27/06/2019 08:30 GMT+7

Theo chân CSGT xử phạt 'ma men' vi phạm giao thông

THU DUNG - LÊ PHAN
THU DUNG - LÊ PHAN

TTO - Mỗi ngày, rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây ra những cái chết thương tâm, hệ lụy lớn cho xã hội. Trong đó, nguyên nhân tai nạn bắt nguồn từ vi phạm giao thông do tình trạng say xỉn. Vậy mà việc xử phạt vi phạm lại không phải dễ dàng...

Theo chân CSGT xử phạt ma men vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời khuyến cáo người đi đường đã uống rượu, bia thì không lái xe - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều ngày theo chân lực lượng CSGT TP.HCM chúng tôi ghi nhận được không ít câu chuyện bi hài. 

Nhậu xỉn, quậy chốt cảnh sát giao thông

Một đêm đầu tháng 6, phóng viên Tuổi Trẻ Online theo chân Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Bến Thành - Phòng CSGT Công an TP.HCM kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Chỉ trong thời gian từ 20h30 đến 22h30, không ít tình huống "dở khóc, dở cười" đã xảy ra khi "ma men" cố tình cù nhây làm khó CSGT.

Đêm này, CSGT lập chốt kiểm tra tại giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ, ngay chân cầu Nguyễn Văn Cừ, quận 1. Hàng ngàn lượt xe đi qua, lực lượng cảnh sát phải căng mắt quan sát, theo dõi tình hình giao thông.

Khoảng 20h45, CSGT phát hiện và yêu cầu hai người đàn ông đi xe máy có dấu hiệu say xỉn dừng lại để kiểm tra nồng độ cồn. Vừa dừng xe, anh M. (người điều khiển xe) thừa nhận mình đã uống rượu bia, xe cũng không có giấy tờ gì hết.

Theo chân CSGT xử phạt ma men vi phạm giao thông - Ảnh 2.

Anh M. không chấp hành đo nồng độ cồn theo yêu cầu của CSGT, gây náo loạn cả đoạn đường - Ảnh: LÊ PHAN

Thế nhưng, khi CSGT yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn, anh này cho rằng chỉ uống rượu bia chứ không lạng lách, không vượt đèn đỏ nên CSGT không được quyền thổi phạt anh. Mặc dù CSGT kiên nhẫn giải thích hơn 1 giờ đồng hồ, đề nghị thổi vào máy đo nồng độ cồn và xuất trình giấy tờ xe tuy nhiên anh này không hợp tác mà còn phản ứng gay gắt, thậm chí đòi bỏ xe đi về.

Sau một hồi tranh cãi, anh M. ôm lấy máy đo nồng độ cồn và thổi rất mạnh nhưng cố tình không để hơi vào ống nên máy không cho ra kết quả. CSGT phải thay ống và cho thổi đi thổi lại 5 - 6 lần, nhưng vô ích. Trong quá trình đó, anh M. liên tục cự cãi, yêu cầu một CSGT tự đo nồng độ cồn.

Anh M. lè nhè  "Tôi hỏi mấy ông nha, mấy ông làm trong ngành mấy ông có nhậu không? Nhậu thì mình nói nhậu thôi. Tôi cũng đã nói tôi có nhậu rồi, không có giấy tờ xe mà cứ yêu cầu xuất trình giấy tờ. Ngon thì ông thổi tôi xem". Ngay lập tức, một CSGT đã thay ống và thổi vào máy đo nồng độ cồn ngay trước mặt anh M. và đưa kết quả cho anh này xem nhưng anh M. không xem, không đồng ý thổi vào máy nữa.

Thấy người dân hiếu kỳ đứng quanh chỉ trỏ, cười nói, anh M. càng "quậy" dữ để thể hiện. Anh ra hiệu cho người bạn đi cùng ngồi xuống lề đường rồi nói "mày chờ tao quậy xíu rồi về".

Cuối cùng, CSGT buộc phải mời công an phường ra làm chứng để lập biên bản trường hợp anh M. không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của CSGT. Khi công an phường có mặt, anh M. trèo lên xe ra điều kiện công an phường phải... còng tay anh chung với chiếc xe mới được đưa về phường.

"Làm công ngày kiếm có 300 ngàn, lỡ uống có vài chai. Mấy anh thích thì lấy xe đi, tui đi về. Tôi bỏ xe đó làm một tháng mua lại xe mới sau", anh M. lè nhè rồi đi thẳng vào dòng xe đang chạy trên đường.

Khi thấy xe máy bị công an phường niêm phong, anh này quay trở lại rồi nằm dài trên xe. Rất đông người dân có mặt tại đây lúc này đều lắc đầu ngán ngẩm trước một ma men cù nhây, gây sự.

"Những trường hợp nhậu xỉn rồi "cù nhây" với cảnh sát giao thông như vậy nhiều lắm. Hầu như ngày nào lực lượng cảnh sát cũng gặp, cũng phải ra sức giải thích, thuyết phục họ. Nhiều người xỉn vô rồi không làm chủ được hành vi. Theo đúng quy định thì lực lượng phải xử phạt thôi, để họ đi trên đường có nguy cơ gây tai nạn cho người khác. Trường hợp anh M. này chỉ quậy nhây làm mất thời gian, chứ có những trường hợp họ còn chửi bới, đập phá, xử lý rất mệt mỏi", một CSGT ngao ngán nói với chúng tôi.

Lúc này, sau hơn 1 giờ đồng hồ quậy tưng chốt cảnh sát giao thông, anh M. vẫn chưa chịu rời đi, mà cứ lòng vòng tại khu vực chốt kiểm tra gây khó dễ cho lực lượng chức năng.

Muôn chuyện trớ trêu khi xử phạt

Trường hợp anh M. là một điển hình cho việc "ma men" quậy, không chấp hành khi bị lực lượng chức dừng xe để xử phạt. Suốt nhiều ngày theo chân CSGT, chúng tôi còn ghi nhận thêm nhiều câu chuyện trớ trêu khác.

Khuya 23-5, một "ma men" vừa rời quán nhậu trên đường Ung Văn Khiêm thì loạng choạng rồi ngã lăn ra đường bất tỉnh. Khi CSGT đến kiểm tra thì người này nồng nặc mùi bia. Lực lượng chức năng gọi môt taxi gần đó để đưa anh này vào bệnh viện và gọi báo cho người nhà. Chiếc xe của nạn nhân được đưa vào lề, lực lượng CSGT cũng lúng túng không biết phải xử trí sao với trường hợp này.

Không chỉ vậy, có người nhậu xong bị dừng xe kiểm tra, sau một hồi xin xỏ không được thì chuyển sang ăn vạ. Một đêm giữa tháng 6, chúng tôi chứng kiến một cặp vợ chồng đi xe máy SH bị dừng xe kiểm tra nồng độ cồn. Người vợ xuống xe năn nỉ với lý do chỉ uống có 1 chai bia. 

Theo đúng quy định, CSGT yêu cầu người chồng thổi vào máy đo nồng độ cồn thì người vợ bắt đầu chửi bới om sòm. Được một lúc, người vợ lấy điện thoại ra quay lại quá trình xử lý vi phạm của CSGT và cho rằng nếu xe cộ hư hỏng hoặc xảy ra vấn đề gì thì sẽ "bắt đền".

Thậm chí có người say, khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn thì khẳng định mình là người làm ra máy đo nên biết độ sai lệch như thế nào. Anh này quyết không thổi vào máy đo mà còn... dạy cho lực lượng CSGT cách dùng máy với giọng lè nhè và điệu bộ liêu xiêu đứng không vững.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhiều CSGT cho biết, việc xử phạt vi phạm giao thông vô cùng khó khăn nếu người vi phạm không hợp tác. Không hiếm những trường hợp người vi phạm "cù nhây" đôi co, tệ hơn là chống đối, làm bị thương người thi hành nhiệm vụ. Có những trường hợp phải mất nhiều giờ mới xử lý xong.

"Chúng tôi chỉ mong muốn người vi phạm có thể ý thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho người khác, để lại hậu quả cho gia đình và xã hội. Để từ đó, họ có thể điều chỉnh hành vi, chấp hành luật, bớt say xỉn, không còn lái xe tung hoành trên đường", một cán bộ Phòng CSGT chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, việc CSGT xử phạt các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn cho chính bản thân người vi phạm và những người khác cùng lưu thông trên đường. Đối với những trường hợp đã vi phạm còn cố tình cản trở lực lượng chức năng làm việc cần phải được xử lý nghiêm khắc ở mức cao nhất để đủ tính răn đe.

Hãy cùng tham gia chương trình "Chuyến xe văn minh" do báo Tuổi Trẻ phát động với sự đồng hành của Công ty TNHH Grab để cùng nhau nâng cao ý thức cộng đồng và lan tỏa những hành vi đẹp khi tham gia giao thông.

Không những thế, bạn còn có thể chung tay trao tặng nón bảo hiểm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn qua 2 hình thức đơn giản sau:

• Cách 1: Lan tỏa câu chuyện việc tốt bằng cách:

1. Nhấn thích hoặc chia sẻ các bài viết về "Chuyến xe văn minh"

2. Thay đổi khung chương trình "Chuyến xe văn minh" cho ảnh đại diện

3. Đồng ý tham gia lan tỏa câu chuyện việc tốt.

• Cách 2: Gởi bài viết/hình ảnh/video câu chuyện văn minh giao thông mà bạn thấy được trên đường bằng cách:

1. Truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn và gửi bài/hình ảnh/video theo hướng dẫn.

2. Tham gia từ Facebook cá nhân: đăng tải câu chuyện/ảnh chụp /video mà mình chứng kiến và quan sát được lên trang Facebook cá nhân ở chế độ công khai và gắn kèm hashtag #chuyenxevanminh.

3. Gửi câu chuyện đến email của chương trình tại địa chỉ chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn

Đặc biệt, khi tham gia chương trình theo cách 2, bạn sẽ có cơ hội trở thành người trúng thưởng giải thưởng tuần có giá trị 1.000.000 VNĐ (một triệu đồng). Xem thêm thông tin tại http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn

Báo Tuổi Trẻ cùng các sở ngành khởi hành Báo Tuổi Trẻ cùng các sở ngành khởi hành 'Chuyến xe văn minh'

TTO - Sáng 25-5, tại Nhà văn hóa Thanh niên, quận 1, TP.HCM, Báo Tuổi Trẻ phối với với các sở ngành TP.HCM phát động chương trình “Chuyến xe văn minh” kêu gọi cộng đồng xây dựng hình ảnh đẹp về văn hóa giao thông trên đường phố.


THU DUNG - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên