Kỹ thuật viên Tuấn Anh thực hiện chụp X-quang khám sàng lọc bệnh lao trên xe lưu động với sự hỗ trợ của AI - Ảnh: HÀ QUÂN
Chiến dịch phát hiện chủ động ca bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng diễn ra tại 10 huyện thuộc 7 tỉnh thành gồm Thái Bình, Cần Thơ, Đồng Tháp, Nghệ An, Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang.
Chiến dịch phát hiện tích cực bệnh lao tại cộng đồng áp dụng chiến lược 2X bao gồm sử dụng X-quang ngực và xét nghiệm GeneXpert (phát hiện vi khuẩn lao hoặc lao kháng thuốc nhanh chóng) trong cộng đồng. Theo đó, người lớn được lấy mẫu đờm, trẻ em được lấy mẫu phân để làm xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán nhanh, chính xác và miễn phí.
Đây là hoạt động quan trọng trong công tác phối hợp giữa Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao (Tổ chức FHI 360) và Chương trình chống lao quốc gia.
Để hỗ trợ các y bác sĩ đọc phim X-quang, dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm cải thiện chất lượng khám sàng lọc và tăng tỉ lệ phát hiện bệnh lao.
Chẳng hạn, cán bộ chẩn đoán hình ảnh đôi khi bỏ sót tổn thương nhỏ hoặc bị che lấp bởi các cơ quan khác thì AI có thể hỗ trợ phát hiện và thông báo trên màn hình máy tính. Từ đó, số lượng ca bệnh bị sót giảm đáng kể. Dữ liệu sẽ được lưu trữ trên hệ thống phục vụ công tác tra cứu, hội chẩn sau này…
Một trường hợp X-quang bất thường nghi lao được AI hỗ trợ phát hiện - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo bác sĩ Bùi Huy Hưởng - phó giám đốc Bệnh viện Phổi Thái Bình, Việt Nam đứng thứ 10 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Tỉ lệ tử vong của bệnh lao chỉ đứng thứ hai trong các bệnh truyền nhiễm, sau COVID-19.
Các triệu chứng dễ nhận thấy nhất là ho, sốt, giảm cân. Khi có triệu chứng hoặc thuộc nhóm nguy cơ mắc lao cao, người dân cần tới cơ sở y tế gần nhất để khám sàng lọc phát hiện bệnh lao.
"Nhìn chung người dân còn lo ngại khi đi khám sàng lọc lao đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ngoài ra, có rất nhiều câu hỏi về bệnh lao như bệnh lao có di truyền không? Bệnh lao có chữa khỏi không?
Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng lao nào, bà con hãy đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao. Bệnh lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm", bác sĩ Hưởng nói.
Kỹ thuật viên thực hiện tiêm TST cho người tiếp xúc với ca bệnh lao. Sau 2 ngày, những người được tiêm đến trạm y tế để nhận kết quả, nếu dương tính với lao thì chỗ tiêm sẽ mẩn đỏ - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo thống kê sơ bộ của Dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao trong năm 2021, trên 10.000 người được xét nghiệm GeneXpert qua đó phát hiện hơn 1.700 ca bệnh lao; chụp khoảng 148.000 phim X-quang ngực và phát hiện hơn 10.000 phim X-quang bất thường nghi lao (chiếm 7,4% tổng số) tại 7 tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận