Các ngân hàng đang tăng cường bảo mật nhưng người tiêu dùng vẫn phải cảnh giác để tránh rủi ro. Trong ảnh: rút tiền qua thẻ ATM tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cùng việc đưa ra nhiều ưu đãi để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng (NH) cũng áp dụng nhiều giải pháp tăng cường an ninh nhằm bảo vệ người dùng.
Nâng cấp yêu cầu xác thực
NH Vietcombank vừa thông báo điều chỉnh hạn mức giao dịch với phương thức gửi tin nhắn mã xác thực giao dịch một lần (OTP) trên kênh VCB-iB@nking dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ ngày 1-7 tới.
Theo đó, hạn mức chuyển khoản, nạp tiền, thanh toán hóa đơn, dịch vụ tài chính, nộp ngân sách nhà nước đối với phương thức xác thực này trên kênh VCB-iB@nking sẽ còn tối đa 100 triệu đồng/giao dịch và 100 triệu đồng/ngày.
Việc điều chỉnh nhằm tuân thủ quy định của NH Nhà nước tại quyết định số 630 về việc áp dụng các giải pháp về an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ NH. Việc này cũng nhằm tăng cường an toàn bảo mật trong cung ứng dịch vụ NH trực tuyến.
Sau ngày 1-7, muốn sử dụng hạn mức giao dịch lớn hơn, người dùng của Vietcombank phải đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP (hay Smart Token, là phần mềm được cài đặt trên thiết bị di động giúp người dùng chủ động lấy mã xác thực giao dịch một lần - OTP).
Người dùng cần phải đăng ký tài khoản trên ứng dụng và kích hoạt thành công để sử dụng ứng dụng này.
Không chỉ Vietcombank mà hàng loạt NH khác cũng điều chỉnh hạn mức thanh toán cụ thể đi đôi với kỹ thuật xác thực theo quy định của NH Nhà nước.
Đại diện Sacombank cho hay từ một năm nay, khi khách hàng đăng ký hạn mức chuyển khoản trên 100 triệu đồng, Sacombank đã không áp dụng phương thức xác thực OTP qua tin nhắn SMS, thay vào đó là các phương thức mCode, MConnected qua ứng dụng Msign - là các phương thức có tính bảo mật cao hơn.
Sắp tới NH sẽ bổ sung thêm mQR, Adv Token cho khách hàng sử dụng dịch vụ NH điện tử có thêm sự lựa chọn.
Về phía khách hàng, đại diện Sacombank cho hay việc cài đặt phương thức xác thực cho hạn mức cao chỉ mất chút ít thời gian ban đầu để cài đặt.
Tuy nhiên, NH cũng khuyến cáo khách hàng cài đặt hạn mức thanh toán dưới 100 triệu bởi sự tiện lợi, nhanh chóng hơn khi thao tác duyệt thanh toán cũng như đảm bảo an toàn.
Một số NH khác cho biết do quyết định số 630 về việc áp dụng các giải pháp về an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ NH của NH Nhà nước được ban hành từ năm 2017 nên trong thời gian qua đã nâng cấp hệ thống nhằm đáp ứng chuẩn mới về bảo mật.
Rà soát giao dịch để siết tội phạm
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trong những ngày gần đây, các NH cũng tăng cường rà soát hệ thống nhằm tăng thêm an toàn cho giao dịch của khách hàng và tránh bẫy của tội phạm.
Chị Thu Hằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết ngày 5-6 chị vừa liên kết thẻ ATM với một siêu thị để thử tính năng mua sắm mới, sau đó chị rút tiền tại một ATM của NH khác.
Ngày 6-6, khi chị nạp tiền từ thẻ ATM vào ví điện tử để đặt đồ ăn thì liên tục nhận thông báo giao dịch không thành công dù chị nhập đúng mật khẩu. Đến chiều 6-6, khi nhận tin nhắn yêu cầu đổi mã PIN chị mới biết thẻ ATM của mình đã bị khóa.
"Tôi liên hệ NH để hỏi thì được biết thẻ ATM của tôi có thể đã giao dịch tại ATM mà NH nghi ngờ tội phạm có cài đặt thiết bị đánh cắp dữ liệu để chế tạo thẻ giả nên NH đã khóa thẻ và yêu cầu tôi phải đổi mã PIN" - chị Hằng nói.
Giải pháp này cũng từng được một số NH khác, trong đó có VietinBank, thực hiện trong dịp 30-4 và 1-5 vừa qua để đảm bảo an toàn tài khoản.
Hiện các NH đang trong quá trình chuyển đổi dần từ thẻ từ sang thẻ chip để tăng cường bảo mật. Tuy nhiên, cần lưu ý những ngày gần đây tội phạm vẫn lợi dụng cơ hội để ra tay.
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, chị D.T.K.Thoa (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chủ thẻ NH Vietcombank, cho biết khoảng 19h ngày 26-5, khi chị đang ở nhà thì nhận tin nhắn báo thẻ ATM Vietcombank của chị bị rút tiền dù chị vẫn đang giữ thẻ bên mình.
"Liên tục 6 giao dịch diễn ra chỉ trong 4 phút, mỗi giao dịch tôi bị rút 2 triệu, tổng cộng mất 12 triệu đồng... Sau đó tôi làm theo hướng dẫn của tổng đài là nhập số CMND nên đã kịp khóa được thẻ" - chị Thoa kể.
Trường hợp mất tiền của chị Thoa không phải là cá biệt. Mới đây, một chủ thẻ tại Q.7 bị "bốc hơi" 29 triệu đồng giữa đêm khi đang giữ thẻ bên mình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietcombank thừa nhận gần đây có tiếp nhận thông tin về trường hợp khách hàng nghi ngờ bị giả mạo giao dịch thẻ dẫn đến bị rút tiền trong tài khoản.
"Trong trường hợp xác minh khách hàng không thực hiện giao dịch và đó là các giao dịch giả mạo, NH sẽ có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, kể cả giải pháp hoàn tiền" - đại diện Vietcombank khẳng định.
Giảm chi phí nhắn tin cho khách
Về tin nhắn thông báo số dư, hiện NH phải thông qua nhà mạng dẫn đến chi phí cao. Do vậy những khoản biến động nhỏ dưới 10.000 đồng một số NH không nhắn vì tiết kiệm chi phí, nhưng tới đây một số NH cho biết sẽ cải tiến theo hướng tin nhắn tự động sẽ từ hệ thống máy chủ mà không cần phải qua bên thứ ba để giảm chi phí.
Từ đó NH sẽ tính toán để giảm phí tin nhắn thông báo số dư cho khách hàng.
Yêu cầu phiên bản hệ điều hành mới hơn
Với ứng dụng VCB - Mobile B@nking và VCBPAY là hai ứng dụng dùng trên điện thoại, Vietcombank yêu cầu thiết bị di động nếu dùng hệ điều hành iOS phải có phiên bản từ 8.0 trở lên, với hệ điều hành Android phiên bản từ 6.0 trở lên.
Quy định này áp dụng từ ngày 15-6 với khách hàng đăng ký mới dịch vụ và từ 15-7 với khách hàng hiện hữu.
Sau ngày 15-7, Vietcombank cho biết sẽ ngừng cung cấp dịch vụ đối với các trường hợp đang sử dụng thiết bị di động có hệ điều hành thấp hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận