04/05/2017 15:57 GMT+7

​ADB sẽ hợp tác thay vì cạnh tranh với AIIB

THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật)
THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật)

TTO - Mối lo về sự cạnh tranh của hai ngân hàng trong khu vực châu Á đã được giải tỏa bằng những lời trấn an của Chủ tịch ADB.

Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB trong buổi họp báo trưa 4-5 ở Trung tâm Hội nghị Yokohama - Ảnh: Reuters
Ông Takehiko Nakao, Chủ tịch ADB trong buổi họp báo trưa 4-5 ở Trung tâm Hội nghị Yokohama - Ảnh: Reuters

Trong sự kiện ra mắt cuốn sách về lịch sử 50 năm của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Trung tâm Hội nghị ở Yokohama (Nhật) chiều 4-5, một lần nữa cái tên Trung Quốc lại được nhắc đến gắn với Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh khởi xướng gần đây.

Một lần nữa, Chủ tịch kiêm giám đốc Ban Giám đốc ADB, ông Takehiko Nakao khẳng định mong muốn hợp tác giữa hai ngân hàng dầu tư trong khu vực hơn là cạnh tranh.

Hợp tác bởi dư địa còn nhiều

Buổi trưa cùng ngày, trong buổi họp báo khai màn chuỗi hoạt động bốn ngày sự kiện nhân kỷ niệm 50 năm thành lập của ADB, ông Nakao cũng đã khẳng định điều trên khi được hỏi ADB sẽ làm thế nào trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh vai trò của AIIB trong quá trình thực thi sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.

Vị lãnh đạo ngân hàng người Nhật nhấn mạnh: “Chúng ta có thể hợp tác bởi vì chúng ta có những ý tưởng giống nhau. Thật tốt khi có thể kết nối các quốc gia và thúc đẩy thêm cho các hoạt động trong vùng”.

Như vậy ông Nakao “đá xoáy” nhẹ vào chuyện Bắc Kinh tìm cách làm giống với những gì người Nhật đã nêu ý tưởng từ năm 1966. Dĩ nhiên vào thời điểm này, người Trung Quốc có vị thế khác hơn bởi nguồn tiền mạnh mẽ trong khi ADB phần nào mệt mỏi với rất nhiều các dự án đã và đang tiến hành những năm qua.

Theo số liệu, trong nửa thế kỷ hoạt động với mục tiêu chính giảm nghèo cho khu vực, đến 70% các khoản vay của ADB hướng vào đầu tư hạ tầng cơ sở.

Cũng theo tính toán của ADB, cho đến năm 2030, vẫn còn cần đến 26.000 tỉ USD cho các dự án phát triển hạ tầng ở khu vực. Nhu cầu còn rất lớn nên hợp tác vẫn là đối sách tốt cho mọi bên, cả bên cho vay lẫn bên thụ hưởng.

Để khẳng đinh cho khả năng hợp tác giữa hai ngân hàng, vị chủ tịch ADB khẳng định ADB và AIIB đến nay đã có 3 dự án hợp tác gồm 2 trong năm ngoái và 1 trong năm nay.

“Vì chúng tôi có những mục tiêu khác nhau và các ý tưởng điều hành khác nhau nên tôi nghĩ hai ngân hàng có thể hỗ tương cho nhau. Có rất nhiều chuyện chung để mà hai bên có thể hợp tác”, Chủ tịch ADB nhấn mạnh.

Hai bên đã bàn thảo giải pháp

Ông Nakao cũng cho biết hai bên ngân hàng đã bàn thảo cách sử dụng tiền tệ địa phương để tài trợ cho các dự án thay vì dùng đồng USD và bàn cách tăng cường khả năng chuyên môn cho đội ngũ nhân viên cũng như làm sao đảm bảo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và xã hội khi tiến hành các dự án lớn.

Thật ra những phát biểu trên đây cũng từng được ông Nakao nhấn mạnh trước ngày AIIB ra mắt vào đầu năm 2016 với số vốn ban đầu lên đến 20 tỉ USD.

Trong buổi ra mắt sách chiều 4-5, ông Nakao cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã là thành viên của ADB từ năm 1986 và đương nhiên cũng từng thụ hưởng đồng vốn hỗ trợ từ ADB cũng như mục tiêu tốt đẹp của ADB.

Hội nghị thường niên lần thứ 50 của Ban lãnh đạo ADB năm nay qui tụ khoảng 5.500 đại biểu, trong đó có các thống đốc ngân hàng trung ương, quan chức chính phủ và chủ doanh nghiệp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu.

Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và thảo luận cách thức đạt tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện. 

Chủ tịch ADB Nakao đăng ký làm thẻ tại Trung tâm Hội nghị ở Yokohama - Ảnh: ADB
Chủ tịch ADB Nakao đăng ký làm thẻ tại Trung tâm Hội nghị ở Yokohama - Ảnh: ADB

Hội nghị năm nay cũng diễn ra trong bối cảnh lo ngại về các chính sách hướng nội và nguy cơ địa chính trị ngày càng gia tăng có thể tác động xấu đến hoạt động kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tình hình hợp tác và phát triển kinh tế của khu vực châu Á cũng đang thu hút sự chú ý bởi năm 2017 này đánh dấu mốc 20 năm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính, từng khiến động baht của Thái Lan và nội tệ nhiều nước khác mất giá thảm hại, gây rối loạn các nền kinh tế khu vực. 

Thông qua các cuộc thảo luận, kéo dài tới ngày 7-5, các phái đoàn tham dự sẽ đề cập các nguy cơ tiềm ẩn đối với tăng trưởng kinh tế và tìm cách thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các nước về xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng chống dịch bệnh và cải thiện chăm sóc y tế. 

Dự kiến, một loạt cuộc gặp đa phương sẽ diễn ra bên lề hội nghị thường niên của ADB. Ngày 5-5, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gặp nhau để trao đổi quan điểm về các diễn biến tài chính gần đây trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang sau khi Triều Tiên liên tục phóng tên lửa.

Cùng ngày, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng Nhật Bản và ASEAN sẽ nhóm họp để thảo luận hợp tác trong các tình huống khủng hoảng. Sáng kiến Chiang Mai - một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương ký kết sau cuộc khủng hoảng năm 1997 - dự kiến là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa các lãnh đạo tài chính của ASEAN với các đồng cấp Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngân hàng ADB, có trụ sở tại Manila (Philippines), dự báo các nền kinh tế trong khu vực, bao gồm cả một số nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, sẽ tăng trưởng 5,7% trong năm 2017. 

Trong khi đó theo đánh giá của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), khu vực ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) tiếp tục ổn định, tăng trưởng trung bình ở mức 5,2% 

THANH LIÊM (từ Yokohama, Nhật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên