TS.BS Tăng Hà Nam Anh khám cho bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước khớp gối do đá banh - Ảnh: Hoàng Thạch Vân
Bệnh nhân nữ U40 đi khám bệnh với chúng tôi vì lí do đau khớp vai. Bệnh nhân trước đó đã được khám ở một cơ sở y tế khác và cũng có chẩn đoán rách gân trong vai có chỉ định mổ.
Khi khám và cho làm siêu âm, chúng tôi phát hiện bệnh nhân có rách bán phần gân chóp xoay vai trái. Tuy nhiên, bên cạnh đau vùng vai bên trái, chúng tôi phát hiện bệnh nhân còn than đau kiểu rát bỏng vùng ngực cao, đau cả hai đùi. Nhìn dáng đi của bệnh nhân không bình thường, phản xạ gân nhị đầu cánh tay và gân bánh chè gối tăng nhiều nên chúng tôi cho bệnh nhân chụp thêm MRI vùng cổ. Kết quả bệnh nhân bị u màng nhện chèn vào tủy cổ.
Bệnh nhân được gởi đi phẫu thuật ở đồng nghiệp ngoại thần kinh.
Đây là một ví dụ cho thấy dù cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện diện quanh ta, ngành y cũng ứng dụng nhiều nhiều tiến bộ của ngành truyền thông trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nhưng việc khám bệnh vẫn phải do bác sĩ đảm trách và khám trực tiếp trên người bệnh để phát hiện đúng vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân mắc phải.
Sau đây là những lý do mà bệnh nhân nên đi khám bệnh thay vì ngồi ở nhà chụp phim và gởi để tư vấn với bác sĩ.
1. Một bệnh có nhiều triệu chứng và một triệu chứng có nhiều bệnh
Một căn bệnh có rất nhiều triệu chứng khác nhau và có thể biểu hiện ở nhiều chỗ khác nhau. Đôi khi triệu chứng không nằm ở chỗ bị bệnh mà lại nằm ở nơi rất xa ít ai ngờ tới, nhất là những cơn đau. Những cơn đau như vậy người ta gọi là đau quy chiếu.
Ví dụ bệnh nhân bị hư khớp háng nhưng lại đau ở vùng khớp gối và đã có rất nhiều bệnh nhân bị mổ oan ở vùng gối.
Ngược lại, một triệu chứng lại có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau.
Cũng ví dụ cùng là cơn đau nhưng đau vùng mông có thể là biểu hiện của đau thần kinh tọa, đau do viêm khớp cùng chậu, đau do viêm cơ mông, đau do hư khớp háng….
Do vậy, bác sĩ phải hỏi kỹ tính chất của triệu chứng, khám thật kỹ vùng cơ thể bị tổn thương và sau đó phải cho đi làm các xét nghiệm hình ảnh, xét nghiệm máu, phân hay nước tiểu… để có được chẩn đoán.
TS BS Tăng Hà Nam Anh phẫu thuật cho bệnh nhân
2. Ngôn ngữ y khoa và ngôn ngữ đời thường khác nhau
Ngôn ngữ y khoa dùng để mô tả chính xác các triệu chứng của bệnh. Đôi khi giữa các bác sĩ chỉ cần nói về một triệu chứng nào đó thì các bác sĩ có thể hiểu là đang nói về bệnh gì. Tuy nhiên, mỗi bệnh nhân sẽ có kinh nghiệm sống khác nhau nên mô tả triệu chứng của mình sẽ khác nhau.
Mặt khác số lượng từ và kinh nghiệm bản thân ít sẽ làm cho bệnh nhân mô tả triệu chứng của mình bị sai lệch.
Ví dụ biểu hiện tê tay trong hội chứng ống cổ tay và cứng khớp ngón tay trong thoái hoá khớp ngón tay sẽ rất khác nhau vì một bên là tê kiểu chèn ép thần kinh, một bên là cứng.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân dùng từ tê để chỉ tình trạng cứng ngón tay vào buổi sáng. Khi khám và cho đo điện cơ kiểm tra thì không phát hiện bệnh nhân có hội chứng ống cổ tay mà chỉ có triệu chứng cứng khớp ngón tay.
Do vậy, chúng ta nên đi khám bệnh để bác sĩ sẽ hỏi kỹ triệu chứng mà đôi khi chúng ta hay nghĩ là nó nhưng lại không phải là nó.
3. Một người có thể có nhiều bệnh
Điển hình như bệnh nhân mà chúng tôi mô tả bệnh nhân có rách bán phần chóp xoay vai, có chèn ép tủy cổ. Trong trường hợp này, bệnh lý chèn ép tủy cổ nặng hơn nên có chỉ định mổ sớm. Đôi khi cuộc mổ chóp xoay có thể ảnh hưởng đến tủy cổ và có thể làm cho bệnh nhân liệt đột ngột. Đây cũng là một trong số các nguyên nhân gây kiện cáo giữa người nhà và giới y khoa.
4. Đau chỗ này nhưng bệnh nằm chỗ khác
Cơn đau đôi khi phản ảnh bệnh tại chỗ nhưng đôi khi cơn đau chỗ này nhưng bệnh lại nằm chỗ khác. Trong trường hợp này, bác sĩ phải khám và hỏi kỹ mới phát hiện ra được.
Ví dụ điển hình nhất là bệnh nhân bị hoại tử chỏm xương đùi, nhưng lại đau vùng khớp gối. Đây là nguyên nhân khá phổ biến khiến nhiều bệnh nhân bị chẩn đoán sai và đôi khi mổ sai.
5. Không phải tất cả các bệnh đều cần phải mổ
Một ví dụ điển hình là rất nhiều bệnh nhân gởi phim MRI và kết quả qua tin nhắn để hỏi xem có chỉ định mổ hay không. Chỉ định mổ dựa vào mức độ lỏng của khớp gối (phải khám mới đánh giá được), tuổi tác, tình trạng cơ vùng đùi, tình trạng sức khoẻ bệnh nhân, tình trạng hoạt động của bệnh nhân.
Có nhiều ca khi coi phim có chỉ định mổ, nhưng khi khám lại thì thấy không cần phải mổ, vì kết quả chưa chắc tốt hơn.
6. Phim ảnh hay xét nghiệm chỉ là một phần của chẩn đoán
Trong y khoa, chẩn đoán 1 bệnh không phải là dễ. Do đó bệnh cạnh việc chụp hình như X-quang, MRI hay CT Scan, còn phải làm các xét nghiệm khác và khám lâm sàng mới có thể phân biệt được các loại bệnh tương tự nhau.
Ví dụ để phân biệt được đợt viêm cấp của thoái hoá khớp và viêm khớp dạng thấp thì ngoài khám, bệnh nhân cần có phim X-quang, xét nghiệm máu…. Dựa trên tất cả những điều đó, bác sĩ mới chẩn đoán được bệnh.
Đôi khi có những trường hợp đã làm các xét nghiệm đầy đủ nhưng chẩn đoán không ra, phải dùng đến biện pháp điều trị thử với thuốc.
7. Khi khám, cần dùng tất cả các giác quan của người thầy thuốc
TS Tăng Hà Nam Anh đang khám cho bệnh nhân
Khi khám bệnh, người thầy thuốc phải dùng mắt quan sát vẻ mặt, dáng đi, tư thế giảm đau của bệnh nhân.
Bác sĩ còn phải dùng khứu giác để đánh giá mùi hôi, ví dụ bị nhân bị chèn ép tuỷ tới giai đoạn không giữ được nước tiểu sẽ có mùi khai của nước tiểu.
Người thầy thuốc phải dùng tay để sờ nắn xem tính chất cơn đau, khối u, mức vận động khớp…. Búa phản xạ cũng là phương tiện hữu hiệu để phát hiện chẩn đoán như các bạn thấy trong video kèm theo.
Nghe cũng là một cách để phát hiện triệu chứng. Đôi khi nghe không phải bằng tai mà bằng tay, như nghe tiếng lạo xạo xương gãy chẳng hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận