có thể làm kinh doanh để tạo thêm việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho gia đình. Có điều, dù làm gì, người thầy vẫn phải làm đầy đủ trách nhiệm đối với học sinh.
* Thầy nhìn nhận thế nào về thực trạng giáo dục hiện nay và xu hướng cải cách?
- Đánh giá về giáo dục hiện nay tôi là người không bi quan. Thắng lợi lớn nhất của giáo dục là đã vì dân. Một nước như VN mà phổ cập được cấp 1, đang phấn đấu phổ cập cấp 2, không phải chuyện dễ. Không nên so sánh với học trò này, học trò khác ngày xưa vì ngày xưa giáo dục của chúng ta là giáo dục tinh hoa, bây giờ là giáo dục đại chúng ắt hẳn phải có em giỏi, em yếu. Đối với giáo dục phổ thông, tôi cho rằng ta không yếu kém so với các nước.
Về cải cách giáo dục, đã có nhiều ý kiến khuyên nên phá đi làm lại nhưng theo tôi, ta không nên đổi mới theo kiểu phá bỏ cái cũ. Không nên dập khuôn theo nước ngoài. Tôi nhớ ngày xưa có 10 con gà công nghiệp, ăn cám con cò, lớn nhanh như thổi, hồi đó thấy thế làm sung sướng lắm. Nhưng bây giờ dân HN lại đi tìm gà ri, gà tre, nuôi theo kiểu VN... Đó là một ví dụ để thấy, cái gì cũng vậy, ta vẫn có cách của ta...
* Xin cảm ơn thầy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận