Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lần này chỉ nhằm giải quyết căng thẳng đang leo thang ở khu vực Idlib.
Tình thế ngặt nghèo
Từ vài tháng nay, quân chính phủ - được sự ủng hộ của Iran và sự hậu thuẫn của Nga - đang ráo riết chuẩn bị một chiến dịch quy mô lớn nhằm chiếm lại tỉnh Idlib, xóa sổ căn cứ địa cuối cùng của phía đối lập tại Syria.
Ngược lại, các nhóm đối lập vũ trang tập trung dày đặc tại đây cũng đang chuẩn bị một cuộc chiến sinh tử, khi họ không còn đường lùi nữa và tin rằng nếu đầu hàng thì chỉ có chết.
Liên Hiệp Quốc, Mỹ và phương Tây đều cảnh báo nếu xảy ra chiến sự quy mô lớn tại Idlib thì không thể tránh khỏi một thảm họa nhân đạo kinh hoàng đối với hàng triệu dân thường. Idlib rơi vào tay phiến quân từ năm 2015 và từ đấy trở thành "lãnh thổ mặc nhiên" của lực lượng đối lập.
Khi Nga trực tiếp tham chiến, giúp quân đội Syria đánh chiếm các thành trì khác của phía đối lập tại nhiều tỉnh thành của Syria thì chiến thắng của chính quyền Syria chỉ đạt được nhờ các thỏa thuận do Nga khởi xướng và có sự đồng thuận của Thổ Nhĩ Kỳ - bên nước ngoài chính yếu bảo trợ cho bên đối lập.
Theo các thỏa thuận này, các nhóm đối lập bị bao vây chấp nhận bỏ lại địa bàn của họ cho chính quyền Syria kiểm soát, để được cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm cho rút an toàn về Idlib. Bởi thế, dân số Idlib từ khoảng 1,5 triệu người bỗng vọt lên 2,3 triệu chỉ từ cuối năm 2016 đến nay.
Nếu chiến sự quy mô lớn nổ ra, hàng trăm ngàn người sẽ tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng di cư và tị nạn mới sẽ bùng phát, không chỉ đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ mà cả Tây Âu nữa bởi Tổng thống Erdogan không ngần ngại tuyên bố sẽ mở đường cho người tị nạn Syria chạy sang châu Âu nếu không ngăn được "thùng thuốc súng" Idlib phát nổ!
Thời gian gần đây, đối lại sự tăng cường tập trung quân sự quy mô lớn của chính quyền Syria về chiến trường vây quanh Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều thêm quân đội và khí tài hạng nặng vào sâu lãnh thổ Syria, sẵn sàng cùng các lực lượng đối lập đối phó với cuộc tấn công (có thể xảy ra) từ phía quân đội Syria. Tình thế có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ đối đầu trực diện với quân đội Syria được Nga yểm trợ!
Một nguy cơ lớn không kém là sự can thiệp quân sự từ phía Mỹ và một số nước Tây Âu là Anh, Pháp và Đức.
Các nước này đều đã nhiều lần cảnh báo "sẽ đáp trả quyết liệt" nếu "chính quyền Syria lại sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch (có thể diễn ra) tại Idlib"! Không chỉ cảnh báo bằng những lời tuyên bố suông, Mỹ đã kéo đến các vùng biển gần kề Syria cả một hạm đội hùng hậu, mà có tin "mang theo 200 tên lửa Tomahawk, đủ để tàn phá các mục tiêu định trước tại Syria".
Nga cũng kéo hạm đội bổ sung đến vùng biển đối diện Syria và tổ chức tập trận quy mô lớn.
Thỏa thuận vượt mong đợi
Sau thảo luận kéo dài bốn giờ ngày 17-9 tại Sochi, hai tổng thống đã tổ chức họp báo về kết quả "ngoài sức tưởng tượng" của cuộc gặp độc đáo này. Đôi bên đã thỏa thuận thiết lập "một khu phi quân sự" ngăn tách giữa quân đội Syria và quân đối lập.
Quân cảnh Nga và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chịu trách nhiệm phối hợp kiểm soát, giám sát việc hình thành và vận hành tại "khu phi quân sự" này.
Bắt đầu từ ngày 10-10, các bên phải rút hết vũ khí hạng nặng ra ngoài "khu phi quân sự", để từ giữa tháng 10 quy chế của dải ngăn tách này bắt đầu có hiệu lực. Thổ Nhĩ Kỳ nhận lãnh trách nhiệm loại bỏ "tất cả các hoạt động khủng bố ra khỏi khu phi quân sự trước ngày 15-10".
Ngay sau khi công bố thỏa thuận giữa hai tổng thống, bộ trưởng quốc phòng hai nước đã ký một văn bản cụ thể hóa các thỏa thuận quân sự tại Idlib. Bộ trưởng quốc phòng Nga tuyên bố "sẽ không có một chiến dịch quân sự nào xảy ra ở Idlib".
Về phía mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đảm bảo "sẽ không xảy ra các hành động khiêu khích quân sự (của phiến quân) từ Idlib" (chống các lực lượng Syria và Nga).
Tất cả các bên liên quan, từ chính quyền Syria, Iran đến phe đối lập và Liên minh châu Âu đều nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận giữa Nga với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhiều người hi vọng vào tính khả thi của thỏa thuận này bởi bên đối lập chỉ mong không bị tấn công để tồn tại, còn quân đội Syria không thể đơn phương làm gì nếu thiếu sự yểm trợ của Nga.
Thách thức
Nhìn vào bản đồ thể hiện vùng kiểm soát của các nhóm phiến quân khác nhau ở Idlib, không phải hoàn toàn thuận lợi để biến thỏa thuận này thành hiện thực.
Nhóm khủng bố Nusra đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận này, không chịu rút khỏi khu phi quân sự sắp hình thành. Nusra hiện kiểm soát hơn một nửa diện tích Idlib, trong đó có thành phố thủ phủ tỉnh này và nhiều khu vực sẽ thuộc khu phi quân sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận