Tổng thống Nicolas Maduro phát biểu trước người ủng hộ trong cuộc tuần hành tại thủ đô Caracas ngày 2-2 - Ảnh: REUTERS
Từ khi nổ ra căng thẳng cao độ tại Venezuela, chính quyền Ankara vẫn tuyên bố ủng hộ Tổng thống hợp pháp Nicolas Maduro, trái ngược quan điểm với các đồng minh NATO, Mỹ và Canada.
Theo hãng tin Reuters, hôm nay (3-2), Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố thẳng: các nước đã công nhận "Tổng thống lâm thời" tự phong Juan Guaido chính là đang "châm dầu vào lửa" cho những rối loạn của Venezuela và như thế chính là trừng phạt hàng triệu người dân nước này.
Bộ trưởng Cavusoglu cho rằng các quốc gia đó thay vì ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido thì nên dành sức cho các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
"Một quốc gia đang gặp vấn đề, chỉ cần một tia lửa là có thể biến thành đám cháy bất cứ lúc nào. Trong trường hợp này, lẽ ra họ nên góp phần giải quyết vấn đề thông qua đối thoại", bộ trưởng Cavusoglu nói với giới truyền thông ở Istanbul.
Rồi ông chỉ rõ: "Nhưng đó có phải là cách họ đang làm hiện nay không? Không hề. Trái lại, cuộc khủng hoảng hiện nay đang bị thúc đẩy từ bên ngoài. Người dân Venezuela đang bị trừng phạt bởi cách tiếp cận như vậy".
Bộ trưởng Cavusoglu cho biết năm ngoái Thổ Nhĩ Kỳ từng cố gắng khởi động các cuộc đàm phán về Venezuela giữa Washington và các nước Mỹ Latinh.
"Nhưng nay thì ta đã thấy, tất cả các nước đang thực hiện các bước chống lại Venezuela đều chưa từng tìm cách đối thoại", ông Cavusoglu lên tiếng tố cáo.
Khu ngoại ô Jose Felix Ribas của thủ đô Caracas - Ảnh: REUTERS
Trong cuộc tuần hành ngày 2-2 tại thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro tuyên bố âm mưu đảo chính và những kế hoạch chống phá chính quyền cách mạng Bolivar mà Mỹ và phe đối lập trong nước tiến hành đã thất bại.
Một lần nữa, ông Maduro kêu gọi phe đối lập cần thể hiện sự thiện chí, cùng nhau đối thoại để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông cũng khẳng định không chấp nhận khoản viện trợ nhân đạo 20 triệu USD mà Mỹ thông báo thông qua phe đối lập, đồng thời khẳng định Venezuela là một dân tộc có lòng tự trọng, không bán rẻ Tổ quốc.
Ông Cavusoglu cũng nêu lại những phản ứng quốc tế yếu ớt đối với vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi của Saudi Arabia ngay tại lãnh sự quán Saudi ở thành phố Istanbul bốn tháng trước.
"Gần đây các nước phương Tây - quý vị cũng biết rằng họ rất nhạy cảm về quyền con người, luôn gắng dạy dỗ mọi người về quyền con người - lại im tiếng cả (với vụ Khashoggi)", Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dẫn chứng.
Ông cũng chỉ ra lý do: các nước đó chỉ quan tâm nhiều hơn đến việc bảo vệ quan hệ thương mại của mình với chính quyền Riyadh.
"Họ chỉ lo chuyện giao dịch làm ăn và bán vũ khí", Bộ trưởng Cavusoglu kết luận.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn giữ quan hệ làm ăn và chính trị tốt với Caracas.
Khi tình hình tại Venezuela có dấu hiệu bất ổn căng thẳng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi điện cho ông Maduro, động viên nhà lãnh đạo Venezuela đứng vững để chống lại "những diễn biến chống dân chủ".
Thông tin này đã khiến Mỹ phật lòng và đã bày tỏ quan điểm của mình với phía Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị Ankara tham gia cùng với Washington công nhận tính bất hợp pháp của chính quyền Maduro.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido cũng dẫn đầu một cuộc tuần hành chống ông Maduro tại thủ đô Caracas ngày 2-2 - Ảnh: REUTERS
Theo một quan chức Mỹ, Washing đang tìm cách gây áp lực bằng việc xem xét mối quan hệ thương mại giữa Ankara và Caracas, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu vàng từ Venezuela sang Thổ Nhĩ Kỳ, để đánh giá liệu các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela có bị vi phạm hay không.
Nếu phát hiện vi phạm, Washington khẳng định sẽ thực thi các hành động của mình.
Venezuela đã xuất khẩu lượng vàng trị giá khoảng 1 tỉ USD sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2018.
Giữa tháng 1 năm nay, hai nước còn nhất trí tăng cường xuất khẩu kim loại quý này theo thỏa thuận tinh luyện vàng của Venezuela tại nhà máy ở thành phố Corum, gần thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters, đến nay, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định giao dịch thương mại của Ankara với Caracas là phù hợp với luật pháp và quy định quốc tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận