31/05/2024 08:31 GMT+7

Thềm băng lớn nhất ở Nam Cực đang hoạt động kỳ lạ

Theo trang SciTechDaily, hoạt động của suối băng đã khiến thềm băng Ross ở Nam Cực đột ngột dịch chuyển.

Thềm băng Ross là một dải băng trôi nổi, kéo dài ra đại dương từ các sông băng ở sâu trong Nam Cực - Ảnh: SciTechDaily

Thềm băng Ross là một dải băng trôi nổi, kéo dài ra đại dương từ các sông băng ở sâu trong Nam Cực - Ảnh: SciTechDaily

Nam Cực, những dòng sông băng khổng lồ liên tục dịch chuyển. Các dòng suối băng, hoạt động giống như các băng chuyền, là con đường chuyển động tăng tốc, vận chuyển phần lớn băng và mảnh vụn trầm tích từ các sông băng rộng lớn này về phía đại dương.

Theo nghiên cứu mới của Đại học Washington ở St. Louis, một dòng suối băng như vậy đã đẩy toàn bộ thềm băng Ross ra khỏi vị trí ít nhất một lần mỗi ngày. Phát hiện này rất có ý nghĩa, vì quy mô của thềm băng Ross không hề nhỏ. Đây là thềm băng lớn nhất ở Nam Cực, có kích thước tương đương với nước Pháp.

Doug Wiens, giáo sư ưu tú Robert S. Brookings về khoa học trái đất, môi trường và hành tinh, nói: "Chúng tôi phát hiện toàn bộ thềm băng đột nhiên di chuyển khoảng 6cm đến 8cm một hoặc hai lần mỗi ngày, do một dòng suối băng chảy vào thềm băng gây ra. Những chuyển động đột ngột này có thể đóng vai trò gây ra các trận động đất và rạn nứt ở thềm băng".

Thềm băng Ross là một dải băng trôi nổi, kéo dài ra đại dương từ các sông băng ở sâu trong Nam Cực. Các nhà khoa học quan tâm đến sự tương tác giữa thềm băng và suối băng, một phần vì lo ngại về sự ổn định của thềm băng ở Nam Cực, trong một thế giới với nhiệt độ đang nóng lên.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters, tập trung vào chuyển động được gây ra bởi suối băng Whillans, một trong số khoảng nửa tá dòng sông băng lớn, chuyển động nhanh đổ vào thềm băng Ross.

"Con người sẽ không phát hiện được chuyển động của thềm băng chỉ bằng cách cảm nhận. Chuyển động xảy ra trong khoảng thời gian vài phút, do đó không thể nhận biết được nếu không có thiết bị đo", Wiens nói.

"Trước đây tôi đã xuất bản một số bài báo về các sự kiện trượt ở suối băng Whillans, nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện việc toàn bộ thềm băng Ross cũng di chuyển", Wiens cho biết.

Các nhà nghiên cứu không nghĩ rằng những sự kiện trượt này có liên quan trực tiếp đến hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Một giả thuyết cho rằng hiện tượng xảy ra do mất nước ở lòng suối băng Whillans, khiến nó trở nên "dính" hơn.

Nước biển sẽ dâng cao thêm khi thềm băng sụp đổ

Các thềm băng đóng vai trò như chiếc phanh cho các sông băng và suối băng, làm chậm hành trình của chúng ra biển - nơi chúng tan chảy, do đó tạo điều kiện cho nhiều băng tích tụ hơn trên lục địa.

Nếu một thềm băng sụp đổ, "chiếc phanh" sẽ biến mất và các sông băng có thể thoải mái chảy nhanh hơn. Một khi chảy vào đại dương, chúng góp phần làm mực nước biển dâng cao.

Các nghiên cứu về suối băng trong 50 năm qua cho thấy một số suối băng đang tăng tốc, số khác thì chậm lại. Các nhà khoa học có thể sử dụng máy đo địa chấn để phát hiện chuyển động đột ngột của suối băng, nhằm giúp hiểu rõ điều gì đã điều khiển chuyển động này.

‘Thác máu’ bí ẩn ở Nam Cực khiến giới khoa học trăn trở cả trăm năm‘Thác máu’ bí ẩn ở Nam Cực khiến giới khoa học trăn trở cả trăm năm

Hơn 100 năm trước, nhà địa chất học người Anh Griffith Taylor đã phát hiện ra một thung lũng băng bí ẩn ở Nam Cực với dòng thác chảy ra có màu đỏ y như máu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên