Các mối quan hệ có thể rất hữu ích trong cuộc sống, nhưng nhiều xung đột cũng bắt nguồn từ đây, gây ra những nỗi đau, sự căng thẳng, thậm chí tan vỡ.
Biết cách xin lỗi sẽ giúp hàn gắn những tổn thương. Ngược lại, xin lỗi sai cách có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
Hãy xin lỗi chân thành và thật lòng
Lời xin lỗi chân thành thể hiện sự đồng cảm, hối hận và tiếc nuối thật lòng, cũng như cam kết rút kinh nghiệm từ những sai lầm vừa qua. Nói cách khác, bạn cần thực sự hiểu mình đã sai, và hối hận vì những tổn thương đã gây ra.
Lời xin lỗi chân thành cũng có thể mang lại sự nhẹ nhõm, đặc biệt nếu bạn cảm thấy mình có lỗi. Chỉ một lời xin lỗi không xóa bỏ sự tổn thương hay khiến mọi chuyện ổn thỏa, nhưng chứng tỏ bạn biết mình sai và cố gắng ngăn điều đó xảy ra lần nữa trong tương lai.
Có rất nhiều lý do chính đáng để xin lỗi. Đó có thể là khi bạn thừa nhận mình sai, nhắc đến những gì được phép và không được phép trong mối quan hệ, bày tỏ sự tiếc nuối và hối hận, học hỏi từ sai lầm và tìm cách mới để giải quyết trong tương lai, tìm cách kết nối lại với đối phương.
Không xin lỗi khi làm sai có thể gây tổn hại các mối quan hệ cá nhân và công việc, hoặc dẫn đến sự tức giận, oán giận và thù địch ngày càng gia tăng theo thời gian.
Nghiên cứu cho thấy những lý do chính khiến mọi người không xin lỗi sau khi làm sai là vì họ không thực sự quan tâm đến người khác, vì việc xin lỗi đe dọa đến hình ảnh của họ hoặc họ tin rằng dù sao lời xin lỗi cũng chẳng có tác dụng gì.
Biết khi nào nên xin lỗi và chịu trách nhiệm
Theo trang Very Well Mind, biết khi nào nên xin lỗi rất quan trọng. Nếu cho rằng mình đã làm điều gì đó, dù cố ý hay vô tình, khiến người khác cảm thấy khó chịu, bạn nên xin lỗi và làm rõ vấn đề. Nếu bạn khó chịu khi có ai đó làm điều tương tự với bạn, đây cũng là dấu hiệu cho thấy bạn nên xin lỗi vì hành vi của mình.
Dù lời xin lỗi chân thành có thể giúp ích rất nhiều, nhiều người cảm thấy không dễ dàng nói ra.
Thừa nhận mình đã sai có thể rất khó khăn và hoặc khiến bạn thấy thấp kém. Các nhà nghiên cứu phát hiện những người nghĩ rằng tính cách có thể thay đổi là những người dễ nói lời xin lỗi hơn. Đó là vì họ hiểu sự thay đổi có thể xảy ra, và xem việc nhận lỗi là cơ hội để học hỏi và trưởng thành.
Chịu trách nhiệm nghĩa là thừa nhận những lỗi lầm mình đã mắc. Đây là một trong những thành phần quan trọng nhất, nhưng lại thường bị bỏ qua trong hầu hết các lời xin lỗi, đặc biệt là những lời xin lỗi trên các phương tiện truyền thông.
Lời nói mơ hồ kiểu như: "Tôi xin lỗi nếu bạn cảm thấy bị xúc phạm bởi điều tôi đã nói" ngụ ý cảm giác bị tổn thương là phản ứng bột phát từ người kia.
Ngược lại, cách mở lời: "Khi tôi nói điều gây tổn thương, đó là do tôi đã không suy nghĩ kỹ. Tôi nhận ra mình đã làm tổn thương cảm xúc của bạn. Tôi xin lỗi" thừa nhận bạn biết chính xác những gì mình nói đã làm tổn thương người kia. Bạn chấp nhận điều đó và nhận trách nhiệm. Đừng đưa ra giả định và đừng cố gắng đổ lỗi.
Thể hiện sự hối tiếc và bù đắp
Khi xin lỗi hiệu quả, cần hiểu giá trị của việc bày tỏ sự hối tiếc. Hãy cho người khác biết bạn cảm thấy tồi tệ khi làm tổn thương họ và ước gì bạn không làm vậy. Đây chính là sự thấu cảm và chia sẻ. Đối phương đã cảm thấy tồi tệ và họ muốn biết bạn cũng cảm thấy như vậy khi làm sai.
"Tôi ước gì có thể rút lại lời nói", "Ước gì tôi cũng nghĩ đến cảm xúc của bạn" là những cách bày tỏ tiếc nuối, tăng thêm sự chân thành và cho người kia biết rằng bạn quan tâm đến cảm xúc của họ.
Nếu bạn có thể làm bất cứ điều gì để cải thiện tình hình, hãy làm điều đó. Một phần của sự chân thành là sự sẵn sàng hành động. Nếu không chắc nên làm gì, hãy hỏi người khác.
Những câu thể hiện sự nỗ lực thay đổi bao gồm "Tôi biết lời nói của mình đã làm tổn thương bạn. Lẽ ra tôi không bao giờ nên nói như vậy. Sau này tôi sẽ suy nghĩ thật kỹ trước khi nói", "Tôi có thể làm gì để lấy lại lòng tin từ bạn?"…
Ngoài ra, hãy xây dựng lại ranh giới. Ranh giới lành mạnh rất quan trọng trong bất kỳ mối quan hệ nào.
Khi xung đột, mọi người thường vượt qua ranh giới hoặc các quy tắc xã hội. Hãy nói về những quy tắc mà bạn và đối phương sẽ tuân thủ trong tương lai, về những hành vi mà hai bên sẽ không thể tha thứ, ví dụ như thiếu tôn trọng, la hét, lừa dối, xúc phạm… để xây dựng lại niềm tin, ranh giới và cảm xúc tích cực.
Đừng xin lỗi chỉ vì muốn đối phương phải đáp lại
Khi xin lỗi, bạn chịu trách nhiệm về phần xung đột từ phía mình, không phải thừa nhận toàn bộ vấn đề là do mình. Mọi người thường ngại xin lỗi trước, vì cho rằng đây là biểu hiện của việc "sai nhiều hơn" hoặc là "kẻ thua cuộc".
Xin lỗi ngay cả khi chỉ một phần nhỏ của vấn đề là do bạn rất bình thường và lành mạnh, cho phép bạn thể hiện sự hối tiếc, nhưng cũng xác nhận ranh giới trách nhiệm.
Hãy công bằng khi xin lỗi, với người kia và với chính mình.
Đừng nhận mọi lời đổ lỗi nếu đó không phải là lỗi của bạn. Ngược lại, ra sức khiến người kia xin lỗi sẽ gây phản tác dụng.
Xin lỗi bằng lời nói hay bằng văn bản?
Xin lỗi bằng lời nói phù hợp trong hầu hết tình huống. Nhưng nhiều người thấy khó chịu khi phải xin lỗi trực tiếp. Nếu điều này gây ảnh hưởng tới sự chân thành của lời xin lỗi, hãy chọn cách an toàn hơn như xin lỗi bằng thư, email hoặc tin nhắn để có thời gian suy nghĩ kỹ hơn. Tuy nhiên, lời xin lỗi bằng văn bản có thể mãi mãi không nhận được phản hồi, và xung đột vẫn chưa được giải quyết.
Lời xin lỗi có thể được chấp nhận nếu đối phương lắng nghe hoặc thừa nhận đã đọc tin nhắn, cảm ơn hoặc thể hiện sự đánh giá cao khi bạn xin lỗi, đáp lại khi nói "Không sao đâu", "Sau này đừng bao giờ làm vậy nữa", hoặc "Cảm ơn, nhưng tôi vẫn cần thêm thời gian suy nghĩ".
Ngay cả khi ai đó chấp nhận lời xin lỗi, cũng không nhất thiết là họ sẵn sàng tha thứ. Sự tha thứ thực sự có thể mất thời gian, vì vậy hãy bình tĩnh và kiên nhẫn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận