Tuy nhiên, với những bậc cao niên thì chuyện qua dòng trường giang ngày xưa không chỉ lãng mạn mà còn vất vả, thậm chí đôi khi có phần nguy hiểm.
Và từ cuối thế kỷ 19, bác sĩ người Pháp J.C. Baurac khi về Vĩnh Long đã kể dòng sông hùng vĩ đổ ra biển, nước chảy tràn bờ vào mùa mưa mà việc qua sông không hề dễ dàng.
Những chuyến phà xưa
Những năm cuối cùng của thế kỷ 20, trên đường rong ruổi tác nghiệp ở miền đất phương Nam, tôi cũng hay về miệt Trà Vinh nhưng thường đi lộ chính qua phà Mỹ Thuận để sang thành phố Vĩnh Long rồi quẹo xuống Trà Vinh.
Tuyến đường xe dài dặc thêm 70 cây số nếu so với đường qua cầu Rạch Miễu theo quốc lộ 60 để sang cầu Cổ Chiên bắc vào đất Trà Vinh hiện nay. Tôi nhớ thuở ấy mình vài lần đã nghe lời người dân địa phương thử đi chuyến đò ngang từ Trà Vinh qua sông Cổ Chiên để sang đất Bến Tre ngược về Sài Gòn.
Có lẽ gọi là đò không đúng mà gọi phà cũng không chuẩn vì nó chỉ là chiếc ghe gỗ cũ kỹ được cải tạo để có thể chở được mươi chiếc xe máy và ít người dân qua sông.
Tháng chín âm lịch, mùa nước nổi tràn đồng, dòng Cổ Chiên cuồn cuộn tuôn ra biển, con đò nhỏ như chiếc lá dập dờn trên sóng nước.
Chiều đó lại mưa gió lớn, chiếc đò chao đảo. Tôi không dám nói ra nhưng cứ nhìn ông già đang điều khiển cái máy chạy đò cũ mèm mà thầm nghĩ nếu xui xẻo hư máy lúc này thì không biết gần hai chục con người sẽ ra sao?
Sông nước bình thường rất thơ mộng, nhưng khi trở con sóng gió thì vô cùng bất trắc. Cuối cùng, chiếc đò qua được bờ Bến Tre trong tiếng thở ra nhẹ nhõm của nhiều người.
Từng ngược xuôi nhiều trường giang miền Tây nhưng tôi vẫn thích sông Cổ Chiên - một nhánh chính phía nam của dòng Tiền giang, chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh với chiều dài khoảng 82km trước khi đổ ra biển ở hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.
Nằm giữa hai cửa này là cù lao Thủ rộng mênh mông cùng nhiều cồn bãi lớn nhỏ trải dài suốt dòng sông, nên luồng lạch Cổ Chiên nhiều đoạn hiền hòa nhưng nhiều chỗ lại rất hung hiểm với các vũng xoáy khó lường cho tàu bè.
Ngoài khoa học thủy văn, có nhiều truyền thuyết kỳ dị về dòng sông này. Trong cuốn Vĩnh Long xưa và nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh viết thuở xa xưa dân chài trên sông thường bị ám ảnh bởi những hình bóng mờ mịt như hồn ma bóng quế.
Khi được lập đàn cúng tế, ngư dân không còn bị quấy phá nữa, nhưng vào những đêm mưa gió lớn vẫn có tiếng chiêng trống vọng lên kỳ dị trên sông.
Từ đó, ông Huỳnh Minh cho rằng người dân xưa gọi tên sông là Cổ Chiêng, chứ không phải là Cổ Chiên, mà chính ông cũng không giải thích được vì sao rồi Chiêng lại thành Chiên.
Riêng những chuyện kỳ dị ở Cổ Chiên thì còn rất nhiều, như các bậc cao niên kể lời ông bà xưa rằng họ từng lặn xuống đáy sông vào lúc nước ròng (nước cạn) và tìm thấy các hang hốc là nơi ẩn trú của các loài thủy quái khổng lồ.
Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng dân cố cựu miệt này và cả dân đi tàu bè các nơi đã từng chinh phục dòng Cổ Chiên từ xa xưa. Cuối thế kỷ 19, bác sĩ thuộc địa hạng nhất người Pháp J.C. Baurac khi về Vĩnh Long đã kể có nhiều chuyến tàu khách cặp bến sông xứ này.
Còn tác giả Huỳnh Minh cũng kể thời mình (khoảng giữa thế kỷ 20), "đường hàng tỉnh 27 từ Vĩnh Long đến Chợ Lách có một chuyến đò ngang sông Cổ Chiên".
Trong lịch sử, phà qua sông Cổ Chiên đã có từ lâu. Nhưng người dân miệt dưới này nếu không đi tàu mất nhiều thời gian thì vẫn chọn đường bộ qua Vĩnh Long, phà Mỹ Thuận rồi ngược Công lộ 4 (quốc lộ 1 ngày nay) để lên Sài Gòn...
Những năm đầu thế kỷ 21, một bến phà lớn được nâng cấp nối đôi bờ Cổ Chiên giúp người dân từ miệt trên về Trà Vinh theo quốc lộ 60 qua Bến Tre rút ngắn được hơn 70km.
Người trẻ bây giờ qua sông bằng cầu Cổ Chiên lộng gió khó hình dung được những chuyến phà xưa, nhưng lứa chứng nhân như tôi đã rất vui mừng khi được là các lữ khách đầu tiên thông phà này.
Từ 1h sáng, chúng tôi đã tranh thủ rời Sài Gòn để kịp đến bến bắc phà Cổ Chiên trên địa phận huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) lúc mặt trời lên.
Rất nhiều người già, trẻ háo hức được lên chuyến phà lớn 100 tấn (sau này là 200 tấn) và chưa đầy 15 phút đã nhẹ nhàng vượt đoạn sông rộng gần 3km để sang bến bờ Nam ở huyện Càng Long (Trà Vinh).
Đi trên chuyến phà lớn chạy nhanh và êm ru, mặc sóng to gió lớn, tôi cứ nhớ lại mới vài năm trước đã vượt sông bằng chuyến đò ngang của người dân trong sự phập phồng, bất an.
Ngày nay, phà Cổ Chiên đã kết thúc sứ mệnh để nhường chỗ cho cây cầu mới xây đẹp đẽ, tiện lợi và nhanh chóng hơn nhiều. Nhưng ở thượng nguồn Cổ Chiên vẫn còn phà Đình Khao ngày ngày đưa khách nối đôi bờ Vĩnh Long - Bến Tre.
Dù đã có nhiều tuyến đường bộ để đi, nhiều hành khách vẫn chọn qua sông trên tuyến phà này, trong đó có những lữ khách độc hành như tôi thích sống lại cảm giác xưa cũ, đặc biệt là con đường đẹp từ bờ sông trải qua các nhà vườn hoa quả xanh tươi.
Mai này, một cây cầu bê tông mới sẽ thay cho tuyến phà Đình Khao, nhưng có lẽ tôi sẽ nhớ mãi những chiều mưa đợi phà nơi này và nhớ cả tiếng còi phà rúc lên trên sóng nước Cổ Chiên...
Nhịp cầu nối đôi bờ Cổ Chiên
Ngược dòng thời gian, bến phà Cổ Chiên ở đoạn hạ nguồn Bến Tre - Trà Vinh cũng đã kết thúc sứ mệnh nối liền đôi bờ của mình vào giữa thập niên thứ hai của thế kỷ 21.
Là lữ khách từng dập dềnh trên chuyến đò nhỏ vượt dòng Cổ Chiên trong chiều gió mưa đầy bất trắc, rồi tới ngày được ngồi an toàn trên chiếc phà thép khổng lồ 100 - 200 tấn, tôi lại tiếp tục may mắn được là chứng nhân thông cầu Cổ Chiên vào ngày lịch sử 16-5-2015.
Sau 4 năm xây dựng, cây cầu dài 1,6km và rộng 16m với 4 làn xe đã chính thức cho người xe qua lại tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn nhiều.
Buổi sáng ấy, trời rực nắng làm mặt nước đục màu phù sa trên sông Cổ Chiên như ánh hồng lên. Tôi đứng trên cây cầu, lại hướng mắt nhìn về bến phà cách đó 3km mà thầm nghĩ những người tài công, thợ máy, trật tự trên con phà xưa sẽ đi đâu về đâu.
Cũng như suốt 4 năm trước, mỗi lần qua phà, tôi lại cố ngoái nhìn về hướng cầu đang xây dựng mà trông dần lên nhịp hình hài nối liền đôi bờ.
Cầu thông rồi, phà hết sứ mệnh, nhưng có lẽ nhiều người như tôi vẫn còn hoài nhớ về những chuyến phà ngược xuôi bờ bắc - nam Cổ Chiên, nhớ những chiều mưa gió tạt lạnh phải thu mình co ro trên phà và nhớ cả những hôm được mời ăn tô cháo cá sông Cổ Chiên ở quán nhỏ gần bến phà.
Cô chủ quán đậm nét trẻ đẹp của con gái miền Tây chất phác nói: "Anh ăn cháo cá này hổng đâu ngon bằng quán em nghen. Cá ăn phù sa sông Cổ Chiên mà tía em mới lưới được". Tôi cười cảm ơn cô chủ quán, ăn tô cháo cá Cổ Chiên và uống ly rượu đế Xuân Thạnh (Trà Vinh) mà chợt nhớ bài hát Chiều về trên sông của Phạm Duy:
"Chiều buông trên dòng sông Cửu Long,
như một cơn ước mong xa vời...
Chiều buông trên dòng sông cuốn mau,
Thương đời thương lẫn nhau, trong chiều...".
Dòng Cổ Chiên vẫn miệt mài nối nguồn Cửu Long trôi chảy về biển khơi, nhưng những cố nhân năm nào giờ đã xa vắng rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận