Phóng to |
Anh P. ở khu vực chợ Vườn Chuối (P.4, Q.3) cho biết ngành điện cúp điện không báo trước ở khu vực này ba ngày trong một tuần khiến gia đình anh cùng nhiều hộ khác rất khổ sở. Trong nhiều ngày vừa qua (10, 12, 13, 17, 18-5) khu vực liên tục bị mất điện. Anh P. bực bội than phiền: “Thông tin trên Tuổi Trẻ ngành điện cam kết chỉ cúp không quá 5 giờ/lần/tuần và cúp có thông báo nên chúng tôi thấy tạm chấp nhận. Vậy mà trong tám ngày qua, nhà tôi bị cúp điện đến năm lần và cúp không thông báo”.
Tương tự, ở các khu vực của Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú cũng bị cúp điện liên tục. Nhiều người dân còn bức xúc cho biết khi bị cúp điện không được thông báo, họ điện thoại đến điện lực khu vực nhiều lần nhưng không được trả lời.
Chiều 18-5, trả lời PV Tuổi Trẻ về việc vì sao có khu vực điện cúp 3-5 lần/ tuần, ông Nguyễn Anh Vũ - trưởng ban quan hệ cộng đồng của EVN TP.HCM - cho biết lưới điện Vườn Chuối do Công ty Điện lực Sài Gòn quản lý, nguyên nhân mất điện nhiều lần là do quá tải, xảy ra sự cố bật thiết bị ngắt điện tự động (CB) tổng tại trạm. Trước sự cố này, EVN TP.HCM đã yêu cầu Công ty Điện lực Sài Gòn phải kéo thêm một đường dây khác để giải quyết hiện tượng quá tải ở trạm này.
Còn Công ty Điện lực Bình Chánh cho biết nguyên nhân cúp điện kéo dài trên 5 giờ trong một số khu vực Bình Chánh là do cắt điện để thi công trạm Tân Bình 2 - 110 KV. Ngoài ra còn ba khu vực khác có tuyến bị mất điện kéo dài là Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân cũng do phải cắt điện để thi công trạm điện vừa nêu. Các trường hợp đó tổng công ty đã đăng thông báo tạm ngưng cung cấp điện trên website của điện lực và trên báo.
Về việc để xảy ra cúp điện không đúng cam kết (không quá 5 giờ/lần/tuần) và có nơi bị cúp quá nhiều lần trong một tuần, ông Trần Khiêm Tuấn giải thích: “Tất cả những nơi cúp điện từ 5 giờ trở xuống chúng tôi đều thông tin trên báo. Riêng các nơi bị cúp trên 5 giờ, các đơn vị điện lực đều phải có kế hoạch và xin phép tổng công ty để đơn vị điều độ làm thông tin đăng trên báo. Không có nơi nào bị cúp điện mà chúng tôi không thông tin, ngoại trừ bị sự cố đột xuất. Riêng việc xây dựng lưới truyền tải hay đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ công tác khác mà không phải là công tác bảo trì phải tốn thêm thời gian, không thể khống chế trong 5 giờ”.
Đối với ý kiến của nhiều người dân cho rằng việc cắt điện là do thiếu điện chứ không phải do bảo trì đường dây hay mé nhánh cây xanh như ngành điện đã đưa ra, ông Trần Khiêm Tuấn khẳng định: “Chúng tôi chưa thiếu điện. Cả nước thiếu điện nhưng TP.HCM chưa phải cắt điện luân phiên. Sản lượng Tập đoàn Điện lực phân bổ cho TP.HCM sử dụng bao nhiêu thì mình sử dụng trong hạn mức tiết kiệm, vì cả nước thiếu thì mình phải tiết kiệm thôi. Nếu thông báo đến người dân tình hình thiếu điện và cứ thế cắt điện thì quá dễ, nhưng chúng tôi cố gắng bằng mọi cách để không xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên trong dân”.
EVN HCM cũng yêu cầu các công ty điện lực phải tăng cường lực lượng công nhân sửa điện vào ban đêm, trực sửa chữa điện 24/24 giờ.
Cắt điện bảo trì giảm được 1 triệu kWh/ngày Ông Trần Khiêm Tuấn cho biết: “Trong tháng 5, Tập đoàn Điện lực VN giao định mức cho TP.HCM 45,4-46,5 triệu kWh/ngày nhưng từ ngày 4 đến 13-5 sản lượng TP.HCM sử dụng vọt lên 48-50 triệu kWh/ngày, vượt hẳn so với sản lượng được giao. Chúng tôi phải tăng cường công tác bảo trì lưới điện, tránh xảy ra quá tải. Cắt điện để làm công tác bảo trì thì sản lượng chỉ giảm được 1 triệu kWh/ngày”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận