07/09/2023 11:06 GMT+7

Theo dòng Cổ Chiên - Kỳ 3: Ngậm ngùi 'vương quốc đỏ' bên dòng phù sa

Buổi sáng trên tỉnh lộ 902 chạy cặp bờ sông Cổ Chiên từ huyện Long Hồ xuống huyện Mang Thít (Vĩnh Long), người xe tấp nập.

Một góc “vương quốc đỏ” Vĩnh Long bên bờ sông - Ảnh HÙNG ANH

Một góc “vương quốc đỏ” Vĩnh Long bên bờ sông - Ảnh HÙNG ANH

Tỉnh lộ 902 cặp bờ sông Cổ Chiên - con lộ dài hàng chục cây số đi qua nhiều xã, bên đường những miệng lò nung như những cây nấm khổng lồ bằng gạch đỏ vươn lên trời cao nhưng không còn hoạt động.

Nhờ dòng Cổ Chiên bồi đắp, Vĩnh Long có đất sét rất tốt, phù hợp làm đồ gốm độc đáo. Hy vọng làng nghề xuất khẩu này sẽ phục hồi.

Ông LÊ VĂN MÔN

Một thời vàng son

Ông Bé Ba (Lê Văn Môn, sinh năm 1960, chủ lò gốm ở xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) buồn buồn nói: "Lúc sung túc, từ Long Hồ xuống Mang Thít có hàng ngàn miệng lò của hơn 2.000 nghiệp chủ ngày đêm đỏ lửa. Nhưng mấy năm nay chỉ còn hơn 100 lò với khoảng 50 chủ đang hoạt động cầm chừng bên dòng phù sa Cổ Chiên".

Ông Bé Ba kể làng gạch gốm Vĩnh Long đã có tuổi đời hơn trăm năm, nhưng đến giờ thì không còn ai nhớ chính xác làng nghề hình thành năm nào.

Trong sách Vĩnh Long xưa và nay xuất bản năm 1967, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh chỉ ghi nhận đất Vĩnh Long có 40 lò gạch, nhưng không nói rõ những lò gạch này nơi đâu. Theo ông Bé Ba, từ khi ông hiểu biết thì đã thấy làng lò nung Vĩnh Long chuyên sản xuất gạch tàu lót nền, gạch thẻ và gạch ống dùng trong xây dựng, ngói đại và ngói móc để lợp nhà.

"Hồi xưa chưa có gạch bông, gạch men lót nền, dân miệt vườn miệt ruộng khoái lợp nhà bằng ngói cho mát chứ ít chịu lợp bằng tôn thiếc vì nóng nực, nên các chủ lò gạch sống khỏe. Lúc đó làng nghề có tên gạch ngói Cổ Chiên, sau này người ta quen miệng gọi làng gạch ngói Vĩnh Long", ông Bé Ba tâm sự.

Theo ông Bé Ba, hồi đó một miệng lò nung gạch có công suất tối thiểu 100.000 viên/mẻ được xây dựng với kinh phí khoảng 10 cây vàng. Mỗi mẻ nung gạch, ngói trong vòng một tháng, tính từ lúc xếp gạch nguyên liệu vào lò đến khi xuất thành phẩm khỏi lò. Sau khi ra sản phẩm, trừ hết mọi chi phí, chủ lò còn lãi ròng 10% trên mỗi mẻ nung.

Một miệng lò có tuổi thọ tối thiểu 10 năm, trong khi chỉ cần 3 năm làm ăn suôn sẻ thì chủ lò đã lấy vốn xây dựng, 7 năm còn lại là lãi ròng. Vì vậy mà hồi cực thịnh, những nghiệp chủ ở làng gạch Vĩnh Long ông bà nào cũng giàu sụ.

Cận cảnh một lò gốm Vĩnh Long không một bóng người và không còn tỏa khói làm ra sản phẩm - Ảnh HÙNG ANH

Cận cảnh một lò gốm Vĩnh Long không một bóng người và không còn tỏa khói làm ra sản phẩm - Ảnh HÙNG ANH

Nhưng bước qua thập niên 2000, làng gạch ngói Vĩnh Long suy thoái. Ông Bé Ba kể lúc đó nhiều loại gạch men mẫu mã rất đẹp, mỏng, nhẹ xuất hiện trên thị trường khiến dân miệt vườn miệt ruộng quay lưng với gạch tàu khi phát hiện căn nhà lót nền bằng gạch men sáng đẹp, sang trọng.

Gạch tàu chết trước, sau đó đến lượt gạch ống, gạch thẻ, ngói móc… cũng lần lượt "chết đứng" trước gạch không nung và tôn lạnh nhiều màu sắc rực rỡ. "Thời điểm đó làng gạch gốm Vĩnh Long lâm cảnh điêu đứng do sản phẩm làm ra bán rất chậm, nhiều chủ lò phải ngưng hoạt động vì lỗ lã, hàng ngàn người mất công ăn việc làm", ông Bé Ba nhớ lại.

Tuy nhiên, trong lúc làng gạch nguy cấp, mấy ông chủ lò năng động là Ba Nghĩa, Sáu Lộc, Ba Khiêm… không chịu bó tay, khăn gói đi lên Bình Dương tìm đến làng gốm Lái Thiêu… học nghề sản xuất đồ gốm để cứu làng gạch ngói quê nhà. Không chỉ học nghề, các ông chủ lò gạch ở Vĩnh Long còn kỳ công rước thợ giỏi ở Lái Thiêu về chỉ dạy cho nhân công Vĩnh Long các phương pháp, kỹ thuật sản xuất gốm mỹ nghệ. Đó chính là bước ngoặt cực kỳ quan trọng làm thay đổi bộ mặt của làng gạch ngói Vĩnh Long.

Khác đồ gốm Lái Thiêu nổi tiếng với các sản phẩm gốm tráng men, sản phẩm gốm Vĩnh Long là gốm mộc, không sơn phết. Bởi lẽ những chủ lò ở Vĩnh Long phát hiện sản phẩm gốm mỹ nghệ làm từ nguồn đất sét đặc biệt của Vĩnh Long sau khi được nung sẽ cho ra sản phẩm có màu đỏ tự nhiên rất đẹp hoặc màu đỏ pha mốc trắng rất đặc trưng.

"Chỉ sau vài năm, khách hàng Tây, ta ùn ùn đến làng gạch gốm tham quan các quy trình, kỹ thuật sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm. Sau đó đơn đặt hàng, mẫu mã mới theo yêu cầu của khách hàng từ khắp nơi tới tấp đổ về, sản phẩm gốm đỏ mỹ nghệ của Vĩnh Long nổi tiếng gần xa và chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Danh xưng "vương quốc đỏ" bên bờ Cổ Chiên ra đời, thay thế cái tên làng gạch gốm Vĩnh Long", ông Bé Ba kể.

Gạch gốm Vĩnh Long từng rất được người nước ngoài ưa chuộng - Ảnh HÙNG ANH

Gạch gốm Vĩnh Long từng rất được người nước ngoài ưa chuộng - Ảnh HÙNG ANH

Năm tháng ngậm ngùi

Nhưng rồi gần 20 năm làm ăn phát đạt, "vương quốc đỏ" Vĩnh Long lại lâm cảnh khốn đốn với hàng ngàn miệng lò trong cảnh đổ nát, hoang tàn. Ông Châu, chủ lò gốm ở xã Thanh Đức (huyện Long Hồ), cho biết các nghiệp chủ buộc phải ngưng hoạt động vì không có đơn đặt hàng. Những nghiệp chủ còn cố gắng cầm cự chủ yếu sản xuất hàng tiêu thụ nội địa, số lượng sản phẩm xuất lò rất ít.

Nhìn cảnh hàng ngàn miệng lò đứng im lìm hoang phế, ông Bé Ba ngậm ngùi nói: "Các chủ lò nếu thấy lỗ lã thì không nhận đơn đặt hàng, ngưng sản xuất, xem như không bị thiệt hại. Nhưng người bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là nhân công. Ở "vương quốc đỏ", 90% lao động là nữ, bình quân một miệng lò cần 10 lao động ở tất cả các khâu. Từ khi làng nghề ngưng hoạt động, những người trẻ tuổi chạy lên Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM xin làm công nhân trong các khu công nghiệp. Lao động nữ còn ở địa phương đều là người lớn tuổi, chấp nhận có việc thì chủ lò gọi đi làm, không thì quanh quẩn làm việc nhà".

Bà Võ Thị Tám (sinh năm 1965, ngụ ấp An Hương 2, xã Mỹ An, huyện Mang Thít) cho biết bà có thâm niên hơn 20 năm làm thuê cho các lò gốm. Công việc chủ yếu của bà Tám là nhào nặn đất sét thô thành đất nguyên liệu sản xuất gốm.

"Hồi trước dịch Covid-19, một tuần tui đi làm chỉ nghỉ một ngày thứ bảy. Mỗi ngày làm tám tiếng, tiền công 200.000 đồng/ngày. Mấy năm nay, lúc nào có việc thì một tuần làm được bốn ngày là may lắm rồi", bà Tám kể. Trong khi đó chị Bé Hai, thợ tạo hình sản phẩm (dân trong nghề gọi là xu gốm), cho biết chị làm việc ăn tiền công theo từng sản phẩm. Vì vậy khi chủ lò có đơn đặt hàng thì chị có việc làm, lò ngưng nung thì chị cũng… lâm cảnh thất nghiệp.

Theo các nghiệp chủ ở "vương quốc đỏ" Vĩnh Long, hiện nay chưa ai có giải pháp gì khả thi để các lò nung tỏa khói trở lại bởi lẽ sản phẩm gốm mỹ nghệ bên bờ Cổ Chiên chủ yếu là xuất khẩu. Do dịch bệnh, lạm phát, chiến tranh nên nhu cầu tiêu thụ gốm mỹ nghệ của các thị trường xuất khẩu truyền thống giảm sút mạnh, kéo theo sự suy sụp của "vương quốc đỏ".

Ông Bé Ba cho biết mới đây Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long và UBND huyện Mang Thít đã kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tại "vương quốc gạch gốm" Mang Thít. Theo kế hoạch này, tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, phát triển du lịch trên vùng đất rộng khoảng 3.000ha ở các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh với khoảng 1.500 miệng lò nung.

Những người lên kế hoạch phát triển "du lịch lò nung" hào hứng tính toán: nếu thực hiện được, mỗi năm khách du lịch gần xa sẽ mang về cho địa phương số tiền 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhiều nghiệp chủ trong vùng vẫn băn khoăn: "du lịch lò nung" có những sản phẩm gì hấp dẫn, độc đáo để thu hút bền vững du khách gần xa ? Nếu không có các sản phẩm du lịch "độc, lạ" thì việc du khách bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng chỉ để nhìn ngắm mấy cái lò nung gạch gốm là chuyện không tưởng.

------------------

Trên dòng Cổ Chiên, lâu nay còn có một thứ đặc sản nổi tiếng gần xa của đất Vĩnh Long đã sắp tuyệt chủng…

Kỳ tới: Cá cóc, đặc sản lừng danh Cổ Chiên

Theo dòng Cổ Chiên - Kỳ 2: Dấu xưa Long Hồ dinh bên bờ Cổ ChiênTheo dòng Cổ Chiên - Kỳ 2: Dấu xưa Long Hồ dinh bên bờ Cổ Chiên

Một chiều cuối hè, chúng tôi theo các bậc cao niên đi tìm lại dấu xưa bên bờ Cổ Chiên giang...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên