![]() |
Đường ống dẫn nước đã được lắp đặt đến từng nhà nhưng hằng ngày người dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch chảy về - Ảnh: Kiều Linh |
Theo phản ảnh của người dân địa phương, gần năm năm nay nguồn nước sinh hoạt và ăn uống của một nửa dân số phường Phú Thượng với 2.000 hộ chủ yếu phải lấy từ giếng khoan. Để đảm bảo an toàn vệ sinh, nhiều hộ gia đình đã dùng các thiết bị lọc nước như xây bể cát lọc, máy lọc nước... Tuy nhiên, hầu hết người dân vẫn bày tỏ tâm trạng lo sợ vì nguồn nước này có quá nhiều tạp chất và độc hại.
Anh Trần Văn Bắc (cụm 1, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) phản ảnh: “Mặc dù nhìn nước rất trong, không có biểu hiện ô nhiễm, nhưng khi đun lên thấy xuất hiện váng và lấm tấm cục trắng nổi lên trên mặt nước. Vì sợ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe gia đình nên tôi phải lọc đi lọc lại nhiều lần cho đảm bảo”.
Được biết, công trình cung cấp nước sạch về phường Phú Thượng được khởi công xây dựng cách đây năm năm. Trước khi khởi công, mỗi hộ dân đã đóng 504.000 đồng cho Xí nghiệp xây lắp - Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội lắp đồng hồ và các thiết bị đường ống dẫn nước khác. Thế nhưng, đến đầu năm 2012 toàn bộ người dân đã nhận lại số tiền vì lý do công trình tạm ngừng.
Ông Phương Công Điệp (số 6, ngách 27, ngõ 335, đường An Dương Vương, P.Phú Thượng) cho biết hiện nay toàn bộ đường ống dẫn nước đã được lắp đặt đến từng nhà nhưng hằng ngày người dân vẫn mòn mỏi chờ nước chảy về. Nguyên nhân chủ yếu là đường ống dẫn nước sạch từ Nhà máy nước Cáo Đỉnh về phường vướng một đoạn dài 350m (đoạn nằm trên ruộng canh tác) do đơn vị thi công không thống nhất được giá cả đền bù cho gần 14 hộ dân. Trong thời gian chờ đợi thống nhất giá cả đền bù, người dân đã đồng ý cho đơn vị đào và chôn đường ống đi qua, sau đó san lấp lại để tiếp tục canh tác, chuyện đền bù sẽ thỏa thuận sau. Nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thống (tổ trưởng tổ dân phố 32, cụm 5, phường Phú Thượng) cho biết đã phản ảnh lên chính quyền địa phương nhiều lần nhưng chỉ được những lời hứa hẹn hết năm này qua năm khác. “Tôi mong chính quyền địa phương có phương hướng, đề nghị với công ty nước sạch để người dân chúng tôi nhanh chóng có nước sạch dùng”, ông Thống nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Xuân Cương, giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy, cho biết địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) được chia làm hai giai đoạn cấp nước: giai đoạn 1 từ cụm 1 đến cụm 3 bao gồm 1.790 hộ dân, giai đoạn 2 từ cụm 4 đến cụm 7 xấp xỉ 2.000 hộ. Hiện nay, xí nghiệp nước sạch cung cấp nước cho các hộ từ cụm 1 đến cụm 3, nhưng từ cụm 4 đến cụm 7 không thể cung cấp được. Nguyên nhân chính là Công ty Nước sạch Hà Nội rải tuyến ống dẫn nước về phường Phú Thượng đi qua khu Ciputra. Nhưng tại đây đang xảy ra tranh chấp đất đai giữa Ciputra và người dân phường Phú Thượng nên gần 350m này không giải phóng được mặt bằng. Vì vậy, hiện nay công ty nước sạch không có nguồn ống dẫn để cấp nước đến phường Phú Thượng.
Ông Bùi Xuân Cương cho biết thêm xí nghiệp đã làm văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ để giải trình về nguyên nhân chưa thể cấp nước cho người dân Phú Thượng. “Để thông được nguồn nước qua khu Ciputra đến phường Phú Thượng, yêu cầu trước hết phải giải quyết được vấn đề tranh chấp đất đai giữa người dân và Công ty Ciputra” - ông Cương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận