06/05/2017 19:45 GMT+7

Nhật, Trung gần nhau hơn về kinh tế do ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Lần đầu tiên, hai cường quốc kinh tế số 2 và số 3 thế giới sẽ đối thoại song phương, thảo luận về những rủi ro tiềm tàng đối với nền kinh tế châu Á trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nhen nhóm.

Bộ trưởng Nhật Taro Aso bắt tay với bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp tại Yokohama ngày 6-5 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Nhật Taro Aso (trái) bắt tay với bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp tại Yokohama ngày 6-5 - Ảnh: Reuters

Chiều 6-5, trong tuyên bố chung được công bố sau cuộc họp song phương, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý thúc đẩy các cuộc đối thoại song phương giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính và chính sách kinh tế.

Hai bộ trưởng nhất trí sẽ tổ chức cuộc đối thoại kinh tế đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2018. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tiêu Tiệp (Xiao Jie) đã bay sang Nhật Bản vào ngày 6-5 để tham dự cuộc họp song phương với người đồng cấp Taro Aso, bên lề hội nghị thường niên Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Yokohama.

Lẽ ra vào ngày 5-5 ông Tiêu đã phải có mặt để dự cuộc họp tay ba giữa Nhật - Trung - Hàn nhưng vì lý do được thông báo là "có cuộc họp khẩn cấp trong nước" nên ông Tiêu đã lùi lại một ngày và cử thứ trưởng Tài chính của Trung Quốc đại diện.

Trong cuộc họp tay ba cùng các thống đốc Ngân hàng trung ương, ba nước lớn hàng đầu của châu Á đã lên tiếng đồng thuận chống lại "mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ thương mại" - một cách nói về những chủ trương sắp tới của Mỹ nhằm bảo vệ "lợi ích của người Mỹ".

Theo hãng tin Reuters, hai bộ trưởng Nhật-Trung chỉ thảo luận về triển vọng hợp tác kinh tế và tài chính giữa hai nước trong tương lai, không đề cập đến những căng thẳng trong khu vực liên quan tới Triều Tiên và vấn đề tiền tệ.

Hai bộ trưởng cũng thống nhất sẽ tiến hành các cuộc nghiên cứu chung để tìm ra lợi ích chung giữa hai quốc gia. Kết quả nghiên cứu sẽ được báo cáo trong cuộc đối thoại đầu tiên vào năm tới.

"Chúng tôi đã tích cực trao đổi các quan điểm về tình hình kinh tế và tài chính của Nhật Bản, Trung Quốc. Điều quan trọng hơn cả là hai bên đã nhắc lại mong muốn hợp tác tài chính giữa hai nước song song với việc chia sẻ kinh nghiệm vận hành các chính sách kinh tế và những vấn đề liên quan tới cơ cấu tổ chức", bộ trưởng Aso phát biểu tại họp báo.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (bìa trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tiêu Tiệp (bìa phải) trong cuộc họp song phương chiều 6-5, bên lề Hội nghị thường niên ADB tại Nhật Bản - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso (bìa trái) và người đồng cấp Trung Quốc Tiêu Tiệp (bìa phải) trong cuộc họp song phương chiều 6-5, bên lề Hội nghị thường niên ADB tại Nhật Bản - Ảnh: Reuters

Việc bộ trưởng Tiêu Tiệp bay sang Nhật Bản ngày hôm nay đã làm dịu đi những đồn đoán nói rằng sự vắng mặt của ông ngày hôm qua là có ẩn ý về mặt ngoại giao.

Trong cuộc họp ba bên vào hôm qua, các quan chức tài chính của Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí sẽ chống lại tất cả các hình thức bảo hộ kinh tế, cam kết sát cánh và đứng vững cùng nhau hơn nhóm G20 để chống lại chủ nghĩa bảo hộ được Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào và tỏ ra ủng hộ.

Trong thời gian qua, đã có nhiều nhận định lo lắng rằng Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) - một sáng kiến của Trung Quốc, sẽ cạnh tranh với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản khởi xướng và được Mỹ hậu thuẫn.

Tuy nhiên, trong sự kiện ra mắt cuốn sách về lịch sử 50 năm của ADB tại Trung tâm Hội nghị ở Yokohama chiều 4-5, Chủ tịch kiêm giám đốc Ban Giám đốc ADB, ông Takehiko Nakao khẳng định mong muốn hợp tác giữa hai ngân hàng đầu tư trong khu vực hơn là cạnh tranh.

Vị lãnh đạo ngân hàng người Nhật nhấn mạnh: “Chúng ta có thể hợp tác bởi vì chúng ta có những ý tưởng giống nhau. Thật tốt khi có thể kết nối các quốc gia và thúc đẩy thêm cho các hoạt động trong vùng”.

Nhật Bản và Trung Quốc đã thiết lập khuôn khổ cuộc gặp giữa các quan chức tài chính từ năm 2006 để thảo luận về nhiều chủ đề kinh tế, tài chính và tăng cường hợp tác song phương.

Tuy nhiên, sự kiện này đã bị đình trệ do quan hệ hai bên xấu đi sau khi Nhật Bản đặt quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku, trong khi Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, trên Biển Hoa Đông vào quyền kiểm soát năm 2012.

Vòng đối thoại mới đây đã được nối lại ở Bắc Kinh năm 2015.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên