07/01/2016 09:13 GMT+7

Thế giới mạnh mẽ lên án Bình Nhưỡng

HIếU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
HIếU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)

TT - Giới quan sát quốc tế nhận định vụ thử hạt nhân gây chấn động 5,1 độ Richter không phải do bom H (bom nhiệt hạch) như Bình Nhưỡng công bố.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye họp Hội đồng an ninh quốc gia sau khi có tin láng giềng thử hạt nhân - Ảnh: Reuters
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye họp Hội đồng an ninh quốc gia sau khi có tin láng giềng thử hạt nhân - Ảnh: Reuters

Ngay khi có thông tin xác nhận CHDCND Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ tư, cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án hành động này.

“Với quy mô này, khó có thể tin đó là một quả bom H thật sự

Yang Uk (nhà phân tích thuộc Diễn đàn quốc phòng và an ninh Hàn Quốc)

Hội đồng Bảo an họp khẩn

Từ Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye mô tả vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là “hành vi khiêu khích nghiêm trọng” và “đe dọa tương lai của Hàn Quốc”. Bà Park nhấn mạnh Seoul sẽ thực hiện mọi biện pháp, bao gồm cấm vận quốc tế, để buộc Bình Nhưỡng phải trả giá. Từ Mỹ, Nhà Trắng cho biết “sẽ phản ứng thích hợp”.

Tại Nhật, Thủ tướng Shinzo Abe cảnh cáo sẽ “đáp trả mạnh mẽ” bởi vụ thử hạt nhân “đe dọa an ninh quốc gia Nhật”. Thậm chí đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc cũng tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” vì vụ thử hạt nhân “đi ngược lại nguyện vọng của cộng đồng quốc tế”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ triệu tập đại sứ Triều Tiên ở Bắc Kinh để phản đối.

“Chúng tôi kêu gọi CHDCND Triều Tiên tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa và chấm dứt các hành động khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn” - bà Hoa nói và tiết lộ Bình Nhưỡng không hề thông báo trước cho Bắc Kinh về vụ thử hạt nhân. Tân Hoa xã cũng bình luận vụ thử hạt nhân vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc, đe dọa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và gây bất ổn tại khu vực Đông Bắc Á.

Hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã mở cuộc họp khẩn ở New York thảo luận về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Pháp - thành viên thường trực Hội đồng Bảo an - mô tả động thái của Bình Nhưỡng là “không thể chấp nhận được”. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho rằng Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định quốc tế. Bà cho biết sẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an tăng cường cấm vận Bình Nhưỡng.

Đài truyền hình Triều Tiên công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong Un ký sắc lệnh thử hạt nhân hôm 15-12-2015 - Ảnh: Reuters
Đài truyền hình Triều Tiên công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong Un ký sắc lệnh thử hạt nhân hôm 15-12-2015 - Ảnh: Reuters

 

Không phải bom hydro?

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc giải thích lý do Triều Tiên thử hạt nhân là không mới. “Bình Nhưỡng luôn cảm thấy bị Mỹ đe dọa và cho rằng Washington sẽ không dám tấn công một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”. Theo giáo sư Thayer, thử hạt nhân cũng là cách Bình Nhưỡng gây sức ép nhằm buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán và thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng.

Vấn đề gây xôn xao nhất là việc Bình Nhưỡng khẳng định đã thử thành công bom hydro, hay còn gọi là bom nhiệt hạch. Giáo sư Thayer nhận định: “Vụ nổ gây chấn động 5,1 độ Richter là khá thấp so với sức công phá của một quả bom H. Tôi cho rằng đây chỉ là màn tuyên truyền chứ Triều Tiên chưa đủ năng lực sản xuất bom H. Ý đồ của Bình Nhưỡng là chứng minh cho Mỹ và thế giới thấy rằng không thể coi thường họ”. Giới tình báo Hàn Quốc cùng nhiều chuyên gia khu vực và quốc tế cũng có nhận định tương tự.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính sức công phá của quả bom này vào khoảng 10-15 kiloton thuốc nổ TNT, tương đương quả bom hạt nhân Bình Nhưỡng thử năm 2013. AFP dẫn lời chuyên gia Bruce Bennett thuộc Hãng Rand Corporation cho biết một quả bom H phải tạo ra động đất trên 7 độ Richter, mạnh gấp 100 lần so với trận động đất 5,1 độ Richter đã xảy ra.

Chuyên gia hạt nhân Joe Cirincione của Quỹ Ploughshares đoán CHDCND Triều Tiên có thể đã trộn đồng vị hydro vào một quả bom nguyên tử thông thường để khoe thử thành công bom hydro. “Nhưng đó không phải là quả bom tổng hợp hạt nhân thật sự có thể giải phóng mức năng lượng khổng lồ lên đến nhiều megaton” - ông Cirincione quả quyết.

Cư dân biên giới Trung Quốc - Triều Tiên phải di tản

Theo Đài truyền hình Trung Quốc CCTV, cư dân Trung Quốc sống ở biên giới gần Triều Tiên đã phải di tản vì mặt đất rung chuyển sau vụ thử hạt nhân. Người dân nhiều vùng ở tỉnh Cát Lâm cảm nhận được sóng chấn động rõ nhất. Sân chơi một trường cấp ba tại đây bị nứt vỡ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đang đánh giá tác động môi trường của vụ thử hạt nhân. Những đo đạc ban đầu cho thấy mức phóng xạ ở khu vực biên giới vẫn bình thường.

HIếU TRUNG (hieutrung@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên