05/09/2023 11:46 GMT+7

Cổ Chiên: Tên lạ của trường giang

Cổ Chiên, dòng trường giang rộng lớn và dài hơn 80km, là chi lưu sông Tiền đổ ra Biển Đông. Hơn ba trăm năm qua theo dòng lưu dân xuôi về miệt đất phương Nam, xóm ấp cũng dần mọc lên sầm uất đôi bờ cùng bao câu chuyện ẩn mờ trong sương khói lịch sử.

Đoạn sông Cổ Chiên qua TP Vĩnh Long trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Đoạn sông Cổ Chiên qua TP Vĩnh Long trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Chiều tháng 8, mưa giăng mờ sóng nước. Ở ngã ba sông mênh mông gần cầu Mỹ Thuận, ông lái đò Hai Phong rổn rảng cho biết đây là nơi hội tụ giữa dòng Tiền giang và Cổ Chiên trước khi con sông mang cái tên kỳ lạ này xuôi ra biển.

Cổ Chiêng hay Cổ Chiên?

"Lâu nay anh có nghe ai nói con sông này tên là Cổ Chiêng, có thêm chữ g thay vì Cổ Chiên không có chữ g hay không?", tôi hỏi Phong.

Ông lái đò ngớ người rồi cười: "Thú thiệt, tui cũng hổng để ý, nhỏ giờ cứ nghe các bậc lớn tuổi gọi sông Cổ Chiêng thì gọi theo, có viết ra đâu mà biết tên sông có chữ g hay không. Còn giọng dân miền Tây rặt như tụi tui thì nói miệng chiên nào cũng thành chiêng hết".

Ở huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nơi dòng sông chảy qua, ông Nguyễn Văn Út, ngư dân hơn 40 năm làm chài lưới, cho biết mình và bạn bè làm nghề hạ bạc không để ý chuyện tên sông Cổ Chiên có chữ g hay không.

Tuy nhiên, ông Út nói trước đây có nghe ông bà xưa kể tên sông xuất phát từ truyền thuyết liên quan chúa Nguyễn Ánh. Quanh năm ông Út chỉ biết tìm bắt tôm cá trên sông nên không có thời gian tìm hiểu thực hư.

Sông Cổ Chiên là dòng sông lớn, xuất phát từ sông Tiền ở TP Vĩnh Long, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, đổ ra Biển Đông bằng hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.

Sông là ranh giới tự nhiên của các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh, đồng thời là nguồn cung cấp phù sa và nước ngọt cho các địa phương này.

Anh Nguyễn Hùng Hậu, người dân kỳ cựu ở Vĩnh Long, cho biết có nghe người ta nói tên con sông là Cổ Chiêng. "Nhưng lâu nay trên các văn bản giấy tờ và bản đồ địa lý, tên sông vẫn được ghi là Cổ Chiên, nên mọi người cứ vậy mà gọi", anh Hậu nói.

Cùng quan điểm với anh Hậu, ông Nguyễn San (cựu phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, một nhà giáo) cho biết từ nhỏ ông đã thấy người ta viết là sông Cổ Chiên, nhưng vẫn có người nói phải viết là Cổ Chiêng.

"Nếu theo truyền thuyết ông bà kể lại, tên sông liên quan đến chiếc trống, chiêng thời xưa (âm Hán - Việt gọi là chinh - NV) nên có thể viết là Cổ Chiêng. Còn tại sao viết Cổ Chiên mà không có chữ g thì tôi chưa tìm hiểu rõ ý nghĩa.

Từ trước đến nay tôi cũng chưa thấy ai đề nghị làm rõ chuyện này để biết chính xác tên con sông là Cổ Chiêng hay Cổ Chiên", ông San cho biết.

Vĩnh Long bên bờ sông Cổ Chiên đã phát triển sầm uất từ trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Vĩnh Long bên bờ sông Cổ Chiên đã phát triển sầm uất từ trước năm 1975 - Ảnh tư liệu

Những truyền thuyết thú vị

Có hai truyền thuyết về tên sông mà anh Hùng Hậu và ông San đề cập lâu nay được lưu truyền ở vùng Vĩnh Long và Bến Tre, nơi con sông chảy qua.

Người xưa kể trong một lần bị quân Tây Sơn truy đuổi sau khi thua trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, thuyền chúa Nguyễn đến một dòng sông rộng thì thình lình dông gió nổi lên dữ dội, mây đen kịt đầy trời.

Quan quân chúa Nguyễn Ánh thất kinh hồn vía, ra sức chèo chống cho thuyền vào bờ tránh nạn, nhưng chẳng may dây cột buồm và dây cột bánh lái bị đứt khiến thuyền chúa Nguyễn mất phương hướng, xoay vòng vòng giữa sóng nước.

Quan quân sợ hãi đã làm rớt những chiếc chiêng lệnh, trống lệnh xuống sông. Sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi đã cho đặt tên sông nơi quan quân làm rơi chiêng lệnh, trống lệnh xuống nước là sông "Cổ Chiêng" để ghi nhớ sự việc này.

Theo người xưa, hiện nay nhiều địa phương của miền Tây Nam Bộ như Long An, Bến Tre, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… vẫn còn những địa danh liên quan dấu tích bước đường bôn tẩu của vị vua sáng lập nhà Nguyễn lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi.

Tranh vẽ pháo hạm Pháp từ sông tấn công thành Vĩnh Long năm 1867

Tranh vẽ pháo hạm Pháp từ sông tấn công thành Vĩnh Long năm 1867

Trong khi đó, trong tác phẩm biên khảo Vĩnh Long xưa và nay, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh nêu một truyền thuyết khác về tên con sông này.

Thuở xưa, cả đêm lẫn ngày những người hành nghề chài lưới trên sông thường bị những hình bóng mờ mịt hiện lên hù dọa, phá quấy. Sau một thời gian mọi người thành tâm lập đàn cúng tế thì ngư dân không còn bị những hồn ma bóng quế quấy phá. Tuy nhiên vào những đêm mưa dông, sóng to gió lớn, cư dân sinh sống hai bên bờ thường nghe tiếng chiêng trống vang vọng trên sông.

Riêng tác giả Lý Đăng Thạnh trong quyển Lịch sử Đông Dương - Nước Việt thời Nam - Bắc phân tranh (tập 7, xuất bản năm 1994) cho rằng tên sông Cổ Chiên xuất phát từ tên gọi sông Koh Chin của xứ Thủy Chân Lạp xưa, đổ ra Biển Đông ở cửa Koh Chin (nay là cửa Cổ Chiên).

Theo tác giả, vào thế kỷ thứ XV có thể các nhà thám hiểm châu Âu khi đặt chân đến vùng đất này giao thương đã lấy tên cửa sông Koh Chin và tên sông Koh Chin để đặt tên cho cả vùng đất.

Theo tác giả Lý Đăng Thạnh, cuối thế kỷ XVII khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh dẫn quân thu phục vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì lúc đó triều đình Đàng Trong đã gọi sông Koh Chin là Cổ Chiên giang, và cửa sông là Cổ Chiên môn.

Tác giả còn cho biết một số bản đồ cổ của phương Tây in vào thế kỷ XVIII - XIX còn đọc Koh Chin bằng các âm khác như Kho Cin, Co Cin, Coghien.

Như vậy, nếu căn cứ vào các giả thuyết của tác giả Lý Đăng Thạnh thì tên sông Cổ Chiên có nguồn gốc không hề liên quan gì đến chuyện chúa Nguyễn Ánh "rớt trống, rớt chiêng" như truyền thuyết ông bà xưa kể lại.

Theo ông Nguyễn San, tên sông Cổ Chiên đã được mọi người sử dụng trong một thời gian rất dài, trên các văn bản giấy tờ và cả trên bản đồ, nên đã trở nên mặc định.

Nếu muốn xác định tên Cổ Chiên đúng hay Cổ Chiêng là chính xác thì cần có thời gian và các sử liệu khoa học thuyết phục.

"Việc này cần có thời gian, công sức, nhân lực để thực hiện công tác sưu tầm, khảo cứu lịch sử. Nhưng dù là Cổ Chiêng hay Cổ Chiên, với người dân Vĩnh Long từ xưa dòng sông đã gắn liền lịch sử hình thành, phát triển vùng đất Long Hồ dinh nổi tiếng của Tây Nam Bộ", ông San tâm sự.

Trong cuốn Nam Kỳ và cư dân, tác giả người Pháp J.C. Baurac, một bác sĩ thuộc địa hạng nhất, từng đến vùng đất này từ cuối thế kỷ XIX đã dành hẳn nhiều trang viết về hạt Vĩnh Long và nhắc đến sông Cổ Chiên.

Vị bác sĩ này kể trên sông Cổ Chiên có các cù lao Dưa, cù lao Phú Đa và cù lao Dài... Nhờ phù sa, nông nghiệp phát triển, lúa gạo được canh tác quy mô lớn, cây chuối trồng bạt ngàn. Ông cũng kể dễ dàng bắt gặp cá sấu trong các kênh rạch và có rất nhiều loài rắn. Năm 1980, một thợ bắt rắn An Nam đã bắt cho ông cả chục con rắn hổ mang bành cực lớn trên cù lao Dưa, sông Cổ Chiên.

-----------------

Ở giao lộ đường 19-8 và Hoàng Thái Hiếu (TP Vĩnh Long) có một gò đất với cây da cổ cao lớn sum sê tỏa bóng mát, bên cạnh là cổng thành với tấm biển "Di tích cửa Hữu thành Long Hồ".

Kỳ tới: Dấu xưa Long Hồ dinh bên bờ Cổ Chiên

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 2: Cồn Cá Hô trên dòng Cổ ChiênCồn bãi sông Mekong - Kỳ 2: Cồn Cá Hô trên dòng Cổ Chiên

Ngoài cái tên cồn Cá Hô, chắc cũng đã hai, ba thế hệ rồi, dân xứ này đi đâu cũng hay được người ta hỏi về loài cá vua trên sông Mekong còn tụ về đây không, nhưng người biết về nó càng ít dần...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên