Chiều 30-3, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) - đã trao đổi với Tuổi Trẻ Online xoay quanh các giải pháp tháo gỡ thiếu cát đắp nền làm dự án vành đai 3 TP.HCM.
Xử lý nền đất yếu cần hơn 1 năm
Theo ông Phúc, tình hình thiếu cát tại những khu vực xử lý nền đất yếu cũng bắt đầu ảnh hưởng, lâu dần việc thiếu cát sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung. Bởi thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài hơn 1 năm.
"Mục tiêu trong quý 2-2024 này phải đảm bảo được nguồn cát để cung cấp làm dự án vành đai 3, đặc biệt là những vị trí xung yếu hoặc những khu vực cần xử lý theo tổng tiến độ đã đề ra" - ông Phúc nói.
Về tổng khối lượng cát "có thể" cung cấp cho vành đai 3 TP.HCM được đánh giá còn đủ trong năm nay. Tuy nhiên, theo ông Phúc, thách thức là làm sao rút ngắn thời gian làm các thủ tục triển khai càng sớm càng tốt.
Trước tình trạng cấp bách do thiếu cát, Ban Giao thông và tổ công tác của TP.HCM cũng đang tiếp tục tháo gỡ vướng mắc với các địa phương.
Cụ thể, yêu cầu các nhà thầu chủ động tìm nguồn cát từ các mỏ ở địa phương Đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai tuần qua, một số nhà thầu cũng tìm được nguồn cát để đưa vào công trường, giải quyết một phần nhu cầu và đang tiếp tục đẩy nhanh việc tìm kiếm.
Trong tổng nhu cầu 9,3 triệu m³ cát cho dự án thì trong năm 2024 cần 6 triệu m³. Hiện nay, đã có hơn 90 mỏ cát ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre được thống kê lấy mẫu và cập nhật trạng thái (đang khai thác, đang gia hạn, đang mở mới).
Vấn đề quan trọng hơn nữa, theo ông Phúc là cần sự chỉ đạo của Chính phủ với các địa phương để có thể thống nhất chặt chẽ về trữ lượng, sản lượng dự kiến, tiến độ cụ thể để cung cấp cho vành đai 3. Ban Giao thông đang kiến nghị ưu tiên rút ngắn thủ tục làm việc với các mỏ cát để đảm bảo tiến độ cung cấp cát cho dự án, cụ thể là đối với những đợt cát đầu tiên trong quý 2-2024.
Tính toán phương án mượn cát
Với thực tế trên, ông Phúc nói rất mong các địa phương vừa qua có cam kết về trữ lượng hỗ trợ vành đai 3 tiếp tục đồng hành giúp sức, giữ đúng mục tiêu dự án đề ra. Một tin tích cực là hiện nay một số địa phương, trong đó có Bến Tre có trữ lượng lớn hơn cam kết, từ 3 triệu m3 lên 10 triệu m3.
Ngoài nguồn cát này, theo ông Phúc, TP.HCM đang cùng các đơn vị liên quan còn mở hướng, kiếm nguồn cát từ Campuchia. "Vừa qua, tổ công tác cũng có làm việc với một số đầu mối bên đó để tính toán đưa cát về phục vụ dự án vành đai 3.
Ban Giao thông cùng tổ công tác đang tiếp tục cập nhật quy trình, khả năng ứng dụng cát biển cho đường cao tốc (vành đai 3 là cao tốc - PV), đây là nguồn cát tiềm năng.
"Ngoài ra, hiện tại các nhà thầu lớn trong vành đai 3 đã được cấp 8 mỏ cát từ các dự án giao thông khác ở miền Tây để tính toán xin cơ chế, điều chuyển linh hoạt, mượn cát đưa về vành đai 3.
Đây là giải pháp giải quyết tạm thời một số nhu cầu ở những vị trí xung yếu, khu vực cần cát sớm của vành đai 3", ông Phúc cho hay.
Kiến nghị tháo gỡ thiếu cát làm vành đai 3
Trước đó, ngày 29-3, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tháo gỡ khó khăn về nguồn cát đắp nền đường (cát san lấp) phục vụ dự án vành đai 3 TP.HCM.
Theo báo cáo, cát đắp nền đường vành đai 3 hiện gặp nhiều khó khăn. Tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án hơn 9,2 triệu m³. Nhằm đảm bảo hoàn thành dự án đúng tiến độ, UBND TP.HCM kiến nghị phó thủ tướng tổ chức buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương để điều phối nguồn cát đắp nền cho đường vành đai 3 TP.HCM.-
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận