Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp huy động đạt 174.000 tỉ đồng
Phát biểu tại hội thảo phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững, do tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức hôm 16-8, ông Hoàng Văn Thu - phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định.
Cụ thể, 7 tháng qua có 183 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với tổng giá trị huy động vốn đạt 174.000 tỉ đồng, tăng 2,78 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Qua số liệu này cho thấy thị trường trái phiếu riêng lẻ đã dần đi vào ổn định sau một loạt sự cố, các sai phạm diễn ra thời gian qua.
Thông tin thêm, ông Tô Trần Hòa - phó vụ trưởng Vụ phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) - cho biết trong 7 tháng qua, kỳ hạn phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ 4,2 năm với lãi suất phát hành là 6,63%/năm.
Về tỉ trọng phát hành theo lĩnh vực hoạt động thì các tổ chức tín dụng phát hành chiếm đa số với 69%, còn khối sản xuất chiếm rất khiêm tốn chỉ 0,47%.
"Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại. Điển hình là một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả nợ đúng hạn, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Những vụ việc doanh nghiệp vỡ nợ, chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư. Như giai đoạn vừa rồi, có một số doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền nên tình trạng chậm trả gốc và lãi trái phiếu vẫn xảy ra. Đến cuối năm 2023, có hơn 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị lên tới 83.600 tỉ đồng" - ông Hòa thông tin.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hòa, cơ cấu nhà đầu tư chưa đa dạng, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân đăng ký chiếm 99%, còn nhà đầu tư có tổ chức chiếm 0,27%. Song, có điểm tích cực là tỉ trọng mua của các nhà đầu tư tổ chức chiếm chủ yếu gồm các tổ chức tín dụng chiếm 56,5%.
Một điểm hạn chế nữa là năng lực của các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ chưa cao như có hiện tượng lách quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, mời chào nhà đầu tư chuyển tiền từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp... như vụ việc xảy ra ở Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Cần sớm thanh lý tài sản để đền bù cho nhà đầu tư
Để dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 25% GDP năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đã được Thủ tướng phê duyệt, ông Thu nhận định mục tiêu này không dễ dàng gì.
Giải pháp đặt ra, về phía cơ quan quản lý, ông Thu nhấn mạnh sẽ tiếp tục sửa đổi hoàn thiện khung pháp luật. Nguyên tắc sửa đổi chính sách là quản lý chặt chẽ thị trường phát triển bền vững nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Chứng khoán. Những nội dung cấp bách sẽ sửa đổi, trong đó có trái phiếu của khối doanh nghiệp đại chúng.
Mặt khác, tới đây sẽ đẩy mạnh việc xếp hạng tín nhiệm. Riêng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Ủy ban Chứng khoán đang hướng tới các nhà đầu tư là tổ chức để tăng cường tính chuyên nghiệp trên thị trường.
Về ngắn hạn, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế - đề nghị cần xử lý dứt điểm những vụ vi phạm phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua để đền bù cho nhà đầu tư trên cơ sở hợp lý, hợp pháp, hợp tình, hợp lệ. Như vậy, tài sản phải được thanh lý càng nhanh càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận