06/09/2017 09:59 GMT+7

Thêm một lần hi vọng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Hôm nay (6-9), dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) lại được trình Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thẩm tra, chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung thêm một lần nữa.

Thêm một lần hi vọng - Ảnh 1.

Hẳn là "trận chiến cuối cùng" đã lâu dài, gian khổ và khó khăn hơn so với những suy đoán, tưởng tượng ban đầu của những nhà lập pháp.

"Ra đời" năm 2005, Luật phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được sửa đổi, bổ sung thêm hai lần nữa (vào các năm 2007, 2012), nhưng cho đến nay đạo luật này vẫn bị nhiều chuyên gia bình luận là "cọp không răng".

Báo cáo thường niên của Chính phủ về công tác PCTN bao năm qua vẫn lặp đi lặp lại các cụm từ quen thuộc: tình trạng tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp; các đối tượng tham nhũng ngày càng tinh vi; kết quả PCTN chưa đạt yêu cầu!

Còn nhớ năm 2005, khi Quốc hội thảo luận để lần đầu tiên ban hành Luật PCTN, không ít đại biểu Quốc hội đã coi đây là "trận chiến cuối cùng" với "giặc nội xâm", thậm chí có đại biểu (bà Trần Thị Quốc Khánh) còn rơi lệ tại nghị trường. 

Nhưng rồi hơn mười năm sau khi Luật PCTN được ban hành, những bức xúc trong nhân dân trước tình trạng tham nhũng vẫn không hề giảm, mặc dù người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã quyết liệt yêu cầu xử lý nghiêm những "đại án" nhiều ngàn tỉ, hay việc bóc trần những dây nhợ trên đường thăng tiến của một số quan chức như Trịnh Xuân Thanh.

Không thể hoài nghi quyết tâm PCTN, đặc biệt thể hiện qua hình ảnh "củi tươi bỏ vào lò cũng phải cháy" như Tổng bí thư đã nói. Nhưng trong PCTN thì quan trọng nhất là có thể chế đủ mạnh để phòng ngừa, bởi có đẩy mạnh việc "chống" đến bao nhiêu thì cũng chỉ giải quyết được phần ngọn (dư luận có thể hả dạ khi các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử các vụ đại án nhiều ngàn tỉ, nhưng để xảy ra những vụ việc như vậy thì đã mất của, mất người, mất niềm tin).

Tại nhiều hội thảo, cuộc họp về cơ chế phòng ngừa tham nhũng, các chuyên gia lập pháp đều nhận định chiếc "chìa khóa" quan trọng nhất là phải kiểm soát được tài sản của quan chức, công chức trong bộ máy. 

TS Trần Đức Lượng, cựu phó tổng Thanh tra Chính phủ, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN phải đảm bảo cơ chế công khai gắn với minh bạch và minh bạch thì phải gắn với trách nhiệm giải trình. 

TS Nguyễn Đình Quyền, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, từng đề nghị cần có cuộc kiểm kê, đăng ký tài sản của toàn xã hội làm căn cứ kiểm soát sự dịch chuyển của các khối tài sản, chứ vẫn cơ chế như hiện nay thì chẳng bí thư, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng nào "dại gì mà để nhà cửa, đất đai, tiền gửi ngân hàng đứng tên mình".

Rõ ràng, chỉ khi nào pháp luật đủ hiệu năng để minh bạch rộng rãi hàng triệu bản kê khai tài sản của những người có chức có quyền; mọi cáo buộc và hoài nghi của dư luận về sự tham ô, nhũng nhiễu, bất minh được xem xét, giải trình và công bố thuyết phục thì khi ấy công tác PCTN mới tạo được bước đột phá.

Thêm một lần sửa luật. Thêm một lần chờ đợi. Thêm một lần hi vọng. Cũng là thêm một lần thử thách lòng tin của dư luận, nhân dân.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên