16/02/2023 10:32 GMT+7

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 2: Cồn Cá Hô trên dòng Cổ Chiên

Ngoài cái tên cồn Cá Hô, chắc cũng đã hai, ba thế hệ rồi, dân xứ này đi đâu cũng hay được người ta hỏi về loài cá vua trên sông Mekong còn tụ về đây không, nhưng người biết về nó càng ít dần...

Cồn Cá Hô nằm giữa sông Cổ Chiên, nơi giáp nước giữa 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Cồn Cá Hô nằm giữa sông Cổ Chiên, nơi giáp nước giữa 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Niềm vui đơn sơ ở xứ "5 không"

Gần đây, về Trà Vinh, người ta truyền tai nhau về "một phát hiện mới". Đó là một chiếc cồn nằm giữa sông Cổ Chiên, nơi người dân còn trong cuộc sống "5 không" (không điện, đường, trường, trạm, nước sạch). Một thế giới đơn sơ và hạnh phúc với những phụ nữ khéo tay và đàn ông vui tánh.

Chiếc tắc ráng sơn màu vàng từ bên kia bờ băng dòng Cổ Chiên đón khách lạ. Người đàn ông cầm vô lăng, chẳng màng hỏi khách từ đâu tới, nhưng chẳng ai khó chịu về sự tỉnh rụi của ông.

Nhiều năm nay, chiếc tàu vui mắt làm nhiệm vụ kết nối Cồn Cá Hô với thế giới bên ngoài. Người lái đò tên Ba Phi vẫn bỏ qua màn chào hỏi, như thể khách đã là chỗ quen biết tự hồi nào.

Ba Phi có căn nhà nhỏ dưới rặng bần, nơi ông sẵn sàng ôm gối mền lên ngủ với vợ, nếu có khách khoái chí muốn mượn chỗ của ông để qua đêm. Ông cũng tự nhiên dặn khách khi nào có về thì gọi điện thoại, chứ ông mắc qua "giao lưu xị mốt xị hai" với mấy ông hàng xóm.

Bù lại nết kiệm lời của Ba Phi, vợ ông lại vui tánh, chu đáo từ giao tiếp đến món ăn cây nhà lá vườn mà bà nấu từ chiếc lò củi mang ra mời khách.

Là người sinh ra trên đất cồn, ký ức về cồn đất thân quen này được bà gói thành combo đãi khách mỗi khi có ai hỏi chuyện xứ cồn Cá Hô.

Hồi đó, dân sông nước hay lấy tên cây, tên con cá gì dễ nhớ để đặt địa danh như rạch Bàng, rạch Bần, xẻo Rô... Nơi nhiều cá hô thì phe lưới rê tụi tui gọi riết thành danh cồn Cá Hô.

Ông Tư Tẩu

"Hồi đó, tui nghe ba nói cồn này thuộc sở hữu của bà Cả. Có lẽ bà là tín đồ của đạo Cao Đài, đã cắt đất cho các hộ dân theo đạo về đây định cư. Mỗi hộ dân chịu ra cồn đất mới này sinh sống đều được cho 15 công đất. Cồn nhỏ vậy chứ cũng chứa được mười mấy gia đình an cư lạc nghiệp", bà Ba Phi kể lại.

Cồn Cá Hô nằm giữa sông Cổ Chiên (thuộc xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, Trà Vinh). Nhưng nếu tính theo vùng nước ghe xuồng quen tuyến, thì cồn lại nằm gần cả... ba tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Bến Tre.

Một cán bộ xã Đức Mỹ nói trước kia cồn thuộc quản lý của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Hơn ba thập niên trước, sau thời gian dài "tranh luận", cồn được chuyển sang xã Mỹ Đức.

Khi nhắc địa danh "Cá Hô", những người lâu năm ở đây đều có một câu chuyện chung là "ngày trước đoạn sông này có nhiều cá hô". Suốt dọc theo Mekong và những nhánh sông lưu vực, loài cá được mệnh danh là "cá vua" thường xuất hiện ở khu vực nước xoáy, tạo nên những hố sâu dưới đáy sông.

"Vùng nước sâu, xoáy ở đầu cồn là khu vực của cá hô. Dân cồn nói cá hô là loài sinh sống tập trung. Giống như khu vực Vàm Nao trên sông Hậu (An Giang), vùng cá hô sinh sống ở sông Cổ Chiên cũng là nơi thu hút rất nhiều loại tôm, cá đến quần tụ nên là địa bàn mưu sinh của ngư dân gần xa", lão ngư tên Tư Tẩu nhớ lại những tháng ngày xuôi ngược trên dòng Cổ Chiên.

Ông Ba Phi, cựu dân cồn bãi này giờ lại đang lo sạt lở - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Ông Ba Phi, cựu dân cồn bãi này giờ lại đang lo sạt lở - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Ra đi, trở về

Bà Ba Phi kể thêm gọi là cồn Cá Hô, nhưng đoạn sông này tôm càng nhiều không kể xiết. "Tui không phải kể chuyện của bác Ba Phi dưới Cà Mau đâu.

Ba Phi ở cồn Cá Hô kể chuyện thiệt tình. Hồi đó, ngay ruộng nhà tui nè, mỗi khi tháo nước ra sông là tôm càng quơ râu đặc nước. Mình chỉ cần chừa 5 tấc nước để bắt tôm. Mỗi lần xổ nước, tôm nhiều đến mức ghe 50 giạ chở khẳm luôn".

Thời điểm đó, chuyện dân cồn Cá Hô trúng tôm càng được đồn khắp nơi. Không ngờ rằng nguồn lợi lớn từ tôm càng khiến sinh kế của họ bị dòm ngó. Đó là những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người lạ đến cồn hỏi mua đất.

Nhưng ban đầu, họ đi từ đầu cồn đến cuối cồn cũng chẳng gặp được ai gật đầu. Thế nhưng rồi thời gian, cựu dân xứ cồn lại phải qua những ngày đau đáu khi bãi đất của mình bỗng một ngày không còn là của mình.

Cựu dân xứ cồn phải rời khỏi mảnh đất thân quen, lay lắt làm nghề khác mưu sinh để nhường đất cho một "dự án nông nghiệp" khác. Cồn Cá Hô cũng được đưa cơ giới vào đào ao, lên liếp để nuôi tôm càng.

Những tưởng với việc cải tạo đưa nước vào thả tôm, những chủ mới sẽ thu hoạch được nhiều tôm càng hơn. Vậy mà, không hiểu vì đâu tôm càng đã vắng mất. Những người mới tới hầu như không kiếm được gì trên bãi cồn. Về những hộ dân cồn Cá Hô bị buộc rời nơi sinh sống, vẫn đi gõ cửa cầu cứu khắp nơi.

Phía kia, sau mấy vụ tôm trắng tay, những người mới tới cũng nản, không thiết tha giữ đất cồn nữa. Cồn Cá Hô được giải quyết trả lại cho những hộ dân khai phá.

Bà Ba Phi nói khi gia đình họ trở lại mảnh đất thân yêu, thì cồn bãi đã không còn như trước nữa, không thể trồng lúa, cũng không còn tôm càng. Tình thế buộc họ phải trồng cây ăn trái và làm đủ nghề để mưu sinh.

Nhưng cũng từ khó khăn, nhiều hộ dân cồn mới làm bánh, mứt, chè đi bán khắp nơi rồi nổi tiếng xa gần. "Cái cồn biệt lập vậy chứ lại có nhiều nhà nổi tiếng làm bánh, mứt, nấu chè ngon trứ danh", chị Loan, nổi tiếng với nghề làm mứt bưởi, hãnh diện về độ khéo léo của dân vườn xứ cồn.

Chị nói tỉnh cũng quan tâm, nên những dịp hội chợ, triển lãm cũng cho dân cồn Cá Hô một chỗ để bán đặc sản cồn.

Cuộc sống đơn sơ, bếp củi, nồi đất, đèn dầu trên cồn lại được nhiều du khách thời nay mê mẩn Ảnh TIẾN TRÌNH

Cuộc sống đơn sơ, bếp củi, nồi đất, đèn dầu trên cồn lại được nhiều du khách thời nay mê mẩn Ảnh TIẾN TRÌNH

Vài năm sau, khi vườn cây bắt đầu cho trái, cồn Cá Hô khoác lên mình một diện mạo mới. Xứ sở của trái cây và bánh trái. Những gia đình như Ba Khải, Hai Trãi, Tư Lập... thành địa chỉ bánh trái quen thuộc.

"Dân cồn còn thắp đèn dầu. Vậy mà mèn ơi, dân thành phố họ cũng tìm về đây để ngủ đèn dầu cho biết", chị Loan kể. Dân xứ cồn vui tánh, hiếu khách vẫn nấu nướng mời khách như thường ngày. Nhiều khách đến quá, nơi họ ở có khi lại đông như điểm du lịch.

Ông Lê Văn Song, phó chủ tịch UBND xã Đức Mỹ, nói với những gì sẵn có, dân cồn Cá Hô đang làm du lịch cộng đồng với "sản phẩm tự túc". Địa phương đã và đang tiếp sức cho dân cồn để "viên ngọc thô trên sông Cổ Chiên được gần xa biết tới".

Tuy nhiên, vị lãnh đạo xã cũng trầm ngâm: "Nỗi lo của chúng tôi cũng như dân cồn là nạn sạt lở. Hồi đó cồn bị lấy, mình đi tìm nơi cứu giúp. Nhưng nay, dân cồn lại một lần nữa đứng trước nguy cơ bị ra đi khỏi nơi ở quen thuộc của mình. Có mấy nhà bị bứng đi rồi".

Thực tế, nhiều hộ dân cồn Cá Hô không ngơi nỗi lo mất đất. Diện tích cồn hồi trước gần 30ha, hay còn trên dưới 25ha, 5ha đã bị sông nuốt.

Nhiều hộ rơi vào cảnh bị sạt lở, mất nhà, mất đất. Hôm chúng tôi ghé nhà Ba Khải, hộ đang nổi tiếng làm mứt ngon. Gia đình cho hay đất của họ ở đầu cồn đã bị trôi xuống sông. "Hồi đó bị người chiếm đất mình còn nhờ pháp luật giải quyết. Giờ bị sông chiếm biết nhờ ai?".

Nhiều người cho rằng cồn Cá Hô bị sạt lở, nguy cơ mất cồn là do phe hút cát trái phép. Sông bị mất đi lượng cát lớn, nên đã "ngoạm" đất cồn để bù lại. Nghĩ vậy, nhiều gia đình đã thay nhau thức canh cát tặc, báo cho lực lượng chức năng xử lý. Dân xứ cồn lại những đêm thức trắng trong cuộc chiến bảo vệ đất, giữ gìn cuộc sống yên bình.

Giữa vàm sông Cần Thơ đổ ra sông Hậu, lù lù mọc lên một mảng xanh. Chiếc cồn như chuyện cổ tích ngay trước bến Ninh Kiều thơ mộng.

Cồn bãi sông Mekong - Kỳ 1: Cù lao Cá Lóc bảy nổi ba chìmCồn bãi sông Mekong - Kỳ 1: Cù lao Cá Lóc bảy nổi ba chìm

Phù sa bồi đắp dòng Mekong làm "sinh sôi" nhiều cồn, bãi. Đất mở và bước chân người tìm đến. Những ngôi nhà nhỏ, những xóm làng nhỏ là cả những thế giới nhỏ giữa các dòng sông mà không phải ai cũng biết với bao chuyện vừa gần gũi vừa lạ lẫm, thú vị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên