Cúp điện tràn lan, dân kêu trời!Điện cúp, chịu hết nổiChưa thiếu điện, vẫn bị cúp tràn lan
Thế nhưng cuối tháng 5, việc cung ứng điện không những không đảm bảo được như chỉ thị của Thủ tướng mà còn xảy ra tình trạng cắt điện tràn lan ở nhiều nơi.
Doanh nghiệp kêu ca, người dân phàn nàn nhưng không thấy EVN lên tiếng. Bộ trưởng Bộ Công thương trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội vừa rồi đã trấn an dư luận là đến ngày 20-6 tình hình cấp điện sẽ được cải thiện. Nếu đúng như vậy, người dân và doanh nghiệp còn phải tiếp tục vật lộn với nạn cắt điện, mất điện thêm nhiều ngày nữa.
Thiếu điện là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” từ vài năm nay. Ai cũng biết thiếu điện một phần do các cơ quan tham mưu về phát triển điện thiếu tầm nhìn, lên kế hoạch đầu tư xây dựng nguồn điện không theo kịp nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Nhưng mới đây người ta mới “ngã ngửa” ra khi Cục Điều tiết điện lực thông báo trong những ngày thiếu điện cuối tháng 4, EVN đã không huy động hết nguồn điện từ các nhà máy hiện có, thay vào đó lại cắt điện làm đình trệ hoạt động của nền kinh tế, đảo lộn sinh hoạt của người dân.
EVN đưa ra lý do rằng các nhà máy không được huy động là nhà máy bị sự cố(?). Nhưng không hẳn vậy, theo Cục Điều tiết điện lực, không được EVN huy động nguồn điện vừa qua là các nhà máy có giá phát điện cao! Sau kiến nghị của Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương mới đây đã yêu cầu EVN trong bất cứ tình hình nào cũng cần có biện pháp phù hợp để duy trì cung cấp điện ở mức cao nhất.
Yêu cầu của Bộ Công thương đã đặt ra nhiều câu hỏi cho EVN. Phải chăng giá mua điện cao là nguyên nhân khiến EVN, với sự độc quyền trong mua và bán điện lại cho các hộ tiêu dùng, đã không huy động hết nguồn điện, bất chấp nhu cầu của xã hội đang rất bức thiết?
Nếu xét về góc độ kinh doanh, doanh nghiệp bình thường có thể làm như thế. Nhưng với EVN thì không thể. Bởi lẽ, khi đã được xác định là một trong những “quả đấm” chủ chốt của nền kinh tế đất nước, đã nhận được nhiều đặc quyền, đặc lợi của Nhà nước, EVN không thể vì lợi ích của mình mà “cân đong” lời lỗ để có điện không mua, dẫn đến thiếu điện cung ứng làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân.
Câu chuyện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp luôn được đặt ra, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tại buổi làm việc với các đơn vị này hồi tháng 3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty phải đề cao trách nhiệm trước đất nước.
Nếu thật sự phải mua đắt, bán rẻ thì tại sao EVN không kiến nghị lên Bộ Công thương, kiến nghị Chính phủ để tìm giải pháp tháo gỡ thay vì hành xử theo kiểu bỏ mặc khách hàng? Cũng nên nhắc lại rằng năm 2009 EVN lãi trên 2.000 tỉ đồng, đầu năm nay giá điện đã tăng 6,8% nhưng người dân vẫn chưa thấy EVN có những giải pháp quyết liệt để đảm bảo cung cấp đủ điện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận