
Cận cảnh chiếc “thẻ vàng” nhập cư 5 triệu USD đầu tiên của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thông tin chỉ trong ngày 24-3, đã có tổng cộng 1.000 thị thực vàng (golden visa) được bán tại Mỹ và cho biết tổng cộng có 37 triệu người trên thế giới sẽ có khả năng xin được thị thực vàng tại Mỹ.
Giá gấp chục lần châu Âu
Hồi cuối tháng 2, ông Trump cho biết Mỹ sẽ phát hành một loại "thẻ vàng" trị giá 5 triệu USD để thay thế cho chương trình thị thực (visa) đầu tư nhập cư EB-5.
Theo đó chương trình này cho phép người nước ngoài trả một khoản phí 5 triệu USD để nhận được quyền cư trú hợp pháp và làm việc tại Mỹ, cùng với lộ trình tiềm năng để trở thành công dân Mỹ.
Ý tưởng này được xem như sự thay thế và cải tiến của chương trình EB-5, vốn yêu cầu đầu tư từ 800.000 - 1,05 triệu USD vào các dự án kinh tế tại Mỹ để nhận thẻ xanh.
"Nó sẽ cung cấp cho bạn các đặc quyền của thẻ xanh, cũng như mở ra cho bạn con đường trở thành công dân Mỹ và những người giàu có sẽ đến đất nước chúng ta bằng cách mua thẻ này", ông Trump tuyên bố và bày tỏ tin tưởng Mỹ có thể bán được 1 triệu "thẻ vàng".
Mặc dù khởi đầu đầy tham vọng nhưng mức giá cao ngất ngưởng 5 triệu USD của "thẻ vàng" Mỹ đang khiến các nhà đầu tư tiềm năng chuyển hướng sang các lựa chọn tại châu Âu.
Theo các trang thông tin chuyên về thị thực định cư, tính đến thời điểm hiện tại, sự quan tâm đến "thẻ vàng" của Mỹ đã bắt đầu giảm, nhường chỗ cho chương trình thị thực vàng đến từ châu Âu.
Các chương trình thị thực vàng của Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia châu Âu khác đang thu hút sự chú ý với các lộ trình tiết kiệm chi phí.
Chẳng hạn Malta trao cơ hội sinh sống và sở hữu bất động sản để đổi lấy khoản đầu tư tổng hợp tối thiểu là 738.000 euro (khoảng 800.000 USD). Ngoài ra ứng viên phải đáp ứng các tiêu chí cư trú và đóng góp vào quỹ phát triển quốc gia.
Trong khi đó ở Ý, chương trình thị thực vàng yêu cầu đầu tư tối thiểu 250.000 euro, với việc cung cấp quyền sống, làm việc và học tập mà không bị hạn chế. Các lựa chọn đầu tư bao gồm đầu tư vào trái phiếu chính phủ, cổ phiếu công ty hoặc các khoản đóng góp từ thiện.
Chương trình cư trú mới mà Hungary giới thiệu vào năm 2024 cung cấp quyền cư trú để đổi lấy khoản đầu tư khởi điểm từ 250.000 euro.
Theo trang web của Công ty Henley & Partners, Bồ Đào Nha cũng là quốc gia cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau thông qua chương trình cư trú vàng. Nước này yêu cầu đầu tư tối thiểu khoảng 250.000 euro. Chương trình này cấp quyền cư trú và cho phép đi lại khắp khu vực Schengen của châu Âu mà không cần thị thực.
Hy Lạp là quốc gia châu Âu phổ biến nhất với chương trình thị thực vàng. Các nhà đầu tư phải mua bất động sản có giá trị từ 250.000 tới 800.000 euro ở một số khu vực nổi tiếng nhất của đất nước.
Các nhà đầu tư sẽ đủ điều kiện để nộp đơn xin quốc tịch Hy Lạp sau bảy năm cư trú. Chỉ riêng năm ngoái Hy Lạp đã nhận được 9.289 đơn xin tham gia chương trình thị thực vàng, theo trang Schengen News.
Nhiều ý kiến e dè
Theo một báo cáo mới từ chuyên trang bất động sản Property Wire, nhu cầu tìm kiếm trực tuyến về "thẻ vàng" thị thực của ông Trump đã giảm nhanh chóng chỉ vài ngày sau khi thẻ này được giới thiệu.
Giám đốc phát triển kinh doanh và là người đứng đầu văn phòng Ashtons tại Cyprus, Denis Kravchenko, nói với Property Wire rằng mức giá 5 triệu USD "là quá xa vời". Vì lý do đó sẽ không nhiều người lựa chọn phương án này.
"Tổng thống Trump có thể phải đối mặt với nhiều thách thức vì vẫn còn nhiều quốc gia khác trên thế giới cung cấp các chương trình dễ tiếp cận hơn", ông Denis Kravchenko chia sẻ.
Hãng tin Reuters dẫn lời các cố vấn về nhập cư và tài sản cho biết "chương trình thị thực thẻ vàng trị giá 5 triệu USD của Tổng thống Trump khó có thể thu hút được dòng vốn đầu tư toàn cầu giàu có tìm kiếm quyền công dân Mỹ do lo ngại về mức thuế tại nước này đang cao hơn".
Ông Bassim Haidar, một cựu triệu phú không thường trú tại Anh, trả lời phỏng vấn với Reuters: "Việc xin thẻ xanh tại Mỹ nếu bạn đáp ứng một số tiêu chí nhất định là không khó. Trả 5 triệu USD để có thị thực vàng và bị đánh thuế thu nhập toàn cầu là mục đích không cần thiết".
Theo ông Kim Ji Sun - chủ tịch của Dae Yang Immigration Law Group tại Seoul: "Đây có thể là một chiến thuật đàm phán để tăng số tiền đầu tư vào Mỹ nhưng xét đến số tiền đó, tôi không nghĩ nhu cầu từ Hàn Quốc sẽ tăng".
Bà Grace Tang - tổng giám đốc điều hành của Phillip Private Equity có trụ sở tại Singapore (đơn vị giúp các văn phòng gia đình nộp đơn xin tham gia chương trình nhà đầu tư toàn cầu của Singapore) - cho biết "các quy định về thuế toàn cầu của Mỹ có thể là một yếu tố ngăn cản các nhà đầu tư đến nước này".
"Thẻ vàng" Mỹ có thu hút công dân Trung Quốc?
Bà Grace Tang cho biết "giấc mơ Mỹ" vẫn luôn thu hút nhiều người nhập cư tiềm năng từ châu Á và không thể phủ nhận trong tương lai sẽ có nhiều người Trung Quốc quen thuộc với chương trình EB-5 có thể lựa chọn nộp đơn cho chương trình thị thực mới của ông Trump.
Trái ngược với ý kiến của bà Grace, ông John Hu - người sáng lập Công ty tư vấn di trú John Hu có trụ sở tại Hong Kong - cho biết thị thực EB-5 chủ yếu thu hút cư dân Hong Kong và Trung Quốc sở hữu doanh nghiệp tại Mỹ hoặc muốn con cái du học tại Mỹ. Việc nâng ngưỡng đầu tư lên 5 triệu USD sẽ là "rào cản đối với nhiều công dân Trung Quốc hiện đang tham gia chương trình này".
"Tổng số người nộp đơn, nếu thị thực vàng thay thế EB-5, sẽ giảm đáng kể" - ông Hu khẳng định, đồng thời cho biết thêm "nghĩa vụ thuế toàn cầu luôn là mối quan tâm của những người giàu có".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận