07/08/2011 04:03 GMT+7

Thi đại học nhiều môn: Nhiều ý kiến trái chiều

(LÊ THÀNH VINH)
(LÊ THÀNH VINH)

TT - Chỉ trong hai ngày sau khi Tuổi Trẻ đăng bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga “Sẽ thi ĐH nhiều môn”, đã có hơn 300 bạn đọc tham gia bàn luận về vấn đề này. Chúng tôi xin trích một số ý kiến.

QQjwmzFq.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh năm 2011 Ảnh: MINH ĐỨC

* Giải pháp “thi ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội” sẽ giải quyết triệt để những tồn tại lâu nay. Rõ ràng dù học ngành nào, làm việc trong lĩnh vực nào, một con người không thể thiếu kiến thức khoa học xã hội, thiếu khả năng viết hoặc thể hiện suy nghĩ, ý tưởng... Là những người làm việc trong ngành kỹ thuật, chúng tôi chờ mong chủ trương mà thứ trưởng vừa nêu sẽ được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất.

* Chủ trương như vậy rất hợp lý vì khi vào ĐH, dù sinh viên thi khối nào đi nữa cũng phải học những môn mang tính chất xã hội như lịch sử Đảng, kinh tế chính trị... Chủ trương sẽ tạo cho người học có bước khởi đầu thuận lợi hơn khi tiếp xúc với các môn xã hội. Bên cạnh đó, khi gộp chung như thế sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho thí sinh đi thi. Đặc biệt, trong thời đại kinh tế tri thức như hiện nay, bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có kiến thức xã hội rộng. Do đó, việc chuẩn bị ngay từ đầu vào những môn thi xã hội là điều rất hợp lý.

* Một học sinh có học ngành gì đi nữa cũng phải nghe - nói - đọc - viết tốt. Một bài toán cũng cần có lời giải cơ mà. Thêm vào đó, người VN không thể không có kiến thức về lịch sử của dân tộc, không thể không hiểu về địa lý của đất nước mình, đặc biệt khi đã hội nhập. Những môn xã hội là những môn giúp ta hoàn thiện nhân cách. Có kiến thức chuyên ngành là quan trọng nhưng cũng không thể coi nhẹ cách sống, cách đối nhân xử thế. Nhưng để làm được như vậy cũng cần coi lại nội dung chương trình học các môn xã hội cho phù hợp với thực tế.

* Với tư cách là một bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về GD-ĐT, Bộ GD-ĐT không nên “cầm cái”, không nên đứng ra tổ chức thi ĐH trong toàn quốc. Hãy trao quyền tổ chức thi ĐH cho các trường và quản lý việc tổ chức thi. Tùy mục tiêu đào tạo và việc tự khảo sát thị trường lao động, các trường sẽ tự quyết định định mức tuyển sinh, chất lượng tuyển sinh, số lượng tuyển sinh, đề thi, môn thi, điểm chuẩn như thế nào, thời gian thi lúc nào, thời lượng thi bao nhiêu... trong khuôn khổ quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

* Hiện nay mỗi khối thi chỉ có ba môn, thí sinh phải rất vất vả để học do lượng kiến thức rất nhiều. Nếu tăng thêm số môn thi ĐH nữa, liệu tình hình sẽ khá hơn hay lại trầm trọng thêm? Theo tôi, bộ nên cải tiến chương trình dạy và học ĐH hiện nay sát với thực tế để giúp sinh viên ra trường có thể áp dụng những gì mình học vào công việc là tốt nhất. Tôi thấy phần lớn các trường ĐH hiện nay ở VN sinh viên tốt nghiệp đều không thể bắt tay vào làm việc được ngay, trong đó có tôi.

* Theo tôi, các môn xã hội đã thi tốt nghiệp THPT là quá đủ để rèn luyện kỹ năng về xã hội rồi. Thi ĐH là chọn người phù hợp với ngành đào tạo, chứ không phải để kiểm tra kiến thức xã hội. Điều tốt nhất Bộ GD-ĐT nên làm là chấn chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nghiêm túc nhất (không để tình trạng gian lận trong thi cử). Khi đó thí sinh đậu tốt nghiệp THPT là đã có đủ kiến thức khoa học xã hội, đủ khả năng viết hoặc thể hiện suy nghĩ, ý tưởng cũng như căn bản về khoa học tự nhiên. Không nên che đậy chỗ yếu kém trong công tác quản lý thi cử bằng cách áp dụng giải pháp thiếu công bằng đối với người học.

* Tôi nghĩ không cần phải thêm môn thi nào vào nữa vì thi ba môn đã làm học sinh mệt nhoài, căng thẳng rồi. Nếu có thêm thì thêm môn tiếng Anh để học sinh vào ĐH ai cũng có một kiến thức tiếng Anh cơ bản vững vàng. Với xã hội bây giờ, hội nhập quốc tế rất cần ngoại ngữ.

Ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng sẽ thi ĐH nhiều môn, trong đó có một môn khoa học xã hội, nghe có vẻ hợp lý, giải quyết được tình trạng học sinh phổ thông thờ ơ với các môn khoa học xã hội. Nhưng theo tôi, cần xem lại mục tiêu muốn lựa chọn người như thế nào để vào học ĐH...

Rất có thể khi quy định phải thi thì học sinh phổ thông sẽ phải học kỹ hơn các môn khoa học xã hội, nhưng tôi băn khoăn rằng liệu một kỳ thi có làm học sinh có thêm kiến thức hay các em chỉ học để đối phó?

Thời của chúng tôi, thi ĐH vào ngành khoa học tự nhiên, tuy không thi môn khoa học xã hội nào nhưng nhiều người vẫn có sự hiểu biết về văn học, sử học... một cách sâu sắc. Đơn giản bởi kiến thức khoa học xã hội không chỉ thu nạp từ phía nhà trường mà cả từ phía báo chí, đời sống...

Vấn đề ở đây là cần có một cuộc nghiên cứu bài bản, sâu xa và toàn diện về tình trạng học sinh phổ thông không thích các môn khoa học xã hội. Khi đã tìm được gốc rễ của vấn đề thì lúc ấy chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp thấu đáo. Chứ giải pháp hiện nay có lẽ chỉ là tình thế, không chừng lại gây thêm sự rườm rà cho kỳ thi tuyển sinh ĐH vốn đã quá phức tạp như hiện nay.

(LÊ THÀNH VINH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên